Bốn rủi ro đang bủa vây HPG

Mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vẫn đang có tiến triển tốt, song doanh nghiệp này vẫn đang phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn.

Lợi nhuận sau thuế của HPG tăng đáng kể so với quý 3/2016, ghi nhận con số 2.140 tỷ đồng, tăng 33,25%;

Lợi nhuận sau thuế của HPG tăng đáng kể so với quý 3/2016, ghi nhận con số 2.140 tỷ đồng, tăng 33,25%;

Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2017 của HPG cho thấy doanh thu quý này có sự tăng trưởng ấn tượng đạt 12.730 tỷ đồng, tăng 53,22% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 33.926 tỷ đồng, tăng trưởng 43,21% so với cùng kỳ năm 2016.

Doanh thu thuần HPG ghi nhận 12.539 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2016, lũy kế 9 tháng đạt 33.416 tỷ đồng, tăng 43,22% so với cùng kỳ 2016.

Giá vốn hàng bán của doanh nghiệp tăng lên con số 9.708 tỷ đồng, tăng 61,12% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần là 77,42%, tăng mạnh hơn so với cùng kỳ năm ngoái (73,99%). Theo đó, biên lãi gộp của HPG cũng giảm xuống 22,5%, so với mức 25,9% của cùng kỳ.

Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của HPG có xu hướng tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí bán hàng đạt 137,31 tỷ đồng tăng 0,9%, còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên 99,81 tỷ đồng, tăng 19,64% so với cùng kỳ năm 2016.

Lợi nhuận sau thuế của HPG ghi nhận con số 2.140 tỷ đồng, tăng 33,25% so với cùng kỳ năm 2016, lũy kế 9 tháng đầu năm HPG ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 5.614 tỷ đồng, tăng 20,57% so với cùng kỳ năm 2016.

Tính đến 30/9, nợ phải trả của HPG lên tới 18.205 tỷ đồng, tăng 36,10% so với đầu năm nay, trong đó nợ ngắn hạn là 16.469 tỷ đồng, tăng 37,41% so với đầu năm 2017. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của HPG cũng đã tăng lên 30.137 tỷ đồng, tăng 51,82% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của HPG là 60,4%.

Cổ phiếu HPG hiện nay có giá 39.250 đồng/cổ phiếu, tăng 35,67% so với đợt sụt giảm mạnh vào ngày 29/3/2017 (28.930 đồng/cổ phiếu). Trước đó, có thời điểm, HPG lên đến 45.150 đồng/ cổ phiếu (15/2/2017).

Tuy nhiên, PHS cho rằng, HPG vẫn đang đối mặt với một số rủi ro trong hoạt động kinh doanh: Thứ nhất, thị trường thép vẫn đang phải đối mặt với tình trạng dư cung trong dài hạn nên HPG có thể sẽ phải gặp khó khăn nếu tình hình này trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.

Thứ hai, thép xây dựng phụ thuộc vào chu kỳ ngành bất động sản, do vậy nếu ngành bất động sản suy giảm, HPG có thể sẽ gặp bất lợi do nguồn cầu bị sụt giảm.

Thứ ba, mặc dù thuế bảo hộ có hiệu lực tới năm 2020 nhưng sức cạnh tranh từ thép Trung Quốc vẫn có thể ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Ngoài ra, Dự án Formosa với công suất giai đoạn 1 dự kiến khoảng 10 triệu tấn thép/năm sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với HPG trong thời gian tiếp theo.

Thứ tư, trong các năm tới, HPG sẽ cần thêm nguồn vốn để đầu tư cho dự án thép Dung Quất. Do đó, rủi ro từ việc tăng chi phí tài chính do tăng thêm vay nợ tài chính hoặc rủi ro pha loãng cổ phiếu do phát hành thêm sẽ gây ảnh hưởng tới các cổ đông. Và nếu dự án Dung Quất không hoạt động được đúng công suất như dự kiến có thể sẽ làm cho các rủi ro trên thêm trầm trọng hơn.

Nguyễn Long

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/hpg-loi-nhuan-tang-co-phai-yeu-to-hap-dan-nha-dau-tu-ngoai-120894.html