Bóng cả trên đỉnh Ca Lông

Nói về vai trò của người cao tuổi (NCT) trong xã, ông Sa Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình) tự hào: Các cụ xứng danh là cây cao bóng cả trên đỉnh Ca Lông (đỉnh núi cao nhất của 6 xã vùng cao Đà Bắc), là những tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương của xã.

Các cụ truyền nghề dệt thổ cẩm cho con cháu. Ảnh: TH

Các cụ truyền nghề dệt thổ cẩm cho con cháu. Ảnh: TH

Mường Chiềng là xã vùng cao của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Trên 80% dân số trong xã là dân tộc Tày.

Khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, thì tiêu chí 2 (tiêu chí giao thông), cũng như các xã miền núi trong tỉnh, xã Mường Chiềng gặp không ít khó khăn. Đường liên thôn phần lớn là đường đất, đường mòn chỉ đi lọt cái xe máy. Là xã miền núi nên địa hình phức tạp, các xóm cách xa nhau 2 – 3 km, muốn mở đường rộng phải có đất, trong khi đất hai bên đường đã có chủ. Thu hồi đất thì không có kinh phí bồi thường, đền bù.

Nhưng khi thực hiện tiêu chí 2, thì cái khó lớn nhất của chính quyền xã lại là cái thuận lợi nhất, hàng chục gia đình đã tự nguyện hiến đất để mở đường, làm trường học, nhà văn hóa, sân vận động, mà vai trò tiền phong gương mẫu là hội viên Hội NCT.

Kết quả, các tuyến đường liên thôn từ tỉnh lộ 433 đi các bản Xẹ Lẹ - Chiềng Cang, Nà Nguồn, Nà Phang, U Quan, Chum Nưa, trước đây rất khó đi, bà con làm nhà phải dùng xe cải tiến chở, thậm chí phải gánh vật liệu xây dựng xa cả cây số, rất tốn kém, vất vả, nay, xe ô tô chở đến tận bản, vào tận sân nhà.

Ông Sa Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Mường Chiềng sớm đạt tiêu chí về giao thông và đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM, là nhờ rất nhiều vào công lao của các cụ trong Hội NCT, vì các cụ không chỉ hiến đất nhà mình mà còn vận động gia đình con cháu trong dòng họ cùng hiến đất khi đường đi qua đất nhà.

Từ đường mòn, nay đường về các bản xã Mường Chiềng đã được mở rộng, bê tông hóa.

Ông Sa Văn Có, Chủ tịch Hội NCT xã Mường Chiềng tâm đắc: Tôi đi dự họp ở các chi hội, khi bàn về việc hiến đất để làm đường, các cụ đã “quát” lại tôi: “Làm đường là để ai đi. Đồng chí Chủ tịch Hội trả lời xem nào”. Tôi chưa kịp nói thì cụ chi hội trưởng đã đứng dậy nói oang oang: Nhà nước hỗ trợ tiền cho dân làm đường là để dân bản đi, hội viên mình đi, con cháu mình đi. Cán bộ tỉnh, huyện có về đi trên đường bản ta suốt đời đâu. Lợi như thế thì ai tiếc gì vài tấc đất, cả sào đất cũng không tiếc, nghe song các cụ vỗ tay đồng tình.

Thì ra, các chi hội đã đưa ra bàn trước với hội viên từ trước. Những hộ có đường đi qua trong diện “mất” đất đã được chi hội tổ chức vận động và đều thông suốt, sẵn sàng hiến đất làm đường, trường học hay nhà văn hóa, sân thể thao của bản.

Ông Có cho biết, tuy đã cao tuổi nhưng là người có uy tín trong gia đình, dòng họ và của bản, vì vậy những việc lớn nhỏ trong gia đình, dòng họ, con cái đều phải xin ý kiến các cụ, và khi các cụ “quyết” thì mới được thực hiện. Trong việc hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng xây dựng NTM, nhiều trường hợp các cụ đã “quyết” trước khi con cái xin ý kiến.

Như trường hợp gia đình hội viên Sa Minh Nố, 65 tuổi, chi hội bản Nà Mười, khi quy hoạch tuyến đường liên bản từ tỉnh lộ 433 vào bản Xẹ Lẹ - Chiềng Cang, con đường này trước là đường mòn, nay mở rộng nền đường 5 m, lấn vào đất ruộng nhà cụ Nố gần 1.000m2.

Một hôm, sau bữa cơm tối, cụ Nố thấy con trai (hội viên Hội Nông dân) pha ấm trà, hai bố con ngồi uống, thấy con trai nói chuyện mở đường vào bản Xẹ Lẹ, có mấy nhà mất đất, rồi nhìn cụ ấp úng. Thấy vậy, cụ Nố cười, nói: Bố đã “quyết” rồi, không phải trình bày nữa, mai con nói với cán bộ bản, cán bộ xã cứ chăng dây mà làm, đừng đo tính chi ly làm gì. Có đường to, đường đẹp mà đi là sướng rồi con ạ.

Phải nói rằng, đất ruộng ở miền núi là rất quý, nhưng gia đình cụ Nố hiến tới gần 3 sào đất ruộng, tức là mất hơn một suất đất ruộng của một khẩu trong gia đình để mở đường. Cụ Nố đúng là một tấm gương sáng để con cháu học tập và đáng được bà con dân bản kính phục.

Gia đình cụ Sa Minh Giám đã hiến hơn 500 m2 đất vườn, phá bỏ hàng chục cây ăn quả đang kỳ thu trái để hiến đất cho xã làm trường học. Cụ Giám năm nay đã gần 70 tuổi, khi xã xây dựng trường tiểu học, hơn 500m2 đất vườn rừng nhà cụ nằm trong diện tích đất phải giải tỏa để xây trường mới, không đắn đo suy tính thiệt hơn, cụ bảo vợ con thu hoạch hết cây trên vườn, giao đất cho xã xây trường học, đây là đất gia đình mình hiến để xây trường, không phải đòi hỏi bồi thường, đền bù gì cả.

Ông Sa Văn Có còn cho biết, nhiều hộ gia đình hội viên Hội NCT ở các chi hội Nà Mười, Nà Phang, Nà Nguồn, Chum Nưa cũng tự nguyện hiến đất để làm đường, công trình thủy lợi, xây dựng công trình phúc lợi của bản, xã, từ đó phong trào hiến đất xây dựng công trình cơ sở hạ tầng NTM trong xã trở nên sôi nổi, hiệu quả.

Theo ông Sa Văn Cò, các hộ dân trong xã đã hiến hơn 2,5 ha đất các loại để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, mà tiên phong là các gia đinh hội viên Hội NCT.

Ngoài ra, những hội viên có sức khỏe còn chung tay, chung sức cùng con cháu thực hiện các tiêu chí như: văn hóa (tiêu chí 16), Nhà ở khu dân cư (tiêu chí 9), Môi trường (tiêu chí 17), an ninh, trật tự xã hội (tiêu chí 19), hộ nghèo (tiêu chí 11), cùng con cháu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế gia đình xóa nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.

Đặc biệt, các cụ đã tiên phong trong trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, như phục hồi lễ hội cầu mường của dân tộc Tày, nghề dệt thổ cẩm, nghề thuốc đông y, mở lớp dạy tiếng Tày cho con cháu. Các cụ hội viên Hội NCT xã Mường Chiềng xứng danh là cây cao bóng cả trên đỉnh Ca Lông - như ông Sa Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng đã tôn vinh.

Trung Hiếu

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/bong-ca-tren-dinh-ca-long_t114c1159n157460