'Bóng cười'

'Bóng cười' đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, mới du nhập vào Việt Nam từ khoảng 2010 và trở thành trào lưu trong giới trẻ vài năm trở lại đây. Tuy nhiên phải đến khi xảy ra vụ 7 thanh niên tử vong tại lễ hội âm nhạc điện tử diễn ra tại công viên nước hồ Tây tối 16/6 vừa qua người ta giật mới mình lo sợ về sự nguy hiểm khi bị cuốn vào trào lưu này.

Thú chơi này tưởng giúp “xả” được stress nhưng thực chất lại gây tàn phá não bộ.

Bóng cười là gì?

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn - Giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, khí cười hay còn gọi là N2O thực chất là một hợp chất vô cơ không màu, vị ngọt nhẹ. Sở dĩ gọi N2O là khí cười bởi có giả thuyết cho rằng, nó tác động lên một điểm của hệ thống thần kinh gây cười.

Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, người ta thường dùng khí N2O như một dạng thuốc gây mê, giảm đau với một liều lượng cực thấp để phẫu thuật. Trong nha khoa, N2O cũng được dùng để gây mê nhưng được giám sát chặt chẽ. Còn hiện giờ hầu như khí này không được dùng.

Ở một số nước châu Âu, đây là chất kích thích được bán hợp pháp tại các bar, hộp đêm. Bóng cười du nhập vào Việt Nam khoảng năm 2010, trước đây trò hít bóng cười được giới trẻ rỉ tai nhau sử dụng tại các quán bar. Giá 1 quả “bóng cười” chỉ từ 50.000 - 100.000 đồng/quả. Nhưng gần đây, tại nhiều địa điểm giải trí, rất nhiều bạn trẻ đua nhau mua và sử dụng bóng cười như một trào lưu.

Theo đó, loại khí N2O được bơm vào bóng cười bằng những dụng cụ vô cùng đơn giản, chỉ cần một bình khí nén nhỏ, hai chiếc hộp nhựa đựng bóng và một ống sắt là có thể tạo nên một quả bóng cười. Người sử dụng ngậm đầu quả bóng như thổi bóng bay nhưng làm động tác hít vào thật sâu sau đó lại nín thở bằng mũi và thở khí vào quả bóng cho quả bóng to lên.

Người hít điêu luyện có thể lặp đi lặp lại hai hành động hít - thở cho quả bóng căng phồng rồi đến cuối cùng xẹp lép là lượng khí N2O đã xâm chiếm và lan tỏa khắp cơ thể. Có người hít xong, mồ hôi vã ra như tắm. Khí N2O ngấm đến đâu, tế bào cơ thể tê đến đấy. Sau cảm giác đê mê sẽ là những tràng cười bất tận. Chỉ khi nào thuốc tan hết thì người sử dụng mới ngừng cười.

Bán tràn lan

Có một thời gian Hà Nội đã quyết liệt rà soát và xử lý các quán café, quán bar có bán và sử dụng bóng cười, thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng mua bán và sử dụng bóng cười đang diễn ra công khai ở rất nhiều quán café. Kông khó để tìm mua loại bóng cười trên các tuyến phố Hà Nội như: Mã Mây, Hàng Thùng, Bà Triệu…

Càng đáng lo hơn khi lướt qua các trang web là có thể thấy ngay những thông tin hấp dẫn về bóng cười, mặt hàng này được rao bán công khai và không hề có sự kiểm duyệt nào của các cơ quan chức năng. Số điện thoại liên lạc cũng có cả.

Băn khoăn trước sự xuất hiện tràn lan và những tác hại chưa biết hết của bóng cười, chị Hiền (Thanh Xuân - Hà Nội) chia sẻ: Tôi thấy bọn trẻ uống cà phê, hít bóng cười thản nhiên, chẳng e ngại gì. Có cảm giác như chúng đang cắn hạt hướng dương vậy thôi. Nghe truyền thông phân tích về tác hại của bóng cười tôi mà thấy giật mình truy hỏi con cái về loại bóng này. Chúng cũng thản nhiên trả lời trước sự hoảng hốt của mình như chẳng có gì nghiêm trọng cả.

Tại nhiều quán quán cà phê ở Hà Nội, tất cả khách hàng nam nữ khi gọi nước đều được nhân viên quán hỏi có dùng bóng không. Từng nhóm thanh nhiên ngồi uống cà phê, hầu hết trên tay đều cầm một quả bóng bay đủ màu sắc, thỉnh thoảng lại cho lên miệng thổi vào, nhả ra. Một số người còn hồn nhiên lắc lư theo tiếng nhạc vọng ra từ trong quán, có người thì cười rộ lên khoái chí.

Theo một thanh niên thạo chuyện thì giới trẻ, nhất là các cô chiêu cậu ấm khi khúc mắc chuyện gia đình, bị bố mẹ mắng, bất hòa với bạn bè, gặp gỡ, tụ tập, làm quen hay thậm chí chỉ... bỗng dưng buồn chán đều tìm đến bóng cười để có thể cười và quên đi tất cả. Ngoài ra, nhiều thanh niên dùng bóng cười cũng để thể hiện với chúng bạn về đẳng cấp.

Cũng theo thanh niên này, nếu chơi ở mức độ nhất định, biết điều tiết thì bóng cười chỉ là thứ để giải trí, giúp giải tỏa căng thẳng mệt mỏi trong cuộc sống. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, sự hấp dẫn một cách bầy đàn mà bóng cười mang lại đã khiến rất ít người có thể giữ mình ở mức độ an toàn. Sau mỗi đêm chơi bóng cười, người sử dụng thường phải nằm nghỉ vài ba ngày, thậm chí ốm vì cười không kiểm soát quá lâu dẫn đến mệt mỏi.

Tàn phá bộ não

Cũng theo TS Trần Hồng Côn, sử dụng khí cười với tần suất lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể, nhất là hệ thần kinh. Nếu hít nhiều sẽ gây ra nôn ói, rối loạn chuyển hóa cơ thể, thậm chí tạo cảm giác hưng phấn ảo, rất giống với cảm giác phê pha ma túy. Sử dụng nhiều có thể sẽ gây nghiện.

Thời gian gần đây, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai từng tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị ngộ độc khí N2O do lạm dụng hít bóng cười trong một thời gian dài. Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai), sau khi dùng bóng cười, khí N2O sẽ làm cho cơ thể choáng váng, không tự chủ bản thân, miệng nhíu lại, nói năng không rõ. Nhiều khi họ cười phá lên mà không rõ nguyên nhân. Việc hít khí này trong một thời gian dài chắc chắn sẽ gây thương tổn đến não bộ. Người lạm dụng sẽ gây thiếu oxy cục bộ, ảnh hưởng đến tim mạch, hệ thần kinh, có thể gây co giật hoặc ngất.

“Khi hít phải một lượng nhỏ, N2O có thể gây phấn khích, kích động nhẹ, gây cười vô cớ. Tuy nhiên tác dụng này chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn khiến người chơi phải tiếp tục hít thêm nữa để tăng độ “phê”. Việc tích tụ nhiều khí N2O sẽ kích thích thần kinh khiến thần kinh không hoạt động bình thường, thậm chí gây hôn mê sâu. Về lâu dài nó sẽ dẫn tới rối loạn tâm thần, trong đó có chứng mất trí nhớ. Ngay cả khi sử dụng ở nồng độ thấp, khí gây cười cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác”. - BS Nguyên cảnh báo.

Theo quy định của pháp luật, N2O không nằm trong danh mục hóa chất đặc biệt cần quản lí nghiêm ngặt, không phải chất ma túy, nhưng dưới góc nhìn của các nhà khoa học, bác sĩ có thể hiểu được bản chất của bóng cười là một thú chơi sử dụng một chất hóa học, có thể gây nghiện và gây hại cho sức khỏe. Như cảnh báo của BS. Lê Thị Tố Uyên - Bệnh viện Tâm thần Trung ương thì ban đầu có thể chỉ là một trò chơi đơn thuần, nhưng nếu thanh thiếu niên dùng nhiều, dùng lâu thì sẽ gây nghiện.

* Sau khi dùng bóng cười, khí N2O sẽ làm cho cơ thể choáng váng, không tự chủ bản thân, miệng nhíu lại, nói năng không rõ. Nhiều khi họ cười phá lên mà không rõ nguyên nhân. Việc hít khí này trong một thời gian dài sẽ gây thương tổn đến não bộ. Người lạm dụng sẽ gây thiếu oxy cục bộ, ảnh hưởng đến tim mạch, hệ thần kinh, có thể gây co giật hoặc ngất.

Mai Lan

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-khoe/bong-cuoi-tintuc417848