Bóng đá châu Á lao đao vì Covid-19

Nhiều giải đấu ở châu Á phải hoãn, hủy hoặc tổ chức trên sân không có khán giả do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Chịu thiệt hại đầu tiên là Trung Quốc. Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) hai lần đổi địa điểm tổ chức bảng B vòng loại thứ ba tới Olympic 2020 môn bóng đá nữ, cuối cùng phải tổ chức tại Australia. Giải Vô địch Quốc gia Trung Quốc cũng phải tạm hoãn vì nguy cơ lây lan virus corona.

 Các giải đấu chịu ảnh hưởng không nhỏ vì dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Fox Sports.

Các giải đấu chịu ảnh hưởng không nhỏ vì dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Fox Sports.

Hàng loạt giải đấu hoãn, hủy

Mới đây, K.League cũng hoãn ngày khai mạc. J1 League, sau loạt trận cuối tuần với những con số tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cũng tạm hoãn tới hết 15/3 và có thể kéo dài hơn.

Shanghai SIPG tiếp Buriram United trên sân bóng không khán giả tại vòng loại AFC Champions League. Hiệp hội Bóng đá Hàn Quốc (KFA) cũng đưa ra yêu cầu với các trận đấu diễn ra tại nước này.

Hồi tháng 2, giải futsal châu Á 2020 cũng đưa ra quyết định tạm hoãn vô thời hạn, dù địa điểm tổ chức cách tâm dịch hơn 30 giờ di chuyển bằng máy bay. Giới chức bóng đá châu Á đang theo sát diễn biến dịch Covid-19 và sẽ còn nhiều quyết định nhằm đảm bảo an toàn cho khán giả cũng như các thành viên liên quan.

Shanghai SIPG phải tiếp đón Buriram United trên sân không khán giả. Ảnh: China Daily.

Thiệt hại về kinh tế

Trước khi AFC quyết định tổ chức bảng B vòng loại thứ ba Olympic 2020 môn bóng đá nữ tại Australia, hai địa điểm tại Trung Quốc đã được lựa chọn. Việc thay đổi vào phút chót khiến công tác chuẩn bị của nước này trở thành công cốc, thiệt hại về kinh tế là điều đương nhiên.

Giải futsal châu Á 2020 tạm hoãn khiến Việt Nam ảnh hưởng không nhỏ. Đầu tiên là việc mất tiền khi hủy vé máy bay của ban huấn luyện và các cầu thủ từ Tây Ban Nha sang Turkmenistan, đồng thời phải mua thêm vé từ Tây Ban Nha trở về Việt Nam. Kế hoạch tập huấn kéo dài thêm và điểm rơi phong độ cũng là dấu hỏi trong bối cảnh chưa rõ ràng về thời điểm khai mạc giải.

Nhiều trận đấu tại AFC Champions League và AFC Cup diễn ra trên sân không khán giả, đồng nghĩa ban tổ chức địa phương mất đi nguồn lợi kinh tế, con số cụ thể rất khó đong đếm. Song, với những nền bóng đá phát triển, lượng khán giả từ chật kín sân về con số 0 là thiệt hại lớn.

Các giải đấu tạm hoãn, nhưng đội bóng tham gia giải vẫn phải duy trì tập luyện, dẫn đến kinh phí hoạt động tăng lên. Với những nơi vốn chưa tự sống bằng việc kinh doanh bóng đá như Việt Nam, đó là bài toán không dễ chịu với các nhà quản lý.

HLV Bozidar Bandovic của Buriram United đeo khẩu trang đi dự họp báo vòng loại AFC Champions League.

Nguy cơ khó lường

Covid-19 đã vượt quá biên giới Trung Quốc và lây lan ra cả châu Á lẫn châu Âu. Ảnh hưởng của nó ngày càng nặng nề. Phản ứng dây chuyền hoàn toàn có thể xảy ra trước những diễn biến khó lường hiện nay.

Giải quốc gia kéo dài, kéo theo sự chuẩn bị của đội tuyển cho các giải quốc tế như AFF Cup, vòng loại World Cup bị ảnh hưởng. Một số giải đấu cấp châu lục như futsal châu Á 2020 hoãn vô thời hạn cũng tác động ngược lại kế hoạch tổ chức các giải quốc nội.

Gần 5 tháng nữa đến ngày khai mạc Olympic 2020. Song, chủ nhà Nhật Bản đã có gần 900 người nhiễm, tính đến sáng 25/2.

Tính an toàn cho kỳ thế vận hội mùa hè năm nay là câu hỏi chưa ai dám trả lời. Trong trường hợp khó kiểm soát, hoãn tổ chức Olympic 2020 hoàn toàn có thể xảy ra và nó kéo theo hệ lụy khôn lường cho toàn bộ nền thể thao trên cả thế giới.

Tuyển nữ Việt Nam đối phó với virus Corona ở Hàn Quốc HLV Mai Đức Chung yêu cầu học trò đeo khẩu trang khi ra ngoài và rửa tay trước bữa ăn để đảm bảo sức khỏe trong thời gian dự Vòng loại thứ ba Olympic Tokyo 2020 tại Hàn Quốc.

Đỗ Hải

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bong-da-chau-a-lao-dao-vi-covid-19-post1051381.html