Bốn phương án cho Nord Stream-2: ''Ba cửa tử, một cửa sinh'

Trong bốn kịch bản cho sự phát triển tiếp theo của dự án 'Dòng chảy phương Bắc - 2', kịch bản thứ 4 bị đánh giá là 'tồi tệ nhất'.

Chính quyền Berlin đang nghiên cứu bốn kịch bản phát triển của sự kiện nhằm tìm kiếm thỏa hiệp với Hoa Kỳ về dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” (Nord Stream-2), tờ báo Đức Handelsblatt viết.

Theo tờ Handelsblatt, báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lưu ý rằng, tính đến nay đã có 18 công ty từ chối tham gia vào dự án “Dòng chảy phương Bắc - 2” hoặc bỏ dở giữa chừng vì lệnh trừng phạt của Mỹ.

Bài viết nhận định, báo cáo mới nhất do Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken gửi tới Quốc hội có thể được mô tả là "mang tính trừng phạt tối thiểu", bởi nó chỉ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với mình Nga, trong khi những người chỉ trích dự án hy vọng sẽ có một "đòn sấm sét" từ Washington.

Bản báo cáo của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken mà ấn phẩm có trong tay đề cập đến "các cuộc đàm phán cấp cao" với chính phủ Đức. Theo tờ báo này, không chỉ Berlin, mà cả Washington cũng đang nghĩ cách "chấm dứt những tranh chấp mệt mỏi" về đường ống dẫn khí đốt.

Trong số các lựa chọn mà Berlin đang cân nhắc có một kịch bản, theo đó Mỹ từ bỏ các lời đe dọa trừng phạt nếu có ít nhất một "mối nguy cơ" đối với Ukraine [về dự án trung chuyển khí đốt Nga bằng tuyến đường ống xuyên Ukraine tới châu Âu] được loại bỏ hoặc ít nhất là giảm bớt.

Phương án này cung cấp cái gọi là "cơ chế tắt", tức là ngừng cung cấp khí đốt qua “Dòng chảy phương Bắc 2”, trong trường hợp Nga ngừng vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine, khiến chính quyền Kiev bị mất đi khoảng 3 tỷ USD phí trung chuyển khí đốt.

Đât là phương án thoạt nhìn có vẻ lí tưởng nhất, nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, bởi Mỹ hoàn toàn có thể kích hoạt “cơ chế tắt” bất cứ lúc nào họ thích, bằng một sự kiện trên trời nào đó mà không ai có thể lường trước được. Lúc đó, Nord Stream 2 sẽ trở thành một “con tin chính trị”.

Nga, Đức và Mỹ đang thảo luận gỡ rối dự án "Dòng chảy phương Bắc-2"

Theo tờ báo, để "kết thúc những cuộc tranh luận mệt mỏi", hai bên còn có một lựa chọn thứ hai là đóng băng công đoạn xây dựng còn lại để tiến hành đàm phán, nhưng điều này đặt ra câu hỏi: Sử dụng khoảng thời gian có được như thế nào cho đúng?

Theo ấn phẩm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang thảo luận về khả năng thành lập một ủy ban có nhiệm vụ vạch ra các giải pháp thiết thực, với sự tham gia không chỉ của Mỹ, Đức, mà cả của Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, phương án này sẽ mất rất nhiều thời gian thảo luận mà chưa chắc các bên đã tìm được tiếng nói chung, bởi quan điểm cực đoan của Mỹ và một số đồng minh châu Âu như Anh, Ba Lan hay Ukraine. Lúc đó, Nord Stream 2 sẽ sa vào "những cuộc tranh luận không hồi kết" và không biết đến khi nào nó mới được hoàn tất, chứ đừng nói là đi vào vận hành.

Lựa chọn hành động thứ ba là các bên có quyền lợi liên quan đến Nord Stream 2 sẽ cung cấp hỗ trợ đầu tư cho Ukraine và bảo đảm luồng khí chạy qua Ukraine tới châu Âu. Điều này sẽ xoa dịu lập trường của Washington về “nguy cơ lớn đối với tiền đồn chống Nga”.

Phương án này có lẽ là sự lựa chọn được nhiều bên mong muốn, bởi nó vừa đảm bảo duy trì sự ổn định một phần nguồn cung khí đốt cho châu Âu, vừa không làm ảnh hưởng đến sự hoàn thành công đoạn lắp đặt hiện tại và cơ chế vận hành trong tương lai của Nord Stream 2.

Ngoài ra, Ukraine sẽ được tăng cường đầu tư, trong khi vẫn được hưởng đầy đủ các ưu đãi trung chuyển khí đốt của Nga, ngược lại, cơ chế đầu tư nhiều bên cũng làm các nước giảm nhẹ gánh nặng đóng góp, trong khi Mỹ cũng chẳng phải mất mát gì cho đồng minh.

Phương tiện truyền thông Đức cho biết, phương án thứ tư và cũng là phương án cuối cùng, là hai bên tiếp tục xây dựng đường ống dẫn khí đốt bất chấp mọi biện pháp của Mỹ chống lại dự án.

Tuy nhiên, đây sẽ là lựa chọn cuối cùng khi không còn cách nào khác, bởi phương án này sẽ gây ra căng thẳng lớn nhất trong quan hệ giữa Mỹ và Đức, cũng như một số nước châu Âu.

Như vậy, trong bốn phương án cho tương lai của Nord Stream-2 thì chỉ có một "sinh lộ" duy nhất, còn ba trong số đó không khác gì "cửa tử" cho Nga và Đức.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/bon-phuong-an-cho-nord-stream-2-ba-cua-tu-mot-cua-sinh-3428250/