Bốn đời dựng lều hát Bài chòi

Đứng giữa khu chòi cầu ngói Thanh Toàn, nghệ nhân Nguyễn Duy Chừa hát Bài chòi một lúc rồi nhường micro cho cậu con trai. Ông đã ở tuổi 67, cậu con trai 31 tuổi đang là thế hệ thứ 4 trong gia đình nghệ nhân Bài chòi này. Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cha con nghệ nhân Bài chòi Trần Duy Chừa và Trần Duy Đối. Ảnh: Lê Văn

Tôi từng được nghe hát Bài chòi ở nhiều nơi, thường là tại các trung tâm văn hóa tổ chức vào dịp lễ, tết để người dân tới vui chơi. Nhưng lần này, được nghe Bài chòi vang lên ở một không gian quá thú vị - vùng quê sông nước ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trước khu lều trại hô Bài chòi là cầu ngói Thanh Toàn do bà Trần Thị Đạo xây dựng vào năm 1776 và có kiến trúc bề ngoài hơi giống Chùa cầu Hội An, nhưng có tới 6 nhịp, đồ sộ hơn. Tắm mát cho ngôi làng với lúa xanh rì là dòng sông Như Ý êm đềm đã bao lần chở theo câu thơ đậm chất Huế thường được các cụ già đọc: “Ru em em théc cho muồi/Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu”.

Hát Bài chòi là loại hình nghệ thuật dân gian ra đời cách đây hơn 300 năm ở các tỉnh thuộc vùng Nam Trung bộ. Khu chòi được dựng lên 2 dãy song song và chòi phía đầu thường dành cho những người quan chức trong làng đến dự. Nghệ nhân Trần Duy Chừa cho biết, Bài chòi ở làng Thanh Toàn có câu giống hò con xe. Nói tới đó, ông cất cao giọng hò: “Hơ... hơ, ai về mà cầu ngói Thanh Toàn, cho em mà về với một đoàn xe, xe về trên nớ... là con xe”.

Sau khi hát, được hỏi về gia đình, trong ánh mắt của nghệ nhân Nguyễn Duy Chừa hiện ra điều gì đó xa xăm. Đó là quá khứ của ông gắn với gia đình chuyên hát Bài chòi. Thời còn nhỏ, cậu bé Chừa đã in đậm hình ảnh ông nội Trần Duy Sồ dẫn người cha là Trần Duy Liêm đi hát Bài chòi. “Đi mô cắp tráp đi hoài/ Cử nhân không phải, tú tài cũng không”, những câu hát đó cứ thấm dần vào ông như một lẽ tự nhiên. Ông bảo rằng, hồi đấy nghèo lắm, tới nỗi không có đủ tiền để đốn tre, cắm trại như bây chừ, nhiều khi chỉ để chục cái ghế giữa sân rồi ngồi hô Bài chòi, nhưng không khí rất vui.

Ông Trần Duy Sồ mất năm 85 tuổi. Những người làng đến thắp hương cho ông đều nhắc lại chuyện nghệ nhân Bài chòi có những câu hò tạo ra không khí vui tươi cho làng quê. Người con trai của ông Sồ là Trần Duy Liêm mất năm 75 tuổi. Người trong làng đến viếng ông và nói về người kế tục hô Bài chòi. Nhưng nghệ nhân Bài chòi ra đi thì phía sau ông là một chuỗi thế hệ kế tiếp. Ông Trần Duy Chừa (con trai ông Liêm) và người con trai là Trần Duy Đối tiếp nối nghiệp hô Bài chòi. Giọng ông Chừa lanh lảnh pha trộn câu chuyện vui: “Ra đi mẹ đã dặn rồi, khi mô có gánh nước thì nhớ súc ghè cả con quăn”.

Khung cảnh, văn hóa, ngôn ngữ và tính cách của con người ở làng quê sông nước Thanh Toàn cũng chính là chất liệu để các nghệ nhân nghĩ ra những câu từ hay trong bài chòi. Làng Thanh Toàn được thành lập vào năm 1471, cư dân gốc của làng chính là những người lính đã theo vua Lê Thánh Tông vào bình định phương Nam, đến nay đã phát triển lên 3.000 nhân khẩu. Cuộc sống của người dân gắn với chiếc chẹp tôm, chẹp tép; công cụ tát nước là gàu vảy, gàu dai; làng có nghề chằm nón lá; hàng năm tổ chức lễ hội đua chải, lễ cáo bà Trần Thị Đạo, rước Thành hoàng. Các chàng trai, cô gái trong làng thường đối đáp nhau bằng câu: “Anh ơi anh đạp nước bên đình/Cho em đạp với kết tình với anh”.

Nhân dịp Festival Huế 2018, chương trình hô Bài chòi ở làng cầu ngói Thanh Toàn được tổ chức, nên khán giả không chỉ là người làng, khách thập phương, mà còn có nhiều du khách nước ngoài đến xem. Con trai của ông Chừa là Trần Duy Đối là thế hệ thứ 4 trong gia đình, nối nghiệp cha được 5 năm. Năm nay 31 tuổi nên anh Đối có thể hò liên tục trong vài tiếng đồng hồ. Ông Chừa đứng ngoài sân thỉnh thoảng bước vào phụ họa giúp cho con vài ván rồi lại lui ra.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bon-doi-dung-leu-hat-bai-choi/