Bóng đá chuyên nghiệp không cần 'drama'

Trần Mạnh Hùng - vị chủ tịch tại vị quá lâu tại Hải Phòng đã phải rời ghế. Sau hàng loạt những scandal hậu trường xoay quanh ông và các cầu thủ, đã đến lúc Hải Phòng nói riêng và bóng đá nói chung của Việt Nam phải đổi thay, theo một cách chuyên nghiệp thực thụ.

Chia tay vị chủ tịch đầy rẫy “drama”

Chuyện ông Trần Mạnh Hùng rời ghế Chủ tịch của CLB Hải Phòng sau cùng cũng thành hiện thực. Gọi là “sau cùng” bởi liên tục nhiều tháng vừa qua, CĐV Hải Phòng đã không thể chịu đựng thêm trước tình cảnh của đội bóng dưới sự điều hành của ông Hùng. Trận thua của Hải Phòng trước Thanh Hóa ở vòng 8 V.League 2021, đồng nghĩa là thất bại thứ 4 liên tiếp ở đội bóng đất Cảng trở thành giọt nước làm tràn ly.

Các CĐV Hải Phòng có mặt trên sân khi đó đã căng băng rôn yêu cầu ông Hùng - Chủ tịch CLB Hải Phòng phải từ chức. Trên tấm băng rôn có dòng chữ: “Chúng tôi không cần đến ông. Từ chức để bóng đá Hải Phòng phát triển”.

Thực tế trong nhiệm kỳ làm chủ tịch của ông Hùng, Hải Phòng chỉ có đúng một mùa giải thể hiện phong độ chói sáng. Đó là vào năm 2016, khi họ ganh đua chức vô địch với Hà Nội FC cho đến những giây cuối cùng của mùa giải. Hải Phòng chỉ chấp nhận ngôi á quân khi kém Hà Nội FC đúng bởi chỉ số bàn thắng bại, hay cụ thể hơn là kém 2 bàn thắng so với đội bóng thủ đô.

Những mùa giải còn lại, Hải Phòng lay lắt ở việc trụ hạng cho xong. Thậm chí, những trận đấu liên quan đến Hải Phòng ở giai đoạn cuối mùa luôn khiến dư luận cảm thấy “có mùi”, với những kịch bản 3 đi 3 về cùng những cái bắt tay dưới gầm bàn được thể hiện một cách rất đáng ngờ xoay quanh đó.

Nhưng khi người ta chưa tìm được một bằng chứng rõ ràng liên quan đến Hải Phòng thời ông Hùng thì những “drama” - diễn trò - xoay quanh các cầu thủ Việt kiều và ngoại binh lại trực tiếp liên quan đến ông.

Ở cuối mùa giải 2018, Stevens đã tung lên mạng xã hội những bằng chứng về việc anh thi đấu cho CLB Hải Phòng nhưng không hề được chủ tịch Trần Mạnh Hùng bàn giao hợp đồng lao động, cầu thủ này đã bằng mọi cách để đòi hợp đồng nhưng không thể. Điều này dẫn đến việc Stevens đã không thể làm thủ tục nhập cảnh cho vợ con anh ở thời điểm đó.

Chờ sự chuyên nghiệp của lãnh đạo mới

“Lúc ấy tôi cần bản sao hợp đồng lao động của mình để lo liệu hộ chiếu cho cậu con trai mới sinh của mình. Nhưng ông Hùng đã không đồng ý cấp cho tôi. Sau đó tôi đã phải nhờ đến sự can thiệp của FIFA để giải quyết mọi chuyện. Ở Hải Phòng, không một cầu thủ nào được nhận lại bản copy hợp đồng của mình. Kể cả nội binh và ngoại binh”- Stevens không ngần ngại tố cáo sự thiếu minh bạch trong cách làm việc của ông Hùng với cầu thủ Hải Phòng.

“Ban huấn luyện chẳng ghét bỏ gì tôi cả. Họ nói với tôi rằng “Stevens, we love you”. Nhưng khi ông Hùng có mặt, họ phải tỏ ra là không ưa tôi. Khi ông ta rời đi rồi, mọi thứ lại bình thường. Họ lại vui vẻ trở lại, hỏi thăm về bọn trẻ nhà tôi, gia đình tôi”.

Câu chuyện không chỉ xảy ra với Stevens. Michal Nguyễn, cầu thủ Việt kiều từng chơi ở Hải Phòng cũng bị Chủ tịch Hùng đối xử bất công. Michal Nguyễn từng nói trên báo giới Việt Nam gần đây thế này: “Có rất nhiều thứ đã xảy ra khi tôi ở CLB Hải Phòng. Đầu tiên, tôi và CLB ký hợp đồng vào ngày 1/12/2019. Bản hợp đồng có thời hạn 2 năm. Vậy mà CLB Hải Phòng lại nói rằng tôi gặp trục trặc giấy tờ nên họ không thể đăng ký tôi vào danh sách thi đấu V.League 2020. Đó hoàn toàn là những lời nói dối! Tôi bị chấn thương sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chính xác là vào sáng ngày 3/2/2020. Tôi gặp vấn đề ở gân kheo. Những rắc rối của tôi cũng bắt đầu từ đây. Đến chiều hôm đó, hai ông Phạm Mạnh Hùng và Lê Xuân Hải gọi tôi lên gặp riêng. Họ nói với tôi rằng chấn thương của tôi chẳng có vấn đề gì cả và hãy trở lại tập luyện sau 3 ngày. Ông Hùng ra lệnh nếu sau 3 ngày tôi mà vẫn không tập lại, tôi nên dọn đồ rời đi, đừng ở lại CLB Hải Phòng nữa”.

Đỉnh điểm của sự bức xúc nơi Michal Nguyễn đến vào ngày 7/2/2020. “Vợ tôi sinh em bé. Đó là một ngày trọng đại trong cuộc đời với bất kỳ ai. Thông thường, các cầu thủ Việt Nam sẽ được nghỉ 1 tuần để chăm sóc và ở bên cạnh vợ con mình. Nhưng với tôi thì khác. Ngay lúc tôi đang chờ vợ chuyển dạ, ông Lê Xuân Hải lại gọi điện thoại và nói rằng tôi phải trở lại tập luyện ngay. Bạn hiểu không? Ngay cả khi vợ tôi chuẩn bị sinh, ông ta cũng không cho phép tôi ở bên cạnh vợ của mình”…

Hải Phòng thời ông Hùng từng thất bại trong vụ kiện tụng với Stevens trên FIFA. Con số bồi thường lên đến vài tỷ đồng. Nhưng điều quan trọng hơn cả đồng tiền là danh dự, uy tín của Hải Phòng nhiều năm qua xuống thấp đến mức không tưởng trước cách đối xử thiếu chuyên nghiệp giữa người đứng đầu với cầu thủ đội bóng.

Ở một thành phố có sự thuận lợi về mọi mặt cùng tình yêu bóng đá cuồng nhiệt như Hải Phòng, đội bóng này xứng đáng ở một vị thế lớn trên bản đồ V.League, thay vì những “drama” thiếu chuyên nghiệp trở thành vết nhơ xuyên suốt hơn nửa thập kỷ qua.

Đặng Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bong-da-chuyen-nghiep-khong-can-drama-560159.html