Bốn vấn đề về tự chủ đại học của thầy Lê Viết Khuyến

Quyền tự chủ của nhà trường không thể trao cho một cá nhân (Hiệu trưởng) mà phải trao cho một Hội đồng trường.

Ngày 29/5, chủ trì phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo và Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban và Hội đồng đã đưa ra 4 vấn đề chính trong đó có tự chủ đại học.

Liên quan đến tự chủ đại học, Thủ tướng nhấn mạnh đây là hướng đi quan trọng bởi sau khi các trường tự chủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ còn quản lý nhà nước về quy hoạch, khảo thí và những vấn đề khác về chất lượng, thanh tra giáo dục.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất để có cách hiểu và chỉ đạo thống nhất vấn đề này với tinh thần hướng tới tiếp cận mới; áp dụng tự chủ đại học với cách làm phù hợp ở Việt Nam.

Trong việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đưa ra một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình triển khai.

Theo đó, ông Khuyến nêu:

Một là, trao quyền tự chủ cho các trường đại học không có nghĩa là mọi trường đại học đều được hưởng mức độ tự chủ như nhau.

Trên thế giới có tồn tại một “phổ” rộng về mức độ tự chủ: Những trường được trao quyền tự chủ tối đa là những trường đại học có hàm lượng trí tuệ cao, tức là những trường đại học nghiên cứu; còn các trường theo hướng nghề nghiệp- ứng dụng vẫn phải chịu sự kiểm soát và giám sát khá lớn từ phía Nhà nước.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, quyền tự chủ của nhà trường không thể trao cho một cá nhân (Hiệu trưởng) mà phải trao cho một Hội đồng trường. (Ảnh minh họa: VOV)

Hai là, quyền tự chủ của trường đại học càng lớn thì trách nhiệm xã hội càng cao.

Ở đây trách nhiệm xã hội không phải chỉ là lời hứa suông mà là trách nhiệm của nhà trường đối với sinh viên, cha mẹ sinh viên, người sử dụng lao động, công chúng và Nhà nước.

Trách nhiệm này bao gồm: việc đảm bảo chất lượng đào tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thông tin minh bạch và trách nhiệm báo cáo giải trình công khai với công chúng, đem lại sự thỏa mãn cho sinh viên và cộng đồng,...

Ba là, quyền tự chủ của nhà trường không thể trao cho một cá nhân (Hiệu trưởng) mà phải trao cho một Hội đồng trường có thành viên chủ yếu là các đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội.

Theo ông Khuyến, Hội đồng trường phải là một hội đồng quyền lực thực sự, quyết định mọi chính sách của nhà trường, có quyền chọn lựa Hiệu trưởng và có cơ chế kiểm soát độc lập đối với mọi hoạt động của nhà trường.

Bốn là, trao quyền tự chủ cho trường đại học hoàn toàn không đồng nhất với cơ chế phân quyền trách nhiệm giám sát trường đại học từ trung ương cho các tỉnh, thành phố, địa phương.

Được biết, một trong các chính sách lớn của Dự thảo Luật giáo dục đại học nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập của quá trình thí điểm tự chủ đại học công lập theo Nghị quyết 77 của Chính phủ.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu:

Tự chủ về chuyên môn: Các đại học, các trường đại học được công nhận đạt chuẩn của cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ khi đáp ứng các điều kiện mở ngành theo quy định của pháp luật;

Trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên, an ninh quốc phòng; được tự chủ phê duyệt đề án liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Các cơ sở giáo dục đại học khác được tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ (trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên, an ninh quốc phòng), được tự chủ phê duyệt các đề án liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ khi được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật, có quyết định thông qua chủ trương mở ngành của hội đồng trường, hội đồng quản trị và đáp ứng các điều kiện về mở ngành đào tạo theo quy định.

Tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự: Dự thảo Luật quy định hội đồng trường để có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy, quyết định nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo quy định của pháp luật.

Hiệu trưởng trường đại học công lập do cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận trên cơ sở đề xuất của Hội đồng trường; Hiệu trưởng trường đại học tư thục do Hội đồng quản trị quyết định.

Đối với nhân sự là giảng viên, yếu tố "giữ vai trò quyết định bảo đảm chất lượng giáo dục”, dự thảo quy định về chính sách đối với giảng viên đảm bảo tính khách quan, công bằng, cạnh tranh bình đẳng trong thăng tiến nghề nghiệp, bình đẳng giữa cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập, tạo điều kiện cho giảng viên thăng tiến nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tự chủ tài chính, tài sản: Dự thảo Luật quy định cơ sở giáo dục đại học có quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo; được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách của cơ sở giáo dục đại học.

Đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện do các cơ quan nhà nước quy định khung giá.

Đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước, cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định mức giá dịch vụ, công bố công khai cho từng năm học, khóa học cùng với thông báo tuyển sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ rõ, Dự thảo Luật giáo dục đại học khẳng định quyền tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình; cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm giải trình với các bên liên quan về chất lượng các hoạt động và chất lượng đào tạo của mình.

Thùy Linh

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bon-van-de-ve-tu-chu-dai-hoc-cua-thay-le-viet-khuyen-post186657.gd