Bóng bay gây cháy là 'thủ phạm' khiến Israel không kích dải Gaza

Đâu là lý do đằng sau đợt không kích của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) nhắm vào phía Nam dải Gaza ngày 2/7, đe dọa gây căng thẳng Israel-Palestine?

Ngày 2/7, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tiến hành không kích một số địa điểm quân sự của lực lượng vũ trang Hamas ở phía Nam dải Gaza.

Theo Người Phát ngôn IDF, các máy bay chiến đấu của nước này đã tấn công một nhà máy sản xuất vũ khí của Hamas nhằm “đáp trả những quả bóng bay gây cháy nhắm vào Israel”. Hiện chưa có báo cáo chính thức về thương vong.

Đây là lần thứ ba Israel tiến hành không kích dải Gaza sau khi hai bên đạt thỏa thuận ngừng bắn hồi giữa tháng 5, chấm dứt xung đột kéo dài 11 ngày.

Trong khi đó, Hamas cho biết các cuộc không kích đã san phẳng các địa điểm huấn luyện. Tuy nhiên, tổ chức này chưa lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng bóng bay gây cháy.

Vậy bóng bay gây cháy này là gì? Tại sao nó lại là "thủ phạm" khiến Israel không kích dải Gaza?

Những quả bóng bay gây cháy là vũ khí hữu hiệu của lực lượng Hamas nhằm cản bước IDF. (Nguồn: AFP)

Những quả bóng bay gây cháy là vũ khí hữu hiệu của lực lượng Hamas nhằm cản bước IDF. (Nguồn: AFP)

Bóng bay được bơm khí Hydrogen hoặc Helium và sau đó, được gắn các loại bom và chất nổ gây cháy như bom Molotov. Khi được thả lên trên cao, các quả bóng bay gây cháy này sẽ được gió thổi đến khu vực xác định, nơi chúng sẽ rơi xuống và phát nổ.

Nhắc đến loại vũ khí này, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến xung đột Israel-Palestine tại dải Gaza. Tuy nhiên, trên thực tế, loại vũ khí này được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1849 bởi quân đội Áo, nhằm không kích Venice sau khi thành phố này nổi dậy, tuyên bố độc lập khỏi đế chế Áo.

Khi ấy, Quân đội Áo đã thổi 200 quả bóng giấy mang theo chất nổ từ tàu chiến Vulcano tới Venice. Tuy nhiên, hiệu quả của chiến dịch này là không cao, chỉ có một quả phát nổ và gây thiệt hại nhỏ. Số còn lại, do hướng gió thay đổi, đã trôi ngược lại lãnh thổ Áo và tàu chiến Vulcano.

Trong Thế chiến thứ II, Quân đội Hoàng gia Nhật Bản cũng từng áp dụng chiến lược tương tự khi thổi 9.300 quả bóng gây cháy Fu-Go về phía Mỹ. Những quả bóng có đường kính lên tới 10m này đã nương theo hướng gió Tây ở độ cao 9.100m và tới khu vực Bắc Mỹ trong vòng 3-4 ngày.

Giai đoạn mùa Đông năm 1944, mùa Hè năm 1945, ước tính có 300 quả bóng được phát hiện trôi dạt trên bầu trời phía Tây nước Mỹ và Canada. Song tất cả chúng đều không gây thương vong lớn.

Trong xung đột Israel-Palestine tại dải Gaza năm 2018, bên cạnh bong bóng gây cháy, Hamas cũng sử dụng thêm diều, gắn kèm các mảnh vải gây cháy để tấn công Quân đội Israel. Vào thời điểm đó, chúng được cho là công cụ hiệu quả nhất để ngăn bước tiến của IDF, vốn quen đối đầu với các loại vũ khí truyền thống hơn.

Sau xung đột 11 ngày tại dải Gaza, vào tháng 6, hàng loạt bóng bay gây cháy đã được phóng vào lãnh thổ Israel. Lực lượng cứu hỏa Israel đã phải dập hàng chục đám cháy trên các cánh đồng.

Mới đây nhất, ngày 1/7, cơ quan cứu hỏa của Israel cho biết các vụ phóng bóng bay đã gây ra bốn đám cháy nhỏ ở khu vực phía Nam Eshkol, gần biên giới Gaza. Các đám cháy nhỏ, không nguy hiểm và nhanh chóng được kiểm soát. “Một điều tra viên xác định rằng tất cả các đám cháy là do bóng bay từ Gaza gây ra”, cơ quan này nhấn mạnh.

Ngày 16 và 18/6, Israel cũng từng đáp trả bằng cách không kích mục tiêu ở dải Gaza. Tư lệnh quân đội Israel chỉ đạo lực lượng sẵn sàng “cho một loạt các kịch bản, bao gồm việc tiếp tục chiến sự”. Vì thế cuộc không kích ngày 2/7 của Israel nhắm vào phía Nam dải Gaza là một hành động tương tự, đáp trả các quả bóng bay gây cháy của Hamas bằng những quả tên lửa hiện đại.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bong-bay-gay-chay-la-thu-pham-khien-israel-khong-kich-dai-gaza-150121.html