Bơm thuốc trừ sâu và hệ lụy: Nghề làm 'kiếm lúa' và đứa con tật nguyền

Nghề phun thuốc trừ sâu đã khiến đứa con trai mơ ước của ông vừa sinh ra đã bị dị tật, cái kế sinh nhai khắc nghiệt đã để lại hệ lụy kinh khủng.

 Bà Nguyễn Thị Xuân Hương tâm sự với PV những hệ lụy mà nghề bơm thuốc trừ sâu của chồng mình để lại. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương tâm sự với PV những hệ lụy mà nghề bơm thuốc trừ sâu của chồng mình để lại. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nghề mang đến bi kịch

Ở cái tuổi xế chiều, cộng với căn bệnh xương khớp khiến bà không muốn đi đâu, cả ngày bà quanh quẩn trong nhà cùng với đứa con tật nguyền.

Mỗi khi nhìn đứa con trai năm nay đã 39 tuổi với thân hình dị dạng, muốn di chuyển trong nhà phải chống 2 tay lết từng nhịp, bà không khỏi ngậm ngùi nhớ lại cái nghề mưu sinh khắc nghiệt của chồng.

Chồng bà Nguyễn Thị Xuân Hương (76 tuổi) ở Nghi Thượng, khu vực An Ngãi, phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn, Bình Định), là ông Nguyễn Văn Bính (SN 1940) từng có thời gian dài làm trong Hợp tác xã nông nghiệp Nhơn Hưng với công việc chuyên bơm thuốc trừ sâu cho ruộng lúa.

Hợp tác xã có 12 đội sản xuất, cứ mỗi khi đồng ruộng vào vụ là ông khoác bình bơm thuốc trên vai đi bơm thuốc chữa bệnh, diệt cỏ cho cây lúa. Bơm hết ruộng đội này ông đi sang đội khác, cứ thế giáp vòng.

Mỗi năm làm 3 vụ lúa, cây lúa hết bị bệnh này tiếp đến bệnh khác, phải phun thuốc liên tục cây lúa mới cho vụ mùa bội thu. Hết bơm thuốc cho cây lúa đến cây màu, chiếc bình bơm thường xuyên “dính” trên vai ông, nó chỉ rời lưng ông mỗi khi ông cơm nước, ngủ nghỉ.

Mà thuốc trị bệnh cho cây lúa hầu hết là những loại thuốc độc hại. Ví như trừ sâu thì có thuốc vô - pha – tốc, trừ có thì có 2,4D, những loại thuốc cực độc bây giờ đã cấm lưu hành, nhưng thời đó thì sử dụng vô tư. Khi ấy đi bơm thuốc cũng chẳng có đồ bảo hộ, thế là ngày này sang ngày khác, mỗi khi mỗi ít, thuốc độc ngấm dần vào người ông.

“Vào thời điểm ấy, vợ chồng tôi rất mong có 1 đứa con trai nối dõi, bởi 6 đứa con sinh ra trước đó đều là con gái.

Năm ấy tôi mang thai, hồi đó làm gì có siêu âm nên không biết bào thai trong bụng là trai hay gái, có khỏe mạnh hay không, nên cả hai vợ chồng ngày đêm cùng cầu khấn ơn trên.

Sắp có thêm đứa con nên ông ấy càng ham làm, mang bình bơm đi cả ngày để ráng kiếm được nhiều điểm, càng có nhiều điểm là nhận được nhiều lúa, mà có lúa là có tiền.

Cầu mong mãi ông trời cũng ban cho, lần ấy tôi sinh được đứa con trai, nhưng niềm vui không trọn vẹn, bởi nó mới sinh ra đã mang dị tật”, bà Hương buồn buồn chia sẻ.

Nguyễn Văn Thơ, đứa “con cầu, con khẩn” của vợ chồng bà Hương do dị tật nên đi quanh quẩn trong nhà cũng khó khăn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Câu chuyện xảy ra gần 40 năm trước nhưng bây giờ nhắc lại dường như cảm xúc buồn tủi lẫn yêu thương vẫn còn mới nguyên trong lòng một người mẹ. Có thể nói đứa con trai mới được bà Hương sinh ra là “con cầu con khẩn” để nối dõi tông đường. Chưa kịp mừng thì nỗi thất vọng ập đến, bởi đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ đã mang dị tật, cân nặng chỉ chừng 1 ký lô rưỡi.

“Chồng tôi cao to khỏe mạnh lắm, tôi cũng không phải người đau bệnh, nhưng không hiểu sao lại sinh ra đứa con tật nguyền.

Sau đó, 1 lần tôi đưa cháu đi khám bác sĩ, vị bác sĩ có hỏi là vợ chồng tôi làm nghề gì, tôi kể công việc chồng tôi đang làm là chuyên đi bơm thuốc trừ sâu cho ruộng lúa của hợp tác xã.

Thế là vị bác sĩ kia kết luận luôn là do thuốc độc ngấm vào người chồng tôi mỗi ngày trong suốt cả chục năm qua đã làm ảnh hưởng đến thai nhi, đó là nguyên nhân”, bà Hương kể buồn.

Sau khi biết nguyên nhân và theo lời khuyên của bác sĩ, kể từ đó chồng bà Hương, ông Nguyễn Văn Bính quyết tâm “giã từ vũ khí”, ông treo bình bỏ nghề, rồi từ đó tuyệt nhiên không tiếp xúc với thuốc trừ sâu nữa.

Bác sĩ còn dặn dò vợ chồng bà Hương là từ sau đứa con tật nguyền, hai vợ chồng bà không được sinh tiếp đứa con khác, mà phải 5 – 7 năm sau, để thuốc độc trong người ông Bính phai đi thì mới được có con tiếp, nếu không bi kịch cũ nguy cơ bị lặp lại. 9 năm sau, với suy nghĩ thuốc độc trong người chồng đã dần phai, bà Hương lại mang bầu để kiếm đứa con trai nối dõi, lần này may mắn đã mĩm cười với vợ chồng bà, 1 đứa con trai bụ bẩm ra đời. Đó là đứa con út của vợ chồng bà Hương, Nguyễn Văn Tuấn nay đã được 31 tuổi.

Không chỉ ruộng lúa, rau màu cũng sử dụng thuốc BVTV rất nhiều. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Người mẹ già và đứa con “nhiễm thuốc trừ sâu”

Năm nay bà Hương đã 76 tuổi, cái bệnh xương khớp khiến bà đi đứng khập khiểng nhưng chưa 1 ngày bà lơ là lo toan, chăm sóc cho đứa con tật nguyền.

Nguyễn Văn Thơ, đứa con tật nguyền của bà Hương nay đã 39 tuổi nhưng vẫn như đứa trẻ, ăn phải có người đút, dơphar có người tắm rửa. 6 người con gái đã lập gia đình ở riêng, đứa con trai út thì làm công nhân đường sắt chẳng mấy khi ở nhà, công việc cho đứa con tật nguyền ăn và tắm rửa cho nó một tay bà Hương đảm đương.

“Cái nghề bơm thuốc trừ sâu ác nghiệt thiệt chú à! Chất độc ngấm từ từ vào người mỗi ngày mình đâu có biết, rồi nó làm ảnh hưởng đến thai nhi, đến khi bác sĩ giải thích mình mới hiểu ra.

Bản thân nó đã tật nguyền lại còn đau bệnh liên miên, mỗi năm ít nhất nó phải đi bệnh viện 2 - 3 lần, mỗi lần vài chục ngày hoặc cả tháng mới bớt”, bà Hương nói.

Theo lời kể của bà Hương, lúc còn nhỏ, đôi chân của Thơ chưa quỹnh nhiều nên Thơ còn đi đứng được, dù rất khó khăn. Khi ấy, cả ngày Thơ cứ lê từng bước đi lang thang khắp xóm. Sau này được chính quyền địa phương cho chiếc xe lăn, Thơ lại càng đi dữ. Suốt ngày ngồi xe lăn lặn lội ngoài nắng nên Thơ thường xuyên bị bệnh.

Căn bệnh kinh niên của Thơ là vỡ mạch máu mũi, phải đưa đi bệnh viện mới cầm được máu. Để Thơ khỏi đi nắng, bà Hương phải giấu biệt chiếc xe lăn.

Đến khi ấy thân hình của Thơ đã phát triển, to nặng hơn, trong khi đôi chân lại càng ngày càng quỹnh nên Thơ không còn đi bộ lang thang được nữa, từ đó ít đau bệnh hơn.

Dù đã 39 tuổi nhưng Nguyễn Văn Thơ vẫn như đứa trẻ, cả ngày quanh quẩn bên mẹ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Thời trai trẻ chồng tôi to khỏe lắm, sau khi hết đi bơm thuốc cho hợp tác xã, ông ấy về nhà làm lò gạch thủ công, hết làm gạch thì về nhà ép dầu phộng để bán, làm đủ chuyện mới có thu nhập nuôi 8 đứa con, nhất là nuôi thằng con tật nguyền.

Càng về già sức khỏe chồng tôi càng yếu, bác sĩ bảo cũng do ảnh hưởng cái thời làm nghề bơm thuốc trừ sâu. Cách đây hơn 10 năm ông ấy đột ngột bỏ tôi vì bị đột quỵ.

Tôi giờ già rồi, chỉ còn đút cơm, tắm rửa cho thằng bệnh, chứ mỗi khi đưa nó đi bệnh viện mấy đứa con gái phải về giúp. Mà đâu phải lâu lâu mới đi, ít nhất mỗi năm nó ra máu mũi 2 - 3 lần, vào những mùa nắng nóng thì bị thường xuyên hơn.

Cũng may bệnh tật của nó được Nhà nước hỗ trợ mỗi tháng 540.000đ, cộng với 270.000đ hỗ trợ cho người chăm sóc, khoản tiền này đủ cho nó uống sữa thoải mái, nhờ đó nó mới mập như chú thấy đấy”, bà Hương bộc bạch.

Nhờ ông Nguyễn Văn Bính (chồng bà Hương) bỏ nghề bơm thuốc trừ sâu theo lời khuyên của bác sĩ, nên 9 năm sau vợ chồng bà sinh được đứa con trai út vẹn toàn, khỏe mạnh. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Dẫu sao bà Hương cũng còn niềm an ủi cuối đời là đứa con trai út khỏe mạnh, hiếu thảo. Sau công việc ở ngành đường sắt, Tuấn về nhà giúp mẹ nuôi bò lai để kiếm thêm thu nhập. Tuấn cũng rất yêu thương người anh tật nguyền của mình.

“Tôi may mắn được sinh ra khỏe mạnh nên càng thương ông anh tật nguyền của mình hơn. May là hồi ấy bác sĩ khuyên bảo cha tôi bỏ ngay công việc bơm thuốc trừ sâu, chứ nếu không chưa biết số phận của tôi như thế nào”, Nguyễn Văn Tuấn, con trai út của bà Hương, tâm sự.

Theo tính toán của ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, 1ha lúa mỗi vụ phải sử dụng đến 3kg thuốc BVTV để trừ sâu bệnh hại. Bình Định mỗi năm sản xuất khoảng 100.000ha lúa, như vậy số lượng thuốc BVTV cần sử dụng là 300.000kg. Đó là chưa kể lượng thuốc BVTV được sử dụng cho hàng chục ngàn héc ta cây trồng khác.

Vũ Đình Thung

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bom-thuoc-tru-sau-va-he-luy-nghe-lam-kiem-lua-va-dua-con-tat-nguyen-d267359.html