Bốn mươi tư năm và mục tiêu đất nước hùng cường

Ngày 30/4/2019, đất nước kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng miền Nam, non sông thu về một mối. Cờ đỏ sang vàng tung bay khắp đất nước, từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Quảng Trị ra Hà Nội.

Những hình ảnh hào hùng về đại thắng mùa xuân năm 1975 được trưng bày tại các bảo tàng, phòng trưng bày tranh, nhà triển lãm trên khắp cả nước. Bắc – Nam một dải vang khúc khải hoàn.

Lá cờ cách mạng tung bay trên nóc trụ sở Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN

Lá cờ cách mạng tung bay trên nóc trụ sở Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN

Rộn ràng niềm vui Thống nhất, đất nước trải qua bao biến cố nay bước vào giai đoạn phát triển mới với cơ hội, thách thức song hành. Vào những dịp này, người dân Việt Nam lại bồi hồi, xúc động vào Lăng viếng Bác Hồ, đến thắp nén hương tại những địa chỉ đỏ như Nhà bia tưởng niệm Thanh niên xung phong toàn quốc và các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng lộc, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, tri ân những người đã chiến đấu, ngã xuống vì khát vọng độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trong muôn triệu người Việt, có những người mẹ, người em, đồng đội, đồng chí nhớ tới người con, người anh, người chị, đồng bào, cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh để góp phần làm nên chiến thắng mùa Xuân năm 1975. Như tại ngôi nhà nơi cuối ngõ Gốc Đề, phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, sáng 30/4, đứng thắp nén hương tưởng nhớ anh trai là liệt sỹ Đỗ Văn Bạo hy sinh tại chiến trường miền Nam năm 1972, trong lòng ông Đỗ Văn Bào vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau mất mát. Từ ngày nhận tin báo tử của anh trai, nỗi nhớ, tình cảm máu mủ ruột rà cứ day dứt trong ông. Đã nhiều lần ông Bào cùng đồng đội năm xưa của liệt sỹ Đỗ Văn Bạo tìm phần mộ người anh. Dấu chân ông in dọc chiến trường Khe Sanh năm xưa cũng như qua những địa danh như Huội San, Tà Mây… suốt những thập niên qua mà vẫn chưa thấy mộ anh trai.

Trong ngôi nhà nhỏ ở xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh, ngày này trong ông Nguyễn Viết Hồng, thương binh 2/4, Thiếu tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân lại trào dâng nhiều cảm xúc. Ông nhớ những năm tháng gian nan, nguy hiểm, ác liệt đến mức tận cùng, không thể nào đo nổi cũng như sự bền bỉ và sức chịu đựng phi thường của người lính Cụ Hồ. Ông nhớ phút giây ngây ngất trong niềm vui chung khi nghe thấy bản tin đặc biệt trên sóng phát thanh thông báo chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, chiến tranh đã kết thúc, ông Hồng lại trầm ngâm trong cảm giác “mình đã may mắn hơn nhiều đồng đội vì được sống và chứng kiến niềm tin son sắt vào ngày đất nước thống nhất, hòa bình, độc lập, tự do đã trở thành hiện thực”.

“Thiều Minh Sơn, quê Hải Dương là đồng đội tôi ở Tiểu đoàn 27, Binh trạm 311 thuộc Đoàn 559. Cậu ấy mới vào bộ đội được một năm thì hy sinh ở tuổi 18. Đêm cuối năm 1970, tiểu đội chúng tôi phá 5 quả bom từ trường để thông tuyến, một mảnh bom đã xuyên qua cổ cậu ấy… Không chỉ Thiều Minh Sơn mà còn nhiều lắm những đồng đội khác đã ngã xuống. Chiến tranh đã lùi xa 44 năm nhưng có những vết thương vẫn dai dẳng bám theo thời gian, bám trên những người lính, người dân mà con cháu họ hiện vẫn chịu di chứng từ chất độc hóa học”- ông Nguyễn Viết Hồng lặng lẽ nói.

Cũng trong ngày kỷ niệm trọng đại này, Đại tá Phan Hữu Đại, nguyên Chính ủy Sư đoàn Ô tô cơ động vận tải 571 (Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn), lại bồi hồi nhớ khoảnh khắc giọt nước mắt lăn trên nụ cười. Vị Đại tá nay đã ở tuổi ngoài 90 nói rằng, mỗi địa danh trên đất nước này đều thấm máu xương của biết bao nhiêu người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Mọi thứ sẽ theo dòng chảy thời gian trôi qua nhưng ngày 30 tháng 4 năm 1975 vĩnh viễn đọng lại trong lịch sử như một bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc.

Đại tá Phan Hữu Đại xúc động nói, sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thống nhất, đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn thách thức nhưng bằng sự nỗ lực, bền bỉ phấn đấu của quân và dân ta, những hậu quả nặng nề của chiến tranh đã được khắc phục. Người dân Việt Nam luôn anh dũng kiên cường trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới phía Tây Nam và tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại tá Phan Hữu Đại cũng như muôn triệu người Việt Nam khác kiên định niềm tin rằng, con đường xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng khát khao, hy vọng của lớp người đi trước là dài lâu và nhiều khó khăn. Nhưng với sự đoàn kết nhất trí, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, khát vọng luôn thôi thúc cháy bỏng của người Việt về một đất nước tự do, dân chủ, văn minh và hùng cường, thì mục tiêu đó sẽ sớm thành hiện thực.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/bon-muoi-tu-nam-va-muc-tieu-dat-nuoc-hung-cuong-20190430111014705.htm