Bón phân Văn Điển cho cây có múi lúc 'ngủ đông'

Sau khi dồn hết dinh dưỡng để nuôi thân, cành, lá, ra hoa, tạo quả, dưỡng quả, cây có múi bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng, bộ rễ bị suy kiệt cần phải được bồi bổ trong quá trình ngủ đông mới cho năng suất tốt nhất ở mùa vụ sau.

"Sức khỏe" cây có múi sau khi cho quả?

Nhìn chung các loại cây ăn quả “lưu niên” thường mỗi năm nuôi quả 1 lần. Có loại cây chỉ nuôi quả 3 - 5 - 7 tháng như mít, nhãn, vải, có loại cây nuôi quả khá dài ngày như cam, quýt, thậm chí tới 8 - 10 tháng.

Phân bón Văn Điển cung cấp đầy đủ, cân đối, hợp lý cho cây có múi sử dụng trong thời kỳ ngủ đông

Để đảm bảo dinh dưỡng nuôi quả, tất cả các cơ quan, bộ phận của cây trồng đều phải hoạt động mạnh, sản xuất, tích lũy dinh dưỡng vào thân và các cơ quan dự trữ.

Suốt quá trình quả lớn, các loại enzim đã khai thác triệt để nguồn dinh dưỡng dự trữ trong các bộ phận của cây. Khi quả chín, đến thời kỳ thu hoạch quả, cây trồng xác xơ, cạn kiệt dinh dưỡng. Đặc biệt, bộ rễ bị suy kiệt và tổn hại nhiều nhất. Do vậy, sau mỗi vụ thu hoạch, cây trồng và đặc biệt bộ rễ, nếu không nhanh được hồi phục sẽ ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp dinh dưỡng nuôi hoa quả vụ tới, dẫn tới hiện tượng quả non sẽ bị rụng rất nhiều.

Tuy cùng thuộc nhóm cây ăn quả “lá xanh quanh năm”, nhưng để “ngủ nghỉ lại sức” giúp quá trình ra hoa được thuận lợi thì mỗi cây mỗi khác. Ví dụ, phải có rét thì cây vải mới tượng nụ hoa, cây nhãn lại cần có cành mẹ bánh tẻ trong điều kiện hanh, lạnh mới ra hoa, trong khi đó họ cây có múi lại chỉ cần khô kiệt, thậm chí khô nẻ làm bộ rễ bị tổn hại, sau đó có nước vào làm cây hồi sinh và phát nụ hoa.

Miền Bắc có mùa đông khô, rét là điều kiện thiên nhiên rất thuận lợi cho cây ăn quả họ cây có múi nghỉ đông. Mùa đông càng khô hanh kéo dài thì sang xuân, cây có múi càng phát nhiều hoa. Hiện nay, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết nước ta ngày càng diễn biến phức tạp, sai khác khá nhiều so với quy luật thời tiết nhiều năm. Để chủ động cho vụ cam, vụ bưởi tới được sai hoa, nhiều quả, đặc biệt vào những năm mùa đông ít khô rét, trước hết cần chủ động chăm sóc cây có múi giai đoạn sau thu hoạch, tạo điều kiện cho chúng “ngủ đông” được thuận lợi.

Ngay sau thu hoạch quả vài ngày, dùng kéo cắt bỏ triệt để những cành bị sâu bệnh, cành không có lá, cành trong tán cây, cành vượt và những cành cuống quả mới thu hoạch. Khi cắt phải cắt sát không để lại đoạn cành để hạn chế một số sâu bệnh xâm nhiễm gây hại. Xới xáo lớp đất mặt vườn tạo độ thông thoáng giúp bổ rễ phát triển khỏe. Đồng thời bón phân hữu cơ và phân khoáng giúp cây hồi phục nhanh.

Phân bón Văn Điển như "thuốc bổ" cho cây có múi

Trong các loại phân bón trên thị trường hiện nay, phân lân nung chảy Văn Điển và phân đa yếu tố NPK Văn Điển chứa nhiều nhất các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng: Phân lân nung chảy chứa nhiều chất dinh dưỡng, trong đó P2O5 15 - 19%, MgO 15 - 18%, SiO2 24 - 32%, CaO 28 - 34% và nhiều chất vi lượng khác như Fe, Mn, Cu, Z, Bo, Mo… Phân bón đa yếu tố NPK 5.10.3 dạng viên (N = 5%; P2O5 = 10%; K2O = 3%; S = 2%; MgO = 9%; CaO = 15%; SiO2 = 14%. Ngoài ra có các chất vi lượng như B, Mn, Zn, Cu, Co… mà các loại phân bón khác không có.

Lượng bón nhiều hay ít phụ thuộc vào đất, tuổi cây, cũng như năng suất đã thu hoạch và tiềm năng của cây. Thường vào tháng 11 - 12 sau thu hoạch khoảng 15 - 20 ngày. Bón 10 - 20kg phân hữu cơ ủ hoai mục + khoảng 5 - 10kg phân lân nung chảy và 4 - 5kg phân đa yếu tố NPK 5.10.3 cho mỗi gốc cây bưởi 5 - 7 tuổi, giúp cho cây bưởi nhanh hồi phục sau thu hoạch, đặc biệt giúp cho bộ rễ hồi phục nhanh và phát triển khỏe khi xuân đến, tạo điều kiện cho vụ xuân ra nhiều hoa, đậu nhiều quả và hạn chế hiện tượng rụng sinh lý.

Tạo rãnh xung quanh tán cây, tùy thuộc vào lớp đất mặt hoặc thảm thực vật quanh tán cây mà cuốc rãnh rộng 20 - 30cm, sâu 5 - 10cm. Trộn đều các loại phân và bón theo rãnh đào rồi dùng đất lấp kín phân. Chỉ nên lấp đầy 2/3 rãnh, phần còn lại chờ bón phân thúc, sử dụng các loại tàn dư thực vật, cây phân xanh, rơm rạ mục tủ gốc giữ ẩm cho cây.

Do phân bón Văn Điển là loại phân khoáng thiên nhiên, thân thiện với môi trường, không tan trong nước mà tan tốt trong môi trường axit yếu do rễ cây tiết ra nên cây trồng, đặc biệt là cây có múi cần đến đâu sẽ sử dụng đến đó. Do vậy, khi bón phân Văn Điển cây trồng luôn có đầy đủ, cân đối dinh dưỡng để sử dụng bất cứ khi nào nên cây ăn trái luôn duy trì được trạng thái tốt nhất, hạn chế sâu bệnh gây hại.

Lưu ý: Không được tưới nước vào giai đoạn này nhằm giúp cây ngủ Đông thuận lợi, khống chế lứa lộc đông hoặc xuân sớm. Chỉ khi xuất hiện nụ, hoa mới tưới và bón phân dón hoa. Những cây quả ít, thân lá phát triển mạnh, hoặc những năm múa đông ít hanh khô, cần phải kìm hãm sinh trưởng để tạo điều kiện cho cây phải được ngủ nghỉ qua đông bằng cách cuốc sâu và phơi khô đất vùng xung quanh gầm tán cây, cách gốc khoảng 0,5 - 1,0m tùy độ rộng tán cây. Như vậy, khi có mưa xuân sẽ kích thích phân hóa mầm hoa, tạo điều kiện cho cây sai hoa, nhiều quả.

Phân nung chảy Văn Điển (có chứa 16% lân dễ tiêu, 30% vôi, 24%, silic, 15% magie, 6 loại vi lượng Bo, kẽm, sắt, cacbon, mangan, đồng) đạm urê, kali, lưu huỳnh cùng các nguyên liệu được hóa hợp tạo hạt nhuộm màu. Phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển ngoài các thành phần có trong lân Văn Điển còn được bổ sung thêm đạm, kali, lưu huỳnh... với rất nhiều dòng sản phẩm cho nhiều loại cây trồng, được sản xuất từ 4 nguồn nguyên liệu chính, trong đó có dòng sản phẩm chuyên dùng cho cây có múi như cam, bưởi, quýt, chanh, phù hợp với các vùng thổ nhưỡng, các loại giống khác nhau.

Các vùng cây có múi nổi tiếng ở phía Bắc như: Cao Phong (Hòa Bình), Hàm Yên (Tuyên Quang), Bắc Quang (Hà Giang), Đoan Hùng (Phú Thọ), Phủ Quỳ (Nghệ An), các vùng trồng bưởi Diễn (Hà Nội), Bắc Giang, Hưng Yên… bao nhiêu năm nay đã hình thành thói quen sử dụng phân lân nung chảy Văn Điển và phân đa yếu tố NPK Văn Điển để bón vùi dưỡng cây có múi qua các kỳ ngủ đông để cây cho năng suất chất lượng tốt nhất, ổn định nhất cho các mùa vụ sau.

TIẾN CHINH - HOÀNG NGUYỆT

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bon-phan-van-dien-cho-cay-co-mui-luc-ngu-dong-post233182.html