Bóng đá Thái Lan đánh vào lòng tự trọng của cầu thủ để phát triển

Chiến thắng 4-0 của U23 Việt Nam trước Thái Lan mang lại sự tự tin nhưng không xóa đi được khoảng cách giữa hai nền bóng đá mà nền tảng là giải vô địch quốc gia.

Thai League đã làm gì để HLV Park Hang-seo phải ấn tượng mạnh? Chia sẻ của tiền đạo Teerasil Dangda và Phó giám đốc điều hành Benjamin Tan về sự thay đổi và phát triển của Thai League với cầu thủ Thái Lan.

Trước khi chính thức làm việc cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), HLV Park Hang-seo đã tìm hiểu kỹ và biết rằng, bóng đá Việt Nam luôn e sợ người Thái. Việc đầu tiên chiến lược gia người Hàn Quốc truyền đạt cho các học trò khi đó là sự tự tin và không sợ hãi trước các đội bóng Thái Lan.

Và chiến thắng đầu tiên của HLV Park Hang-seo trước U23 Thái Lan ở M150 Cup năm 2017 càng khiến cho lứa cầu thủ như Công Phượng, Quang Hải tin vào điều ông thầy mới muốn truyền đạt.

Các học trò tiếp tục duy trì và thể hiện tinh thần chiến đấu không sợ hãi trước bất cứ đối thủ nào, không riêng gì Thái Lan. Chiến thắng 4-0 ở vòng loại U23 châu Á 2020 vừa qua trước người Thái là minh chứng rõ ràng nhất.

Khen bóng đá Thái Lan tổ chức tốt, ông Park Hang-seo thầm nhấn mạnh công tác chuẩn bị của U23 Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến.

Khen bóng đá Thái Lan tổ chức tốt, ông Park Hang-seo thầm nhấn mạnh công tác chuẩn bị của U23 Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến.

Bóng đá Việt Nam vẫn phải nhìn người Thái

Thành công trong năm 2018 của bóng đá Việt Nam ở cấp châu lục và khu vực có thể khiến chúng ta tạm thời vượt qua bóng đá Thái Lan trong giai đoạn ngắn. Nhưng về tổng thể, cách tổ chức, quản lý và sắp xếp cả nền bóng đá thì cần nhìn kỹ lại mới có thể đánh giá chính xác.

Việt Nam chỉ có 2 tuần chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á 2020, thực tế thì U23 Việt Nam có đủ quân số để ráp lại trong vỏn vẹn 7 ngày. Trong khi đó, thời gian mà ông Park yêu cầu VFF là phải có 5 tuần chuẩn bị.

So sánh với người Thái, ông Park nói: “Họ là chủ nhà của giải đấu nên đã chuẩn bị từ lâu. Bằng chứng là qua 2 chiến thắng trước U23 Indonesia và U23 Brunei, Thái Lan chơi với 2 đội hình, 2 sơ đồ khác nhau”.

Và sự rời rạc của U23 Việt Nam sau 2 tuần đã thể hiện rõ qua trận thắng 1-0 trước U23 Indonesia vào những phút cuối. Ông Park bày tỏ sự không hài lòng về bản thân lẫn với cầu thủ vì rất nhiều vấn đề chưa thể khắc phục “một sớm một chiều".

Đã có một suất ở vòng chung kết với tư cách chủ nhà nhưng U23 Thái Lan thi đấu như thể họ đang cạnh tranh cho tấm vé vớt vào năm sau.

Dưới con mắt chuyên môn, nền bóng đá Thái Lan vẫn là số 1 Đông Nam Á. Ảnh: Việt Hùng.

Trong khi bóng đá Việt Nam chỉ có một đội U23 thi đấu ở thời điểm FIFA Days thì người Thái có đến 3 đội hình U19, U23 và ĐTQG cùng thi đấu trên mọi mặt trận. Đội U19 Thái Lan với 80% sức mạnh của lứa cầu thủ trẻ đang dự U19 Quốc tế tại Nha Trang. Họ gọi cả sao trẻ của Leicester Leon James trở về.

So sánh để thấy rằng bóng đá của nước nào có sự quy củ và được tổ chức căn cơ hơn.

“Thai League phát triển nhanh và chất lượng tốt, từ phương diện đó, đánh giá chung là cầu thủ Thái Lan sở hữu chiều cao, thể lực, kỹ thuật và mọi phương diện khác đều tốt và đã được nâng cao”, không phải ngẫu nhiên ông Park đề cập đến giải VĐQG Thái Lan sau trận thắng nghẹt thở U23 Indonesia.

Lòng tự trọng của cầu thủ Thái Lan bị tổn thương?

Có một sự thật là cơ hội ra sân của cầu thủ Thái Lan ở Thái League đang dần bị thắt chặt. Chính sách mở cửa ở mùa 2019 đã tăng suất cho cầu thủ Đông Nam Á lên con số 3, so với một ở mùa 2018.

Cầu thủ Thái Lan không phấn đấu sẽ khó tồn tại ở giải đấu cao nhất ở quê nhà. Ảnh: Getty Images.

Tức là nếu một CLB ở Thái League tận dụng tối đa chính sách này thì trên sân sẽ có 7 ngoại binh. Dễ hình dung nhất nếu so với V.League 2019 của Việt Nam thì với 3 cầu thủ nước ngoài, sẽ có đến 8 nội binh trên sân, còn ở Thái League chỉ còn 4 cầu thủ bản địa.

“Chúng tôi đã thảo luận rất lâu khi quyết định tăng thêm số lượng cầu thủ Đông Nam Á”, Ben Tan – Phó giám đốc điều hành kiêm Giám đốc marketing của Hiệp hội bóng đá Thái Lan (FAT) cho biết. Ông nói: “Chúng tôi cố gắng cân bằng chất lượng giải đấu và số lượng cầu thủ Thái Lan".

"Vậy nên để giữ cho giải giàu tính cạnh tranh thì chỉ những cầu thủ Thái Lan xuất sắc mới có thể chơi ở Thái League 1. Lúc này, CLB ở Thái League chưa sử dụng hết số lượng ngoại binh (7) nên vẫn sẽ còn từ 6 đến 7 cầu thủ Thái Lan trong đội hình”, ông nhấn mạnh.

Lòng tự trọng của các cầu thủ Thái Lan bị đụng chạm khi cơ hội ngay trên sân nhà không còn nhiều. Một là cố gắng hết mình để có chỗ đứng, hưởng lương cao, phúc lợi đầy đủ và cơ hội ra nước ngoài thi đấu. Còn nếu không thì phải ngồi dự bị, xuống hạng dưới thi đấu.

Benjamin Tan, người đứng sau kế hoạch 4 năm thay đổi Giải Thai League. Ảnh: Quang Thịnh.

Tiền đạo Teerasil Dangda trao đổi với Zing.vn: “Khi có nhiều đồng nghiệp nước ngoài sẽ giúp cầu thủ Thái Lan ý thức hơn khi ra sân. Họ không thể chỉ cần chơi nửa sức nữa mà phải chiến đấu đến 100%, 200% khả năng mới có vị trí. Họ phải thay đổi tư duy để phát triển bản thân”.

“Tất nhiên là khi có càng nhiều cầu thủ nước ngoài thì cơ hội của cầu thủ Thái Lan sẽ ít lại. ĐTQG cũng ít sự lựa chọn hơn nhưng các tuyển thủ sẽ có chất lượng hơn, phát triển hơn”, cựu đội trưởng Thái Lan nhìn nhận về việc ĐTQG suy yếu nếu cầu thủ Thái Lan ít ra sân hơn.

Chính sách ngoại binh ở Thái League của ông Ben Tan bắt đầu được thực hiện từ năm 2016 khi ông nhậm chức. Kế hoạch này sẽ được áp dụng cho đến hết mùa giải 2020 để xem xét tính hiệu quả từ nhiều mặt.

Lòng tự trọng của họ có giúp bóng đá Thái Lan vươn tầm châu lục hay không hay nó đang ảnh hưởng không nhỏ đến sự đi xuống của bóng đá Thái Lan trong thời gian qua?

Nhìn vào thành tích của Thái Lan so với Việt Nam ở cùng một giải đấu trong gần 2 năm qua có thể thấy rõ điều đó. HLV Park Hang-seo có thể tự tin khẳng định: "Không cần sợ người Thái nữa". Bóng đá Việt Nam đã san bằng khoảng cách với người Thái là thật nhưng giải VĐQG thì có lẽ chưa.

Quang Thịnh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bong-da-thai-lan-danh-vao-long-tu-trong-cua-cau-thu-de-phat-trien-post928855.html