Bóng đá Đông Nam Á thêm giải đấu mới

Sau sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam, nhiều quốc gia Đông Nam Á đặt quyết tâm phát triển bóng đá lên một tầm cao mới.

Hà Nội và TPHCM sẽ đại diện Việt Nam tham dự ASEAN Club Championship

Thay đổi đáng chú ý nhất trong năm 2020 của bóng đá Đông Nam Á là sự ra đời của ASEAN Club Championship (ACC) – giải vô địch các CLB trong khu vực. 12 CLB đến từ 11 quốc gia sẽ tranh tài từ tháng 5 đến tháng 12, với giải thưởng lên đến 500.000 USD dành cho đội vô địch. Đó là con số rất lớn, bởi đội vô địch AFC Cup cũng chỉ nhận 1,5 triệu USD, còn đội về nhì nhận 750.000 USD.

Điều đáng nói, để nhận 750.000 USD của LĐBĐ châu Á, các đội Đông Nam Á phải đá tới 15 trận, và gặp nhiều đội mạnh, còn để giành 500.000 USD từ LĐBĐ Đông Nam Á, các đội chỉ phải đá 11 trận.

Sự ra đời của ACC là nỗ lực mới của khu vực trong việc tiến tới bắt kịp nền bóng đá Đông Bắc Á và Tây Á. Việc tạo thêm nhiều sân chơi, với số tiền thưởng lớn cũng giúp nhiều CLB, trong đó có Việt Nam, cải thiện nguồn thu.

Tuy nhiên, nó cũng đem tới nhiều hệ lụy. Đầu tiên là việc các CLB sẽ phải đá song song ACC và AFC Champions League (hoặc AFC Cup). Tính riêng như các đội V-League, đá thêm một giải quốc tế đã khó, chứ đừng nói đến hai. Nhiều trường hợp trước đây thậm chí chấp nhận nộp phạt để khỏi mất công, mất kinh phí đi lại.

Một điểm nữa khi ACC ra đời, là nó ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch tổ chức AFF Cup vào cuối năm 2020. Giải đấu số một cấp đội tuyển trong khu vực thường kéo dài trong một tháng, và việc các tuyển thủ liên tục phải cày ải sẽ khó đảm bảo cho chất lượng giải đấu ở mức cao nhất.

Xét riêng Việt Nam, giải đấu số một V-League có thể phải kéo dài tới 8 tháng để phân bổ lịch cho các đội tham dự đủ các giải quốc tế. Trong trường hợp nếu đội U23 giành quyền dự Olympic Tokyo 2020 vào giữa năm, hoặc đội tuyển lọt tiếp vào vòng loại thứ ba World Cup 2022, thời gian diễn ra V-League có thể còn bị kéo dài thêm.

Tác động cuối cùng là tới cầu thủ. Quang Hải từng bị chấn thương ở SEA Games 30, vì phải đá tới 60 trận một mùa. Nếu bị vắt thêm sức, chưa rõ anh và các đồng đội còn gặp thêm những rủi ro nào.

Bóng đá Đông Nam Á đang thời kỳ bùng nổ, với hiệu ứng tích cực từ Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và một số nước khác. Nhưng phát triển như nào để không bị quá đà, gây phản ứng ngược, vẫn là câu chuyện nên bàn.

TUẤN ĐỨC

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bong-da-dong-nam-a-them-giai-dau-moi-post255501.html