Bòn rút hoa lợi từ đất nông nghiệp

Phải đến khi việc đem nhà đất công đi cho thuê trở thành vấn đề nhức nhối; cả trăm hộ dân nhận khoán đất không được tái ký hợp đồng phản ứng, HĐND thành phố vào cuộc giám sát, Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) là ông Lê Tấn Hùng mới lên tiếng thừa nhận rằng, 3 công ty con của Sagri đang quản lý gần 59,8 triệu m2 đất nông nghiệp ở vùng ven thành phố.

Trong đó 2 công ty con là Công ty TNHH MTV Bò Sữa và Công ty TNHH MTV Cây trồng thành phố đang quản lý hầu hết diện tích đất này. Quản lý hàng chục triệu m2 đất từ nhiều năm qua nhưng các công ty con của Sagri chẳng đầu tư trồng trọt, sản xuất gì nhiều, chỉ làm mỗi một việc đơn giản là mang số đất này đi giao đi khoán dài hạn cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể Công ty Bò Sữa tại huyện Củ Chi đã ký 102 hợp đồng khoán đất, thời gian hết hạn hợp đồng từ năm 2022 đến năm 2038. Công ty Cây trồng ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh đã ký 672 hợp đồng khoán đất sản xuất cho người dân. Thời gian hết hợp đồng bắt đầu từ năm 2017 kéo dài đến năm 2029, hiện có 188 hợp đồng đã hết hạn.

 Vùng đất hoang hóa được giao cho Công ty Cây trồng đã được các hộ nhận khoán khai khẩn, cải tạo thành khu vực trù phú.

Vùng đất hoang hóa được giao cho Công ty Cây trồng đã được các hộ nhận khoán khai khẩn, cải tạo thành khu vực trù phú.

Theo ông Sáu Cẩm, một Đại tá Quân đội nghỉ hưu, ông và nhiều bà con về vùng bưng, đầm lầy thuộc Công ty Cây trồng thành phố để nhận khoán đất, khai hoang đã 20 năm nay. Sau khi ký hợp đồng nhận khoán, ông và người dân ở đây đã phải bỏ ra không ít tiền của, công sức để khai hoang, đào mương, lên liếp nhằm cải tạo lại đất do đất ở đây chủ yếu là rừng cây bụi hoang hóa, nhiễm phèn.

Là những người nhận khoán, trực tiếp canh tác trên đất nông nghiệp, nhưng những người nông dân hầu như không được hỗ trợ gì từ Công ty Cây trồng và chính quyền xã. Từ vốn, nguồn giống, kỹ thuật, phân bón hoặc tiêu thụ sản phẩm… họ đều phải tự bơi.

Ngay cả việc làm đường, kéo điện để thoát cảnh sống tối tăm tại vùng ven một đô thị phát triển như TP Hồ Chí Minh người dân cũng không được công ty hay chính quyền xã hỗ trợ mà phải tự tìm cách xoay xở. Ngược lại, mỗi năm đều đặn người nhận khoán phải nộp đến 6 loại phí bằng tiền mặt ở mức vài triệu đồng/ha cho công ty. Dù không có nguồn thu, sản xuất thua lỗ liên tiếp nhiều năm thì các hộ dân cũng không dám kêu ca hay chậm trễ việc nộp phí với hy vọng chấp hành tốt sẽ tiếp tục được nhận khoán khi hết thời hạn.

Tiền của, công sức đổ vào phần đất đã nhận khoán không ít, như trường hợp của ông Sáu Cẩm với 4 ha, tiền lương hưu và tiền ông huy động để đầu tư trong 20 năm qua đã ở mức gần 3 tỷ đồng. Những trường hợp phải sang lại đất như hộ của chị Nga, số tiền đầu tư để sang lại 1 ha đất cộng thêm việc bồi đắp vài chục ngàn m3 đất từ nơi khác về để làm nông nghiệp sạch đã ngốn hết 3 căn nhà ở nội thành của chị. Để bảo vệ tài sản cũng như dồn tâm sức vào làm nông, nhiều hộ dân đã bán nhà, đưa cả gia đình về đây sinh sống ổn định nhiều năm qua.

Bỏ phố ra rừng làm nông dân, nhưng ngay tại một xã ngoại thành nằm bám tỉnh lộ 10, hàng trăm nhân khẩu đã gắn bó hẳn với đất ở đây vẫn sống kiểu “3 không” khi nhà không số; không hộ khẩu; không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào về an sinh xã hội từ địa phương, nhất là sau những đợt bão lũ cuốn phăng cả chòi canh, nhà tạm, cây giống bởi lý do hết sức vô trách nhiệm: Đây là đất của DN chứ không phải địa phận do địa phương quản lý.

Khi nguồn thu hoạch từ cây ăn trái hàng năm đang mang đến cho người dân nhận khoán hy vọng sẽ thu hồi lại được công sức, tiền của bỏ ra trong nhiều năm, thì đùng một cái, người dân nhận được thông báo ngày 20-12-2016 từ ông Hứa Văn Hưng, Giám đốc Công ty Cây trồng với yêu cầu gọn lỏn: Tiến hành thanh lý hợp đồng và thu hồi lại đất giao khoán đã hết hạn, đến hạn trong năm 2017. Hộ nhận khoán khẩn trương sắp xếp thu dọn cây trồng, vật nuôi trên đất nhận khoán; nộp nghĩa vụ theo hợp đồng, nộp tiền thuê đất theo quy định của nhà nước và thanh lý hợp đồng với Công ty Cây trồng.

Để dồn ép người dân, Giám đốc Hứa Văn Hưng còn “thòng” thêm một câu: Sau khi hợp đồng đã hết hạn, hộ nhận khoán không liên hệ với công ty để làm thủ tục thanh lý xem như đã đồng ý. Trước khi đưa ra quyết định này, Công ty Cây trồng đã xin ý kiến công ty mẹ là Sagri và được ông Lê Tấn Hùng, Tổng giám đốc Sagri yêu cầu “Căn cứ vào các hợp đồng giao khoán, thông báo nhắc nhở về thời gian hết hạn hợp đồng đến các hộ nhận khoán để hộ nhận khoán có thời gian giải quyết, xử lý các tài sản cây trồng, vật nuôi trên đất”.

Tại văn bản này, Tổng giám đốc Sagri Lê Tấn Hùng cũng kèm yêu cầu là Công ty Cây trồng phải thu đúng, thu đủ tiền thuê đất của các hộ nhận khoán. Điều này có nghĩa, cả giám đốc công ty mẹ và công ty con chỉ nhắm đến quyền lợi của mình, chứ không đoái hoài gì đến công sức, tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân đã đổ biết bao mồ hôi, tiền bạc, vắt kiệt sức để tạo nguồn thu cho Sagri trong nhiều năm qua.

Phát hoảng khi thông báo này đã dập tắt toàn bộ hy vọng được tiếp tục nhận khoán đất để sản xuất; cây ăn trái trồng năm mười năm nay không lẽ chặt bỏ, rồi còn công sức, thành quả cải tạo đất bỗng chốc bị phủ nhận… người dân đã nhiều lần đến gặp Giám đốc Công ty Cây trồng để đối thoại nhưng đều bị ông này viện lý do để từ chối. Đề nghị đối thoại với Tổng giám đốc Sagri cũng không được đáp ứng, người dân chỉ còn biết cầu cứu với thành phố.

Do đó, trước thông tin ông Lê Tấn Hùng phát biểu với công luận vào ngày 2-5 vừa qua, rằng hiện có 188 hợp đồng đã hết hạn nhưng quá trình thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn. Các hộ đều phản đối, bất hợp tác trong việc thu hồi đất, nhiều hộ dân ở đây hết sức bất bình.

Bà Đặng Thị Ngọc Thúy cho hay, Giám đốc DN chưa một lần đến để gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe nguyện vọng của người dân; người dân cũng chưa hề có hành động nào gây tổn hại đến uy tín hay gây thiệt hại nào cho DN ngay cả khi DN đã từng giở “chiêu” dọa dẫm để nhằm mục đích thu hồi trắng phần đất đã khoán cho người dân, thử hỏi căn cứ vào đâu để ông này cho rằng người dân không hợp tác?

Không đủ năng lực sản xuất, Sagri và công ty con thu hồi đất đang canh tác của người dân để làm gì là câu hỏi đã được nhiều người dân ở đây âm thầm tự đi tìm hiểu.

Theo ông Nguyễn Duy Hùng và một số người dân ở đây thì lý do chủ yếu là đất ở khu vực này hiện đã có giá trị do tuyến tỉnh lộ 10 nối từ thành phố xuống Long An chạy dọc khu đất đã được mở rộng. Giao thông đi lại thuận tiện cộng với một loạt cụm, khu công nghiệp đang phát triển xung quanh như KCN Vĩnh Lộc, cụm công nghiệp Lê Minh Xuân, An Hạ và một số KCN của Long An… nên DN vội vã đòi lại đất, chứ còn hoang vắng như lúc mới đem khoán cho người dân thì dễ gì DN ôm lại.

Do đó, ngoài chuyện cần phải xem xét thỏa đáng công sức của các hộ dân đã trực tiếp cùng với người dân vùng kinh tế mới khai khẩn đất đai ở đây, câu hỏi được người dân đặt ra là liệu TP Hồ Chí Minh có nên tiếp tục giao hàng chục triệu m2 đất sản xuất nông nghiệp cho những DN không đủ thực lực này?

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng:

Ngày 23-3 vừa qua, HĐND thành phố đã có kế hoạch giám sát hiệu quả việc quản lý, sử dụng công sản trong kỳ họp HĐND thành phố vào giữa năm nay.

Ngày 29-3, HĐND thành phố cũng đã có kế hoạch đi khảo sát thực tế tại một số địa phương, đơn vị về hiệu quả sử dụng nhà đất công để chấn chỉnh tình trạng sử dụng đất công sai mục đích.

Để kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đất công đúng mục đích và hiệu quả của các đơn vị, địa phương, hiện UBND thành phố cũng đã giao Sở TN-MT rà soát, tập hợp các địa chỉ nhà đất công trên địa bàn để tham mưu cho UBND thành phố tăng cường các biện pháp quản lý, xử lý vi phạm.

Bảo Sơn - Phương Tuyền

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/bon-rut-hoa-loi-tu-dat-nong-nghiep-491524/