Bồn cầu thông minh chụp ảnh hậu môn để theo dõi sức khỏe

Được trang bị máy ảnh và các cảm biến, chiếc bồn cầu thông minh này có thể phân tích chất thải để đánh giá tình trạng sức khỏe cũng như sử dụng 'vân mông' để nhận diện người dùng.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford đã tạo ra chiếc bồn cầu có thể nhận diện người dùng qua "lỗ hậu" để theo dõi cũng như đánh giá tình trạng sức khỏe.

Từ thế kỷ trước, họa sĩ Salvador Dalí đã phát hiện hậu môn người có khoảng 35-37 nếp nhăn với hình dạng khác nhau tương tự vân tay. Đó là ý tưởng để Park Seung-min, Giáo sư Đại học Stanford tạo ra chiếc bồn cầu đặc biệt này.

Theo The Verge, nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature và nhanh chóng thu hút sự chú ý.

Trong thời đại công nghệ bùng nổ, đến cả bồn cầu cũng phải thông minh. Ảnh: James Strommer.

Sản phẩm được thiết kế dạng module nên có thể gắn lên

bồn cầu thông thường trong nhà. Nó trang bị camera gắn với máy tính Raspberry Pi để chụp ảnh hậu môn người ngồi, sau đó phân tích "vân mông" để đảm bảo dữ liệu được liên kết chính xác với từng cá nhân.

Bồn cầu có thêm một camera để chụp ảnh chất thải của người ngồi, cảm biến chuyển động ghi lại dòng chảy nước tiểu, cảm biến y tế phân tích chất thải. Bên cạnh chụp ảnh "lỗ hậu", bồn cầu cũng có cảm biến vân tay để nhận diện người dùng chính xác hơn.

Trong quá trình phát triển, các nhà nghiên cứu đã tạo ra thuật toán đo niệu động học (urodynamic), bao gồm thông tin về tốc độ dòng chảy nước tiểu, cường độ cũng như thời gian tiểu của mỗi người để so sánh giữa người khỏe mạnh và mắc bệnh.

Các cảm biến trong bồn cầu còn có thể phân tích lượng bạch cầu, mức protein trong nước tiểu để xem người ngồi có mắc bệnh liên quan tới bàng quan không.

Bồn cầu cũng có thể phân tích chất thải người dùng dựa trên thang phân Bristol (Bristol Stool Form Scale) chia phân người thành 7 loại. Kết hợp với thời gian thải, bồn cầu có thể xác định táo bón hoặc các bệnh liên quan đến tiêu hóa. Sau khi sử dụng xong, toàn bộ dữ liệu và hình ảnh được lưu lên máy chủ mã hóa để đảm bảo vấn đề riêng tư cho người dùng.

Hệ thống camera và cảm biến trên chiếc bồn cầu thông minh. Ảnh: Nature Biomedical Engineering.

Theo Sam Gambhir, Chủ tịch khoa X quang tại Đại học Stanford, tác giả bài báo cáo thì bồn cầu này không được phát triển với mục đích thay thế bác sĩ. Thay vào đó, nó sẽ theo dõi chất thải của bạn, phân tích tìm ra sự khác thường rồi gửi dữ liệu đến bác sĩ để được chẩn đoán nhanh chóng, tránh việc để lâu khiến bệnh trở nên nghiêm trọng.

Ông Park cho biết nguyên mẫu thứ 2 của bồn cầu này dự kiến hoàn thiện vào cuối năm nay. Nhóm nghiên cứu mong muốn đưa vào bồn cầu tính năng phát hiện DNA khối u, phân tích RNA để theo dõi sự lây lan của các bệnh như virus corona.

Hiện nhóm nghiên cứu đang cần người tham gia thử nghiệm giúp tạo ra sản phẩm có độ chính xác cao hơn, hoạt động được với nữ giới. Theo ông Park, do góc quay camera đặt cố định nên bồn cầu có thể chụp bộ phận sinh dục nữ, đó là lý do toàn bộ nghiên cứu trong giai đoạn đầu được thử nghiệm bởi nam giới.

Ý tưởng bồn cầu thông minh không quá mới mẻ, tuy nhiên quyền riêng tư là trở ngại khiến những dự án như vậy chưa được đón nhận. Nếu được thương mại hóa, mức giá của bồn cầu này có thể rơi vào khoảng 300-600 USD.

Bên trong ngôi nhà ven biển kết nối Internet cho cả thế giới Toàn bộ đường truyền dữ liệu xuyên Đại Tây Dương đều được truyền qua các đường dây cáp ngầm, kết nối các quốc gia trên thế giới thông qua những căn nhà như thế này.

Theo Zing

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoa-hoc/bon-cau-thong-minh-chup-anh-hau-mon-de-theo-doi-suc-khoe-1369644.html