Bốn tháng nữa ghi âm, ghi hình hỏi cung bị can

Quyết định của Chính phủ là kịp thời vì trước đây vấn đề vướng mắc nhất là kinh phí để thực hiện quy định này.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của BLTTHS 2015. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 11-9.

Để chống bức cung

Theo đề án, do nhiều nguyên nhân khác nhau, thời gian qua vẫn còn các trường hợp bức cung, nhục hình trong hoạt động tư pháp. Cùng với đó, nhiều vụ án tại tòa, bị cáo thay đổi lời khai vì lý do bị bức cung trong quá trình hỏi cung hoặc chối tội, thay đổi lời khai. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

Thực tế, hoạt động ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh đã thực hiện trước khi được quy định tại BLTTHS 2015. Điển hình là trong một số vụ án tội phạm thực hiện có tổ chức, có tính chất phức tạp, tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, quy định này chưa được luật hóa, mới dừng lại ở việc củng cố chứng cứ.

Đề án khẳng định để đấu tranh phòng, chống các hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn dùng bức cung, nhục hình của người thi hành công vụ, cũng là để bảo vệ chính những người tiến hành tố tụng thì việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh hỏi cung bị can là rất cần thiết.

Cũng theo đề án, cơ sở vật chất để thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh tại các cơ quan bộ hiện nay còn nhiều hạn chế, nổi bật là Bộ Công an. Ví dụ, các buồng hỏi cung của ngành công an đa số đã cũ, xuống cấp, chỉ có một số ít được trang bị hệ thống ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo kế hoạch triển khai thí điểm hệ thống ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can. Còn lại đa số buồng hỏi cung chưa được trang bị hệ thống ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Hiện nay, chỉ có các trại tạm giam cơ bản đáp ứng được số lượng các buồng hỏi cung. Còn hầu hết các trụ sở cơ quan điều tra chưa có phòng hỏi cung mà chủ yếu sử dụng phòng làm việc để hỏi cung hoặc lấy lời khai. Đối với các nhà tạm giữ có số lượng buồng hỏi cung rất nhỏ hoặc không có buồng hỏi cung, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng.

Cùng với đó, đa số buồng hỏi cung có diện tích 10-14 m2, chỉ có một số ít có diện tích lớn hơn 20 m2, một số buồng hỏi cung có diện tích nhỏ hơn 7 m2.

Công an huyện Yên Mỹ, Hưng Yên lấy lời khai nghi phạm trong một vụ án ma túy. Ảnh minh họa: TP

Công an huyện Yên Mỹ, Hưng Yên lấy lời khai nghi phạm trong một vụ án ma túy. Ảnh minh họa: TP

1-1-2020 triển khai toàn quốc

Về lộ trình thực hiện, trong năm 2019 sẽ hoàn thành đề án tổng thể và triển khai đầu tư đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can. Kể từ ngày 1-1-2020, việc ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can sẽ thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Trong đó, quý III-2019 này sẽ tổ chức tập huấn Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP nhằm đảm bảo thống nhất nhận thức về hoạt động ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can.

Đối với việc xây dựng phòng hỏi cung, đề án yêu cầu phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong việc quản lý, giam giữ bị can phạm nhân; chống thông cung và các quy định cần thiết khác trong hoạt động tố tụng. Phòng hỏi cung cũng cần chống lộ lọt thông tin, đảm bảo tính riêng tư, tránh các tác động từ bên ngoài trong quá trình hỏi cung nhưng đồng thời phải đảm bảo từ bên ngoài có thể quan sát được diễn biến bên trong.

Đối với hệ thống ghi âm, ghi hình trong các buồng hỏi cung bị can, đề án yêu cầu phải thống nhất về cấu trúc, cấu hình kỹ thuật, nguyên lý vận hành hoạt động. Hệ thống có giao diện đơn giản, dễ sử dụng, tối ưu hóa các thao tác nhằm nâng cao tính tiện ích và hiệu quả sử dụng…

Kinh phí thực hiện đề án sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo và được sử dụng trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Việc quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Con người vẫn là yếu tố then chốt

Tôi rất ủng hộ đề án ghi âm, ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can. Việc này không chỉ tránh bức cung, oan sai mà còn bảo vệ cho chính những người tiến hành tố tụng, đảm bảo tính khách quan trong giải quyết án. Tuy nhiên, việc bức cung, nhục hình có thể xảy ra ở nhiều lúc, nhiều nơi chứ không riêng gì trong phòng hỏi cung. Chẳng hạn quãng đường di chuyển từ phòng giam tới phòng hỏi cung hoàn toàn có thể xảy ra việc bị can bị điều tra viên tạo sức ép, camera chỉ đặt trong phòng hỏi cung sẽ không thể phát hiện được.

Theo tôi, ghi âm, ghi hình khi hỏi cung chắc chắn sẽ góp phần chống bức cung, nhục hình nhưng nếu nói 100% thì rất khó. Yếu tố quan trọng nhất là cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, bởi dù ở đâu thì con người luôn là yếu tố then chốt. Khi phải bức cung bị can chứng tỏ điều tra viên đã bất lực, do đó ngoài ghi âm, ghi hình thì việc nâng cao trình độ, đạo đức của cán bộ điều tra là vô cùng cần thiết.

Luật sư BÙI ĐÌNH ỨNG, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

TUYẾN PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/bon-thang-nua-ghi-am-ghi-hinh-hoi-cung-bi-can-858085.html