Bồng bềnh chợ nổi Cái Răng

Chúng tôi đi chơi chợ nổi Cái Răng từ sáng tinh mơ. Khi ấy sương loãng mịn như nhung trải khắp mặt sông.

 Chợ nổi là một nét đẹp độc đáo của vùng sông nước Cửu Long.

Chợ nổi là một nét đẹp độc đáo của vùng sông nước Cửu Long.

Con thuyền lướt êm theo chiều gió. Thỉnh thoảng lại rú còi u u u báo hiệu một ngày mới bắt đầu.

Người dẫn đoàn nói phải đi sớm mới dự được phiên chợ nổi Cái Răng tấp nập hàng trăm đoàn thuyền về gom hàng. Chợ có tiếng hơn 100 năm và là di sản văn hóa của lục tỉnh. Tiết xuân trôi trên sông nước mênh mang…

Không ít tàu thuyền cũng song hành trên sông nước về phía bến Cái Răng. Họ cũng hối hả đưa hàng tới. Những ánh bình minh chưa tỏa rạng. Nhưng đã lấp ló quầng sáng từ phía biển đông như những mảng mầu hồng tỏa rạng.

Người dẫn đoàn chúng tôi là anh Đinh Văn Phú thật vui tính. Đầu tiên anh hò trong ánh sáng nhập nhọa trên sông rằng: “Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng. Ta vẫn chìm giữa bữa hoàng hôn. Em treo bẹo Cái Răng, Ba Láng. Ta thương hồ Vàm Xáng, Cần Thơ”.

Rồi anh đố ai biết “Em treo bẹo” là em treo gì nào. Thế là mấy bạn trẻ giơ tay khoái chí trả lời. Có người nói đó là cây sào treo hàng dựng trên mũi thuyền để rao bán. Anh Phú vỗ tay tán thưởng rồi lại đố mọi người, rằng vì sao trên mũi tàu hàng người ta thường vẽ con mắt. Lần này các bạn trẻ im lặng suy nghĩ một lúc nhưng không thấy ai giơ tay.

Người hướng dẫn viên có vẻ thú vị rồi chỉ về phía những con tầu cho mọi người nhìn thấy rõ những con mắt to trên mũi tàu đang lướt nhẹ trên sông. Bỗng có một phụ nữ giơ tay xin nói. Chị ta giải thích rằng đó là những con mắt cá khổng lồ để giao lưu với thần linh sông nước. Mỗi khi đi biển hay gặp tai nạn những con mắt như một điểm nhìn cho những tàu cứu hộ.

Đặc biệt khi trong bão lũ nếu gặp những đàn cá dữ thì những con mắt ấy trở thành sự giao cảm thân thiện. Tàu sẽ thoát khỏi những đụng chạm dẫn đến vỡ tàu. Hơn nữa con mắt còn là bài ca đêm đêm hướng về đất liền của những tàu đánh cá phương trời xa. Đó là nỗi niềm thương nhớ của người con quê hương nhớ bến mẹ.

Tất cả vỗ tay rầm rầm tán thưởng. Còn anh Đinh Văn Phú lại tròn mắt ngạc nhiên vì lời giải thích quá thân thuộc đối với dân thương hồ.

Bất ngờ có một chiếc thuyền máy nhỏ lướt nhanh tới và rao bán bún bò và thịt nướng. Mùi thịt ướp nướng bay hơi theo làn gió làm mọi người ứa nước bọt. Có người với tay đưa tiền mua. Hai con thuyền một to một nhỏ đi song song và len lỏi qua những con tàu đi phía trước. Chẳng mấy chốc cầu Cái Răng hiện trước mặt.

Đầu tiên đập vào cảm giác của chúng tôi là ánh sáng vàng rực của những con tàu chở hoa cúc trên sông. Đó là những bó cúc đại đóa tròn vo như những bông hoa nắng xinh xinh. Kia lại là con thuyền chở đầy những cây hoa mai còn đơm nụ. Lại còn thuyền chở cúc Vạn thọ cũng hối hả vào chợ.

Anh Phú nói lục tỉnh xưa nay đều chơi cúc trong những ngày xuân. Khắp nơi trồng những chậu cúc vàng trước cửa đón khách. Theo anh có tới mươi loại cúc mà dân thương hồ thường chở đến bán ở chợ nổi Cái Răng. Đặc biệt là cúc Bất tử bởi nó có cánh to pha sắc hồng thắm ôm lấy nhụy vàng. Đột nhiên một con thuyền chở hoa cúc Họa My đi lướt lên phía trước làm mọi người ồ lên thú vị.

Khi tàu chúng tôi lọt vô chợ thì còn thấy có thuyền bán hàng trăm mẫu hoa đồng tiền đủ sắc màu. Nghe nói còn có cả hoa đồng tiền màu xanh tím. Bên cạnh đó những bông cúc ngũ sắc cũng lấp lánh đó đây tạo nên bức tranh thủy mặc trên sông Cần Thơ. Các bạn trẻ thi nhau chụp ảnh và reo hò thú vị.

Chúng tôi ai cũng tìm mua mỗi người một bó hoa. Người nào cũng có những đóa hoa vàng rực. Và chỉ lát sau khi tiếng rao rộn ràng thì những tia nắng đầu tiên bừng lên soi tỏ mặt người. Tàu dừng lại cho mọi người tự do bước lên các con thuyền khác mua hàng. Anh Phú chỉ kịp dặn chúng tôi là phải kiêng đừng bước qua những mũi tàu. Đó là điều những thương hồ rất kỵ vì sợ mất lộc.

Thuyền hoa xuôi về chợ nổi Cái Răng.

Ánh sáng mặt trời nhanh chóng tỏa lan khắp con chợ kéo dài chừng hơn hai cây số trên sông. Những cây bẹo treo hàng như những cây nêu trên mũi thuyền. Chúng vô tình tạo nên hình ảnh một rừng cây độc đáo. Trên đầu mỗi cây sào là những nải chuối xanh, hay đu đủ ửng vàng, hoặc giỏ soài cát…

Đó là một vườn quả trên trời cao. Hàng trăm tàu nhỏ cập vào tầu lớn lấy hàng. Họ sẽ mang về miền sông nước khác để bán. Chợ nổi Cái Răng được coi là chợ đầu mối. Ngày nào cánh thương hồ cũng về đây gom hàng chở đi khắp nơi.

Mỗi tỉnh đều có những chợ nổi riêng nhưng chợ Cái Răng là lớn nhất và trở thành trung tâm thương mại của lục tỉnh. Hầu hết những tàu buôn hàng lớn đều đến đây như một điểm hẹn. Bởi lẽ vùng sông rộng ở đây đủ độ sâu và rộng cho những đoàn thuyền có trọng tải lớn cập bến.

Thật thú vị khi chúng tôi nghe thấy có tiếng rao bán xổ số. Một cô gái mặc chiếc áo bà ba chèo thuyền lướt tới. Tiếng rao ngọt lịm làm thấp thỏm con tim mọi người. Còn thuyền len tới sát các mạn tàu hàng. Cô gái luôn nở nụ cười tươi rói. Có những người muốn cầu may buổi sáng đã mua vài tới vé số. Cô gái chọn số rồi đưa cho khách với nụ cười cùng lúm đồng tiên xinh như như một bông hoa.

Phải chăng đó là nụ cười Cần Thơ. Tà áo bà ba bay phất phới trong làn gió. Bỗng dưng chúng tôi nhớ tới câu hò: “Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Quả vậy chiếc áo bà ba là hình ảnh điển hình trong chợ nổi. Ai cũng mặc chiếc áo bà ba quen thuộc.

Lúc này đâu đó tiếng hát về chiếc áo bà ba vang ngân từ phía trên bờ sông. Chợ nổi tấp nập cảnh mua bán nhưng tiếng hát vẫn vọng lên: “Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba. Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm. Qua bến bắc Cần Thơ…”

Những đám mây trắng nõn soi bóng xuống dòng sông. Chúng chòng trành theo con sóng với những cụm mây thành hình con thú bông rất đẹp. Nhiều con tầu mới chở hàng đến rú ầm còi báo hiệu. Cảnh tượng náo nức. Lúc này có tiếng ọ ẹ của âm thanh chỉnh loa trên bờ sông. Có tiếng báo hiệu rằng, xin mời mọi người lắng nghe một giọng hát cải lương. Đó là điểm nhấn để phục vụ bà con thương hồ trên sông nước Cái Răng.

Giọng hát vang lên ấm áp và mùi mẫn qua bài ca cổ: “Dạ cổ hoài lang”. Ai nấy như muốn dừng tay mua bán để thấm nỗi buồn tơ vương và cám cảnh của sự cách xa nghìn trùng. Lời lời như rót vào tai kèm theo tiếng đàn vuốt phím nghe đến xót xa.

Lát sau mọi người lại tiếp tục công việc của mình. Trên bờ vẫn ca vọng cổ. Dưới bến tiếng rao hàng vẫn lảnh lót rộn ràng. Những con thuyền nhỏ vào lấy hàng thoăn thoắt lướt qua lại như đàn chim bay trên làn mây soi bóng dòng sông.

Mới đó mà phiên chợ đã vãn khi mặt trời chiếu sáng rực rỡ vào lúc mười giờ. Chỉ còn lại những thuyền đón hàng muộn vội vã cập bến. Đáng chú ý nhất là khu chợ bán hoa đã tản mát. Những con tàu bán hoa đã hết hàng. Đây là mặt hàng sôi động nhất cùng với những bè hoa quả từng mùa.

Chợ Cái Răng có phần hụt hẫng khi hàng hoa bị cháy. Theo ngôn ngữ của thương hồ là “rỗng hàng” hoa. Nhưng vẫn còn đó trên bờ là những cửa hàng bày hoa. Những bông cúc đại đóa tròn vo vàng rực. Trên mũi những con tàu là những chậu hoa cúc và những cây mai đang hé nụ vàng ươm. Đây đó có những chậu hoa hồng thắm đỏ. Một vườn hoa xuân còn lưu lại trên sông Cái Răng.

Chúng tôi ai nấy lỉnh kỉnh những món hàng và hoa trên tay. Những bó hoa chúng tôi mua từ sáng sớm. Một con tàu đầy hoa vàng trôi trên dòng sông. Tiếng hát nỉ non của ca sĩ già trên sông vẫn buông thả từng câu. Bến sông lưu luyến vang ngân giai điệu mơ mộng buồn tênh.

Phải chăng nỗi niềm đó níu kéo chúng tôi bên chợ nổi ngày xuân. Đúng như lời ca: “Ai đến Cần Thơ mà chẳng thương. Ai đến Cần Thơ mà chẳng nhớ”. Nụ cười của cô gái mặc áo bà bà bỗng hiện lên như tấm lòng người Cần Thơ gửi trao cho mỗi du khách qua chợ nổi Cái Răng.

VƯƠNG TÂM

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bong-benh-cho-noi-cai-rang-d287190.html