Bóng bàn Khánh Hòa bao giờ cho đến... ngày xưa?

Tại Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân lần thứ 37 - năm 2019 ở Nha Trang, những tay vợt trẻ của tỉnh Khánh Hòa chưa thể hiện được khả năng, không có được thành tích cao, trong khi đó, lão tướng Ðoàn Kiến Quốc tuổi đã 40 vẫn 'tả xung, hữu đột'. Người hâm mộ bóng bàn đang ngậm ngùi tự hỏi: 'Bóng bàn Khánh Hòa bao giờ cho đến... ngày xưa?'.

Tay vợt kỳ cựu Ðoàn Kiến Quốc của tỉnh Khánh Hòa.

Tay vợt kỳ cựu Ðoàn Kiến Quốc của tỉnh Khánh Hòa.

Trong suốt khoảng thời gian từ năm 1976 đến năm 1996, tỉnh Khánh Hòa duy trì phong trào bóng bàn khá mạnh. Ðã có nhiều tên tuổi thành danh sớm từ trên ghế nhà trường như: Phương Thảo, Minh Ðạt, Ðoàn Kiến Quốc, Ðoàn Trọng Nghĩa, Ðoan Trang, Bích Thư… Có đội tuyển mạnh và một tên tuổi Ðoàn Kiến Quốc tỏa sáng trên khắp các đấu trường trong nước và quốc tế, bóng bàn Khánh Hòa đã từng khẳng định vị thế rất tốt trong làng bóng bàn Việt Nam.

Tuy nhiên, thời vàng son ấy chóng qua. Bóng bàn Khánh Hòa ngày càng thiếu vắng những cây vợt đẳng cấp cao để duy trì vị thế của mình. Phong trào bóng bàn chùng xuống. Năm nay, Ðoàn Kiến Quốc đã bước sang tuổi 40. Hiện anh vẫn phải đảm đương cả nhiệm vụ huấn luyện đội tuyển cấp tỉnh lẫn vận động viên (VÐV) thi đấu. Tre đã già mà măng chưa mọc kịp. Lớp trẻ bây giờ chưa thể viết nên những trang thành tích ấn tượng như các thế hệ trước đã làm.

Nhiều năm trở lại đây, phong trào chơi bóng bàn ở tỉnh Khánh Hòa trầm lắng trông thấy. Trên địa bàn có quá ít bàn bóng bàn, quá ít các câu lạc bộ bóng bàn. Khánh Hòa từng có nhiều tay vợt trưởng thành từ học đường, nhưng hiện nay phong trào bóng bàn học đường ở đây đang chững lại, rời rạc, thiếu sức cuốn hút. Theo Phòng Giáo dục và Ðào tạo TP Nha Trang, hiện có rất ít trường học có bàn bóng bàn. Nhiều nơi có bàn nhưng học sinh không sử dụng, để hư hỏng. Phải chăng niềm đam mê bóng bàn trong học sinh đã lụi tàn? Hay chúng ta chưa đánh thức được? Thành phố còn vậy, vùng nông thôn, miền núi, hải đảo thì sao? Những mầm non bóng bàn sẽ mọc lên ở đâu? Những câu hỏi ấy cần được trả lời thỏa đáng và có giải pháp.

Ngay cả đối với bóng bàn chuyên nghiệp ở Khánh Hòa cũng còn quá nhiều bất cập. Ðơn cử như chế độ đãi ngộ cho VÐV chẳng hạn. Lấy ngay sự nghiệp của VÐV Ðoàn Kiến Quốc làm thí dụ. Cầm vợt từ năm lên bảy tuổi, anh từng nắm giữ thứ hạng 171 của Liên đoàn Bóng bàn Quốc tế và hai lần liên tiếp góp mặt ở Ô-lim-pích. Tài năng như vậy, cống hiến như vậy, ngót 30 năm gắn bó với trái bóng nhựa, nhưng đời sống của anh rất chật vật, khó khăn. Nghề không nuôi được người, làm sao giữ được nghề?

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa Võ Ngọc Hùng, cách đây hơn 5 năm, ngành thể thao Khánh Hòa đã chú trọng đầu tư phát triển môn bóng bàn, theo lộ trình khá rõ ràng. Mục tiêu vừa duy trì thành tích cao ở cấp độ đội tuyển, vừa xây dựng một lực lượng trẻ mang tính kế thừa. Ðầu năm 2013, Ðoàn Kiến Quốc sau thời gian dài đầu quân ở các nơi, đã trở về trong vai trò vừa là huấn luyện viên đội tuyển cấp tỉnh, cũng vừa là... VÐV. Phong độ không còn ở đỉnh cao như lúc trẻ, nhưng với kinh nghiệm, bản lĩnh từng trải hơn chục năm thi đấu trên các đấu trường trong nước và ngoài nước, Ðoàn Kiến Quốc đang cố gắng "kéo" bóng bàn Khánh Hòa ra khỏi tình trạng sa sút thảm hại trong điều kiện vô cùng khó khăn. Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân lần thứ 37 vừa qua đã thật sự chỉ ra cho Khánh Hòa thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao cho bóng bàn.

Ngành thể thao Khánh Hòa đã có đầu tư trở lại cho bóng bàn lứa trẻ, song vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều đơn vị như Hà Nội T&T, Hải Dương, quân đội... đầu tư rất mạnh cho lứa trẻ. Không chỉ dừng lại ở các giải đấu trong nước, họ đã hướng đến các giải đấu mang tầm khu vực. Trong khi đó, do còn nhiều hạn chế về kinh phí, thầy trò huấn luyện viên Ðoàn Kiến Quốc chỉ dám nghĩ đến các giải đấu trong nước. Vì vậy, lứa VÐV bóng bàn trẻ Khánh Hòa đang chịu thiệt thòi, khó có thể vươn lên. Trong câu chuyện cùng chúng tôi, Ðoàn Kiến Quốc rất tâm huyết bày tỏ ước muốn cháy bỏng vực dậy môn bóng bàn quê nhà, nhưng vì thiếu điều kiện kinh tế để có thể tập huấn, tham gia các sân chơi lớn, cọ xát cho nên các tay vợt trẻ khó phát triển.

Thực tế, tại Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân lần thứ 37 cho thấy, nhiều đoàn đã kiên trì đầu tư, mạnh dạn trẻ hóa lực lượng cho nên đã có nhiều cây vợt trẻ, thi đấu đạt thành tích cao. Tỉnh Khánh Hòa cần phát động mạnh mẽ phong trào sâu rộng chơi bóng bàn trong học đường; đầu tư mạnh mẽ về nhiều mặt cho lứa năng khiếu; từng bước xây dựng môi trường chuyên nghiệp cho bóng bàn...

PHONG NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thethao/nhip-song-the-thao/item/41205602-bong-ban-khanh-hoa-bao-gio-cho-den-ngay-xua.html