Bóng chuyền bãi biển: Khó kiếm nguồn nữ trẻ

Từ trước đến nay, bóng chuyền bãi biển Sanest - Sanna Khánh Hòa luôn gặt hái được rất nhiều thành công tại các giải đấu nằm trong hệ thống quốc gia nhờ sự kết hợp hài hòa giữa 2 tuyến vận động viên trụ cột và trẻ. Thế nhưng, hiện đội bóng đang chật vật trong việc tìm kiếm nguồn nữ trẻ.

Từ trước đến nay, bóng chuyền bãi biển (BCBB) Sanest - Sanna Khánh Hòa luôn gặt hái được rất nhiều thành công tại các giải đấu nằm trong hệ thống quốc gia nhờ sự kết hợp hài hòa giữa 2 tuyến vận động viên (VĐV) trụ cột và trẻ. Thế nhưng, hiện đội bóng đang chật vật trong việc tìm kiếm nguồn nữ trẻ.

Theo lý, thể thao đỉnh cao mạnh thì phong trào phải phát triển một cách tương xứng để tạo nguồn. Ấy vậy mà nhiều năm qua, môn BCBB tỉnh đang tồn tại nghịch lý: đỉnh cao mạnh, còn phong trào thì lèo tèo, thậm chí chẳng có, nhất là ở nội dung thi đấu của nữ. Ông Nguyễn Trọng Quốc - Huấn luyện viên đội BCBB Sanest - Sanna Khánh Hòa cho hay, trong đợt tập trung các VĐV của đội bóng chuẩn bị cho các giải quốc gia năm nay, đội chỉ bổ sung thêm 2 VĐV trẻ nam, còn nội dung nữ thì không có thêm gương mặt nào mới vì thiếu nguồn.

Các đội bóng nữ tham gia thi đấu tại giải phong trào tỉnh.

Các đội bóng nữ tham gia thi đấu tại giải phong trào tỉnh.

Tuy vậy, theo tìm hiểu, cả 2 VĐV nam trẻ mà đội BCBB tuyển đợt này có đầu vào từ đội nam bóng chuyền trong nhà (tức đội trẻ Sanest Khánh Hòa) và đây cũng là nguồn VĐV nam trẻ mà đội BCBB Sanest - Sanna ưa thích xưa nay. Bởi đây đều là những VĐV đã qua đào tạo một thời gian nhưng vẫn còn một số vấn đề cần cải thiện (chẳng hạn như nền tảng thể lực, tư duy chơi bóng độc lập) và việc chuyển qua tập ở bãi biển sẽ giúp các VĐV chơi tốt hơn. Theo ông Nguyễn Trọng Quốc, về tuyến nam trẻ đội rất yên tâm vì có nguồn sẵn, các em này đều có chuyên môn nên bắt nhịp nhanh, còn tuyến nữ trẻ rất khó khăn. Nguyên nhân chính là do hiện nay, các điều kiện cơ sở vật chất tập luyện môn thể thao này ở các địa phương hầu như không có, phong trào yếu, thậm chí đang mất dần. Ở cấp độ giải tỉnh, cách 1 năm mới có giải và hầu hết các giải đấu này thường được tổ chức lồng ghép vào sự kiện festival tỉnh nên số lượng, chất lượng VĐV chuyên môn không cao. Hiện ở tỉnh vẫn có một số địa phương, đơn vị có VĐV tham gia thi đấu môn BCBB gồm: Nha Trang, Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Lâm và Công ty Yến sào Khánh Hòa. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là hầu hết các VĐV này đều thi đấu theo kiểu “thời vụ”, tức mỗi khi có giải được các đơn vị gọi lên tập luyện vài ngày, nửa tháng đưa vào thi đấu nên cũng chẳng thể đòi hỏi nhiều. Còn ở lĩnh vực thể thao học đường, theo tìm hiểu, hiện còn rất ít trường THPT, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh dạy môn bóng chuyền cho học sinh, sinh viên và điều đó phần nào lý giải vì sao BCBB Khánh Hòa không có nhiều “kênh” để tuyển chọn.

Về thành tích đỉnh cao, có thể khẳng định BCBB Khánh Hòa nói chung, đội bóng Sanest - Sanna Khánh Hòa nói riêng nhiều năm qua vẫn giữ vững vị trí là 1 trong 3 trung tâm mạnh của cả nước. Ở nội dung nam, đội không phải lo nhiều bởi lực lượng VĐV ở cả 2 tuyến đội tuyển, đội trẻ rất dày, phong độ lại ổn định. Riêng đối với nội dung nữ, hiện đội bóng vẫn còn đó những tay đập rất chất lượng: Nguyễn Thị Thanh Trâm, Nguyễn Thị Mãi, Vũ Ngọc Lan Nguyên, Nguyễn Lê Thị Tường Vy đang đảm nhiệm trọng trách mang huy chương về cho ngành Thể thao tỉnh tại các giải đấu từ cấp độ đội tuyển cho đến trẻ nằm trong hệ thống các giải quốc gia. Thế nhưng, trước thực trạng khan hiếm nguồn VĐV như hiện nay cũng như phong trào tập luyện thi đấu BCBB tỉnh èo uột, sự cạnh tranh gay gắt của các địa phương mạnh khác như: Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh… nữ BCBB Khánh Hòa đang đứng trước nguy cơ bị các đối thủ dần qua mặt.

An Nhiên

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/the-thao/the-thao-trong-nuoc/202003/bong-chuyen-bai-bien-kho-kiem-nguon-nu-tre-8154918/