Bóng đá phong trào tại các địa phương: Động lực thúc đẩy sự phát triển TDTT toàn tỉnh

Hàng trăm câu lạc bộ (CLB) bóng đá ra đời, hoạt động tích cực, nhiều giải đấu được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, đã khẳng định sự lớn mạnh của bóng đá phong trào tỉnh Thanh Hóa. Đây là xu thế tất yếu và cũng là động lực thúc đẩy phong trào TDTT xứ Thanh phát triển trong tình hình mới.

Trận đấu tranh Siêu cúp bóng đá Thanh Hóa - Cúp Delta năm 2020 giữa đội PTSC Thanh Hóa và Quảng Xương.

Nếu như những năm trước, bóng đá phong trào vẫn duy trì thể thức thi đấu 11 người; thì trong 4-5 năm trở lại đây, từ nhu cầu thực tế của người dân, bóng đá phong trào đã chuyển sang sân bóng mini 7 người. Đây cũng là xu thế của bóng đá phong trào trên cả nước. Tại Thanh Hóa, bóng đá “sân 7” đã phát triển khá mạnh tại TP Thanh Hóa nhiều năm qua. Đây cũng là đơn vị đi đầu, có phong trào bóng đá phát triển mạnh nhất trên địa bàn tỉnh. Điểm nhấn quan trọng nhất là sự ra đời ngày càng nhiều sân bóng cỏ nhân tạo hiện đại, đáp ứng niềm đam mê bóng đá và nhu cầu luyện tập TDTT thường xuyên của người dân. Từ cụm sân cỏ nhân tạo đầu tiên tại Công viên Hội An, tính đến tháng 3-2021, trên địa bàn TP Thanh Hóa đã có trên 20 cụm sân cỏ nhân tạo hiện đại tại các phường, xã, thị trấn. Nhiều sân còn đủ khả năng tổ chức các giải bóng đá phong trào cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Số lượng lớn sân bãi hiện đại cũng là cơ sở cho sự ra đời nhiều đội bóng đá phong trào, thu hút hàng nghìn người tham gia luyện tập, thi đấu mỗi ngày. Hàng trăm CLB bóng đá phong trào “sân 7” hay còn được gọi là “bóng phủi”, đã ra đời và duy trì hoạt động thường xuyên dưới hình thức tự nguyện, xã hội hóa. Các giải đấu bóng đá “sân 7” cũng được tổ chức ngày càng nhiều; trong đó, tiêu biểu nhất là Giải bóng đá phong trào thanh niên mở rộng Cúp Bia Việt, Giải bóng đá khối cơ quan doanh nghiệp Cúp Bia Thanh Hoa do UBND TP Thanh Hóa tổ chức; các giải xã hội hóa TH-League, TH-League 2, Thanh Hóa Champions League, giải đấu dành cho các cầu thủ 36 tuổi trở lên; giải bóng đá các trường THPT trên địa bàn tỉnh... Các giải đấu được tổ chức thành công từ 2 mùa trở lên, trở thành những sân chơi đa dạng, bổ ích cho các CLB bóng đá thu hút những cầu thủ, CLB “bóng phủi” xuất sắc nhất. Toàn bộ các trận đấu được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, được tường thuật trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội.

Bên cạnh TP Thanh Hóa, trong vài năm trở lại đây, bóng đá phong trào ở TP Sầm Sơn cũng có bước chuyển mình để theo kịp với xu thế, đáp ứng nhu cầu luyện tập TDTT của Nhân dân. Đây được xem là đơn vị đứng thứ 2 toàn tỉnh về bóng đá phong trào. Giải vô địch các CLB bóng đá Sầm Sơn (Sầm Sơn League) được tổ chức thành công mùa thứ IV - năm 2020, là minh chứng cho điều đó. 12 CLB bóng đá phong trào xuất sắc, cùng những cầu thủ tiêu biểu trên đã hội tụ, tranh tài sôi nổi, quyết liệt tạo ra một sân chơi bóng đá “sân 7” chuyên nghiệp, hấp dẫn. Hiện nay, trên địa bàn TP Sầm Sơn có hàng chục CLB bóng đá phong trào hoạt động sôi nổi, thường xuyên. Cùng với đó là nhiều giải đấu quy mô được tổ chức.

Việc chuyển từ “sân 11” xuống “sân 7” đã tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ cho phong trào bóng đá ở các địa phương trong tỉnh. Hàng trăm CLB bóng đá đã ra đời, cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều sân bóng cỏ nhân tạo hiện đại, đã đưa bóng đá phong trào tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh ngày càng chuyên nghiệp hơn. Có thể kể ra những đơn vị tiểu biểu như: thị xã Nghi Sơn, các huyện Quảng Xương, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nông Cống, Hà Trung, Nga Sơn, Yên Định... hay khu vực miền núi như: Thường Xuân, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước. Gần đây nhất, các đơn vị như Quan Hóa, Quan Sơn dù gặp nhiều khó khăn nhưng đã từng bước hình thành và phát triển giải bóng đá thanh niên hàng năm.

Số lượng các CLB bóng đá phong trào ngày càng tăng lên, các giải đấu cũng được tổ chức nhiều hơn đã tạo ra sự khởi sắc mới cho bóng đá phong trào tại các địa phương trong tỉnh. Từ đó, các trung tâm đào tạo bóng đá cộng đồng đã được hình thành ngày càng nhiều. Không chỉ ở TP Thanh Hóa (với khoảng 10 trung tâm); các trung tâm bóng đá cộng đồng đã ra đời và hoạt động khá sôi nổi tại các địa phương như: Sầm Sơn, Quảng Xương, Thiệu Hóa, Thường Xuân, Ngọc Lặc... Các trung tâm đều hoạt động dưới hình thức xã hội hóa, tập trung tìm kiếm những tài năng bóng đá; tạo điều kiện để các em tham gia thi tuyển vào các trung tâm bóng đá mạnh của cả nước, cũng như CLB bóng đá Thanh Hóa.

Ở góc độ quản lý, từ năm 2020, Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa đã mạnh dạn đổi mới các giải đấu chính thức. Sự đổi mới này đã được các địa phương, đơn vị, các CLB đồng thuận, hưởng ứng tích cực. Đội ngũ trọng tài cũng đã được Liên đoàn Bóng đá quan tâm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bóng đá phong trào hiện nay.

Ông Phạm Cẩm Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa, cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, liên đoàn sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác phát triển phong trào và tổ chức các giải đấu. Đặc biệt, chú trọng phát triển mạnh phong trào bóng đá trong lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên, cán bộ, viên chức, công nhân trong toàn tỉnh. Xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống CLB bóng đá phong trào, vận động thành lập mới nhiều CLB bóng đá cấp huyện, CLB cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong các hoạt động bóng đá phong trào. Bên cạnh 3 giải đấu cấp tỉnh chính thức hàng năm gồm Giải bóng đá 7 người Cúp Halida; Giải bóng đá futsal (trong nhà) Thanh Hóa, Siêu Cúp Thanh Hóa; liên đoàn sẽ phối hợp tổ chức thêm các giải đấu khác, nhằm tạo thêm sân chơi phong phú, đa dạng, góp phần thúc đẩy phong trào bóng đá tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát triển.

Mạnh Cường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/the-thao/bong-da-phong-trao-tai-cac-dia-phuong-dong-luc-thuc-day-su-phat-trien-tdtt-toan-tinh/132799.htm