'Bom pháp lý' lộ diện

Sau 7 năm tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở London, nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange mới đây đã bị cảnh sát Anh bắt giữ một cách khá bất ngờ. Vụ bắt giữ ấy dự kiến sẽ khơi mào cho một cuộc chiến pháp lý liên quan tới số phận của nhân vật từng có lần được gọi là 'quả bom dữ liệu'.

 Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange trong xe cảnh sát sau khi bị bắt ra khỏi Đại sứ quán Ecuador tại London. Ảnh: Reuters.

Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange trong xe cảnh sát sau khi bị bắt ra khỏi Đại sứ quán Ecuador tại London. Ảnh: Reuters.

Ngay sau khi Chính phủ Ecuador rút quy chế tị nạn với ông Julian Assange, ngày 11-4 vừa qua, cảnh sát Anh đã được mời vào bên trong Đại sứ quán Ecuador tại London để thi hành lệnh bắt giữ ông Julian Assange, quốc tịch Australia. Ông Julian Assange đã sống tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở London kể từ tháng 6-2012 cho đến khi bị giới chức Anh bắt giữ.

Nói đến WikiLeaks và Julian Assange, chắc hẳn người ta vẫn không quên những vụ rò rỉ dữ liệu gây chấn động dư luận thế giới trong ngót chục năm trở lại đây. Điển hình như việc WikiLeaks vào năm 2010 tán phát hàng nghìn tài liệu mật do Chelsea Manning, người từng là nhân viên phân tích tình báo của quân đội Mỹ, ăn cắp. Hay như trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, WikiLeaks cũng tung ra một loạt email liên quan đến Đảng Dân chủ và chiến dịch tranh cử của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton…

Thế nên, chẳng có gì lạ khi nhà sáng lập WikiLeaks lâu nay bị coi là “kẻ thù của nước Mỹ”. Bản thân ông Julian Assange cũng luôn lo sợ bị dẫn độ về xứ sở Cờ hoa để xét xử và trong tình cảnh như vậy, Đại sứ quán Ecuador ở London là nơi ẩn mình khá an toàn đối với người đàn ông 47 tuổi này.

Nhưng cuộc sống bình yên tạm bợ đó rồi cũng bị phá vỡ khi quan hệ giữa ông Julian Assange và Chính phủ Ecuador bất ngờ xuống dốc thảm hại trong thời gian gần đây. Với cáo buộc ông Julian Assange nhiều lần vi phạm các hiệp định quốc tế, cùng với đó là làm rò rỉ thông tin về cuộc sống gia đình của Tổng thống Ecuador Lenin Moreno, Chính phủ Ecuador gần đây đã rút quy chế tị nạn ngoại giao, đồng thời đình chỉ tư cách công dân của ông Julian Assange.

Nhiều người còn nghi ngờ rằng một trong những lý do khiến Chính phủ Ecuador muốn “tống khứ” nhà sáng lập WikiLeaks càng nhanh càng tốt là bởi chi phí dành cho việc bảo vệ nhân vật này quá tốn kém. Theo những con số thống kê mới nhất được truyền thông quốc tế đăng tải, chỉ riêng việc bảo vệ an ninh cho ông Julian Assange trong 7 năm qua khiến Ecuador tiêu tốn tới… hơn 5,8 triệu USD. Đó là chưa kể tới những khoản chi phí khác, như y tế, thực phẩm hay tiền giặt là cũng lên tới khoảng 400.000USD.

Số phận của ông Julian Assange chưa rõ sẽ đi về đâu, song chắc chắn là “lành ít dữ nhiều". Ngoài việc phải đối diện với giới tư pháp Anh, hiện nhà sáng lập WikiLeaks còn đứng trước nguy cơ bị dẫn độ về Thụy Điển với cáo buộc xâm hại tình dục phụ nữ, hoặc trường hợp xấu nhất là bị dẫn độ về Mỹ, nơi vốn được coi là “cửa tử” đối với Julian Assange, để xét xử tội danh liên quan tới việc tiết lộ các tài liệu bí mật quốc gia.

Việc ông Julian Assange bị bắt giữ cũng sẽ một lần nữa gợi lại cuộc tranh cãi trong nội bộ Bộ Tư pháp Mỹ về cách thức xử lý trang mạng WikiLeaks và nhà sáng lập Julian Assange, nhất là trong việc phân biệt những hoạt động được coi là gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Mỹ và hoạt động của những nhà báo thường khai thác thông tin mật.

Với dư luận quốc tế, một câu hỏi lớn lại được đặt ra, đó là nên xem những nhân vật như Julian Assange là nhà báo hay tội phạm? Trên thực tế, hiện vẫn tồn tại những cách nhìn nhận trái chiều về vụ việc này. Trong khi Thủ tướng Anh Theresa May hoan nghênh việc bắt giữ ông Julian Assange, đồng thời tuyên bố: "Không ai đứng trên luật pháp", lãnh đạo một số quốc gia khác lại bày tỏ sự ủng hộ dành cho nhà sáng lập WikiLeaks. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, vụ bắt giữ ông Julian Assange ngày 11-4 vừa qua đã đi vào lịch sử như một trường hợp vi phạm quyền của các nhà báo và tấn công vào tự do ngôn luận, và bởi vậy, Nga sẽ đưa vụ việc này ra các tổ chức quốc tế.

Vậy là, một “quả bom” mới tiếp tục phát nổ và người châm ngòi vẫn là cái tên quen thuộc: WikiLeaks-Julian Assange. Có chăng, vụ nổ gây chấn động dư luận lần này diễn ra theo một cách khác hẳn và không còn bí ẩn như những trang tài liệu mà WikiLeaks từng đem phơi bày trước bàn dân thiên hạ.

ANH VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/bom-phap-ly-lo-dien-571634