Bóng đá Hà Lan 'xé rào' và kịch bản nào cho bóng đá châu Âu

Ngày 24/4 là hạn Liên đoàn bóng đá quốc gia Hà Lan (KNVB) phải chính thức tuyên bố tương lai mùa giải 2019 - 2020. Nếu hủy giải, nhiều khả năng, bóng đá Hà Lan sẽ phải đối mặt với hàng loạt những tranh chấp pháp lý. Đáng chú ý, UEFA lo lắng hiệu ứng domino có thể xảy ra.

Bỉ và Hà Lan liệu có tạo ra hiệu ứng domino ở các giải bóng đá châu Âu mùa này? Ảnh: DM.

Bỉ và Hà Lan liệu có tạo ra hiệu ứng domino ở các giải bóng đá châu Âu mùa này? Ảnh: DM.

Theo dự kiến, 72 giờ sau khi Chính phủ Hà Lan gia hạn thời gian giãn cách xã hội (ngày 21/4), KNVB sẽ phải tổ chức một cuộc họp để tuyên bố kết luận chính thức mùa giải vô địch quốc gia (Eredivisie); đồng thời, thông báo đội giành chức vô địch, các đội giành quyền tham dự Champions League và Europa League mùa tới, những đội sẽ xuống hạng và các đội hạng dưới Eerste Divisie được thăng hạng.

Hà Lan là quốc gia thứ hai ở châu Âu tuyên bố kết thúc giải. Trước đó, Bỉ đã "xé rào" tuyên bố kết thúc giải vô địch quốc gia (Jupile Pro League) mùa 2019 - 2020 và trao chức vô địch cho đội đứng đầu là Club Brugge.

Việc tuyên bố "xóa sổ" mùa giải tưởng chừng đơn giản, nhưng hóa ra lại phức tạp, khó lường. Không chỉ phải đau đầu tìm cách xác định đội vô địch và các đội được quyền tham dự 2 cúp châu Âu mùa tới, các LĐBĐ quốc gia còn phải lo xử lý sao cho ổn thỏa các suất xuống hạng, thăng hạng mà không để xảy ra kiện cáo.

Giải VĐQG Hà Lan còn 9 vòng cuối đối với hầu hết các đội và Ajax cùng với AZ Alkmaar đang chia sẻ vị trí dẫn đầu khi cùng đạt 56 điểm, chỉ hơn kém nhau về chỉ số phụ. Hai suất vé tham dự Champions League cũng đương nhiên được trao cho hai đội bóng này.

Ajax có nhiều lợi thế để vô địch Hà Lan. Ảnh: Eurosports.

Feyenoord dù đứng thứ 3 với 6 điểm ít hơn nhưng về lý thuyết, họ vẫn còn cơ hội tranh chấp ngôi vô địch trong 9 vòng đấu còn lại sẽ cùng PSV giành suất chơi ở Europa League.

Ở cuối bảng xếp hạng, đội bóng xếp thứ 13 là VVV Venlo chỉ nhiều hơn 2 điểm so với vị trí thứ 16 của Fortuna Sittard mà theo quy định, các đội hạng 16 và 17 sẽ phải tham dự vòng play-off tranh suất trụ hạng với 6 đội hạng Nhất. Đội đứng cuối bảng RKC Waalwijk cũng có thể phải xuống hạng hoặc may mắn trụ lại nếu Eredivisie mùa 2020 - 2021 được tổ chức với 20 đội bóng, tức không có đội xuống hạng trong khi vẫn tiếp nhận thêm hai đội đứng đầu giải Hạng nhất là SC Gampar và Graafschap.

Tăng số lượng đội bóng ở mùa giải tiếp theo là giải pháp khả dĩ với KNVB lúc này khi họ tránh được các vụ kiện pháp lý của cả các đội có nguy cơ rớt hạng Eredivisie lẫn những đội sắp có vé thăng hạng từ Eerste Divisie.

Các quốc gia châu Âu sẽ nhìn vào Hà Lan và Bỉ để có giải pháp cho riêng mình. Bundesliga (Đức) vẫn hy vọng mùa giải 2019 - 2020 sẽ được tái xuất trên các sân bóng đóng kín cửa vào tháng Năm. Sân cỏ Serie A (Italy), Premier League (Anh), La Liga (Tây Ban Nha) và Ligue 1 (Pháp) cũng dự kiến sẽ sáng đèn trở lại, dù muộn hơn một chút.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 khiến người đứng đầu Chính phủ Hà Lan phải quyết định gia hạn lệnh phong tỏa quốc gia từ ngày 1/6 - 1/9. Theo đó, các sự kiện công cộng tại quốc gia này sẽ bị cấm tổ chức (bao gồm mọi hoạt động thể thao kể cả trong sân đóng kín cửa). Những vấn đề quá lớn chưa từng có sẽ nảy sinh một khi đời sống thường nhật của bóng đá bị xáo trộn.

UEFA nỗ lực để mùa giải về đích trọn vẹn. Ảnh: Eurosports.

Mục đích của UEFA hiện là kéo dài thời gian càng lâu càng tốt để hy vọng tình hình cho phép và kết thúc mùa giải như mong muốn.

Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc di chuyển, tập luyện và thi đấu của các đội bóng châu Âu còn nhiều khó khăn. Điều đó khiến các giải vô địch quốc gia khó hoàn thành theo lịch cũ trung bình 1 tuần 1 vòng. Nhiều giải đã tính đến việc thi đấu tập trung, hoặc chuyển sang mật độ 3 ngày mỗi vòng.

Về việc hoàn thành Champions League và Europa League 2019 - 2020, UEFA vẫn phải bàn thêm. Họ đang cân nhắc giữa những giải pháp: thi đấu cùng các giải vô địch quốc gia, hoặc đợi các giải VĐQG kết thúc rồi thi đấu vào tháng 8.

Đến thời điểm này, dù UEFA rất nỗ lực để đưa giải đấu 2019 - 2020 về đích một cách trọn vẹn, nhưng tương lai của nhiều giải vô địch hàng đầu châu Âu chưa thể đoán định khi dịch COVID-19 vẫn hoành hành.

Từ hiệu ứng domino của giải VĐQG Hà Lan cũng như trước đó là Bỉ đã hủy bỏ mùa giải, hoàn toàn là khả năng thực tế sẽ khiến các giải VĐQG khác phải kết thúc sớm mùa giải hiện nay.

Trong trường hợp các giải bị hủy và không thể hoàn thành nốt các trận đấu còn lại, phương án đầu tiên là giữ nguyên vị trí của các đội trên bảng xếp hạng. Đây được cho là phương án công bằng nhất với phần lớn các đội tại châu Âu.

Xác định những tấm vé dự Champions League khiến BTC các giải đấu phải đau đầu tính toán. Ảnh: Eurosports.

Một phương án nữa là UEFA sẽ phải tính toán áp dụng một trong số những phương án chọn các đội dự cúp châu Âu mà không dựa vào bảng xếp hạng hiện tại của giải VĐQG: Sử dụng hệ số UEFA (UEFA coefficient) căn cứ vào thành tích ở cúp châu Âu 5 mùa gần nhất…

Cách tính theo điểm hệ số UEFA có thể được áp dụng để trao quyền đá cúp châu Âu. Hình thức này sẽ ưu tiên các đội trong 5 năm qua có thành tích tốt ở Champions League và Europa League, có điểm tích lũy cao. Cách tính này từng được UEFA áp dụng trong thời gian dài để xét các đội vào nhóm hạt giống khi bốc thăm chia bảng. Tuy nhiên, cách tính này đã bị loại bỏ 3 năm nay, thay bằng thành tích hiện tại của mỗi đội sau mùa giải.

Minh Đăng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/chuyen-the-thao/bong-da-ha-lan-xe-rao-va-kich-ban-nao-cho-bong-da-chau-au-20200424122703106.htm