'Bơm' hàng nghìn tỷ đồng chống ngập, Hà Nội vẫn 'bì bõm' trong mưa lớn

Đến nay, cả hai dự án mang nhiều hứa hẹn về giải quyết tình trạng ngập úng cho các quận, huyện tại Thủ đô đang trong tình trạng dở dang trong khi cứ trời mưa, nhiều tuyến đường Hà Nội lại ngập úng 'không lối thoát.'

Trong vòng hơn 20 năm qua, Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để tiêu úng, chống ngập nhưng kết quả chưa như mong đợi. Nguồn ảnh: TTXVN

Trong vòng hơn 20 năm qua, Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để tiêu úng, chống ngập nhưng kết quả chưa như mong đợi. Nguồn ảnh: TTXVN

Theo tìm hiểu của phóng viên báo điện tử VietnamPlus, từ năm 1998 đến nay, Hà Nội đã “bơm” hàng trăm triệu USD triển khai các dự án thoát nước, trong đó có những dự án “ngốn” hàng nghìn tỷ đồng, với hy vọng sẽ giải quyết được ngập úng cho các quận, huyện trên toàn thành phố, đặc biệt là khu vực nội thị.

Thế nhưng, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.

Đầu tư lớn, Hà Nội vẫn chưa thoát ngập

Tìm hiểu của phóng viên cho thấy thoát nước Hà Nội là dự án được “bơm” nhiều kinh phí nhất trong số các dự án đầu tư xây dựng hệ thống tiêu thoát nước ở thành phố từ trước tới nay. Dự án này được chia thành hai giai đoạn, với tổng mức đầu tư khoảng 550 triệu USD, chủ yếu bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản.

Trong đó, giai đoạn 1 của dự án triển khai từ năm 1998 và kết thúc vào cuối năm 2004 với mục tiêu chống úng ngập trên địa bàn thành phố do những trận mưa có cường độ 172mm/2 ngày; tăng khả năng vận hành, duy tu, duy trì hệ thống thoát nước cho Công ty Thoát nước Hà Nội; cải thiện về cảnh quan môi trường đô thị...

Giai đoạn 2 tiếp tục được khởi động từ năm 2006 với mục tiêu chống úng ngập cho thành phố trong lưu vực sông Tô Lịch với lượng nước mưa 310mm/2 ngày, chu kỳ bảo vệ 10 năm đối với sông và mương thoát nước. Dự án này dự kiến hoàn thành vào năm 2013, sau đó lùi tới năm 2015.

Thế nhưng, sau đó dự án vẫn tiếp tục “tắc” do triển khai chậm và đội vốn thêm 100 triệu USD. Nguyên nhân được Ban quản lý dự án đưa ra là do vướng mắc giải phóng mặt bằng (việc giải phóng mặt bằng trải dài trên 8 quận, huyện với gần 9.000 phương án thực hiện). Vì thế, đến cuối năm 2016, dự án này mới “về đích.”

Đáng chú ý, theo kết luận Thanh tra Bộ Xây dựng về công tác quản lý đầu tư xây dựng đối với Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (dự án II, quy mô đầu tư dự án ban đầu là hơn 6.300 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên tới 8.000 tỷ đồng), quá trình triển khai dự án này đã để xảy ra hàng loạt sai phạm trong công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự toán, chi phí xây dựng công trình.

Trước những hạn chế về phạm vi và giải quyết úng ngập của dự án thoát nước trên, từ năm 2015 đến nay, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục phê duyệt các dự án: Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa và Cụm công trình đầu mối Liên Mạc… nhằm thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía Tây, bao gồm các quận Cầu Giấy, Nam-Bắc Từ Liêm, Hà Đông và các huyện ngoại thành vừa mở rộng.

Nước ngập sâu, người tham gia giao thông phải dắt bộ xe máy. Nguồn ảnh: TTXVN

Cụ thể, dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa triển khai từ năm 2015 (tổng vốn đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng) có chức năng bơm nước từ lưu vực sông Nhuệ ra sông Đáy, nhằm giảm ngập úng cho Hà Đông, Thanh Xuân; dự án Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (tổng vốn đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng) thi công trong giai đoạn từ năm 2018-2020, với mục tiêu sau khi hoàn thành sẽ bơm nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng, nhằm giảm ngập úng cho khu vực Cầu Giấy, Nam - Bắc Từ Liêm và phụ cận.

Lý giải cho việc “chi hàng nghìn tỷ đồng đầu tư thoát nước, Hà Nội vẫn ngập” nêu trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội, cho rằng nguyên nhân chính khiến các dự án chậm tiến độ là do vướng trong giải phóng mặt bằng, có dự án vẫn chưa xong công tác bố trí, bàn giao mặt bằng…

Ông Hùng cũng khẳng định: “Việc đầu tư các dự án thoát nước là cần thiết để cải thiện ngập úng. Tuy nhiên, hơn 19.000 tỷ đồng đầu tư trên cũng chỉ có giá trị bằng khu đô thị, mà ở đây là đầu tư phục vụ cho cả thành phố...”

Mới đáp ứng được 20% yêu cầu

Theo ông Hùng, đầu tư hệ thống thoát nước thì phải đồng bộ, từ hệ thống ga thu trên đường, hộ dân đến các tuyến sông, trạm bơm… Tuy nhiên, hiện dự án thoát nước Hà Nội cũng mới đáp ứng được một phần, các khu vực ngoài vẫn chưa được đầu tư đồng bộ và dự án nhỏ lẻ của quận cũng chỉ giải quyết được các điểm nhỏ lẻ.

Nói rõ hơn, ông Hùng cho biết thời kỳ năm 1993-1995, tổ chức OECF (sau này là JICA) của Nhật Bản đã giúp Hà Nội quy hoạch tổng thể cấp thoát nước với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 1.100 triệu USD, nhưng hiện mới có hai dự án thoát nước đầu tư vài trăm triệu USD, tức chỉ đáp ứng được khoảng 20% so với yêu cầu.

“Vì thế, nếu số tiền trên so với yêu cầu thì mới chỉ đáp ứng được một phần. Và mục tiêu cũng chỉ được đến thế, nên mưa to nước vẫn bị ngập,” ông Hùng nói và cho rằng muốn giải quyết được tình trạng ngập úng thì đầu tiên là phải đầu tư hạ tầng cấp thoát nước đồng bộ nhưng “cái này rất tốn kém.”

Tình trạng ngập úng mỗi khi mưa đã trở thành câu chuyện quen thuộc ở Hà Nội. Nguồn ảnh: TTXVN

Chia sẻ thêm về hiện trạng hệ thống tiêu thoát nước hiện nay, ông Hùng cho biết hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội gồm 12 quận với diện tích khoảng 300km2, chủ yếu là hệ thống thoát nước chung với khối lượng quản lý theo danh mục được phê duyệt bao gồm: 5.735,44km cống rãnh; 254,2 km mương, sông, kênh; 40.407 ga thu; 125 hồ điều hòa; 10 trạm bơm thoát nước mưa chính;...

Đến nay, Hà Nội mới chỉ thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km2. Các khu vực khác chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước như khu vực Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, khu vực Long Biên, Hà Đông.

“...nếu số tiền trên so với yêu cầu thì mới chỉ đáp ứng được một phần. Và mục tiêu cũng chỉ được đến thế, nên mưa to nước vẫn bị ngập.”

Ngoài ra, một số trạm bơm chưa được đầu tư đồng bộ, sông Nhuệ và hệ thống kênh xả kênh dẫn về các trạm bơm chưa được cải tạo, nạo vét và kè đến cốt thiết kế cũng là những nguyên nhân không đảm bảo được việc thoát nước cho thành phố.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR), một trong những lý do góp phần dẫn tới tình trạng ngập úng ở Hà Nội là do hoạt động lấn chiếm, san lấp ao, hồ để kinh doanh,…

Trong đó, quận Đống Đa có nhiều ao hồ nhất (trên 30 hồ), nhưng chỉ trong 5 năm (2010-2015) đã có 4 hồ bị san lấp; một số quận không thay đổi hiện trạng ao, hồ thì diện tích mặt nước bị thu hẹp đáng kể.

Hệ thống thoát nước chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa

Nhìn nhận ở góc độ chuyên gia, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư thành phố Hà Nội, cho rằng việc cơ quan quản lý hạ tầng thoát nước đô thị Hà Nội nhận định mưa to quá nên ngập hay mưa to vẫn bị ngập là thiếu trách nhiệm.

Theo vị kiến trức sư này, đơn vị làm công tác thoát nước ở Hà Nội sử dụng nguồn lực của thành phố để chống ngập, nhưng ngập lụt vẫn kéo dài thì không nên đổ thừa cho mưa to quá. Ông cũng cho rằng cần phải xem xét lại các dự án thoát nước có vốn lớn đầu tư đã thực chất hay chưa.

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về quy hoạch thành phố Hà Nội, kiến trúc sư Trần Huy Ánh phân tích hệ thống thoát nước của thành phố hiện nay kế thừa quy hoạch thoát nước của người Pháp trước năm 1954. Sau đó, Hà Nội mở rộng, do kinh nghiệm quy hoạch của ta không nhiều, nguồn lực hạn chế, nên trong khoảng thời gian vài chục năm sau, việc thoát nước ở Hà Nội “khá tùy tiện.”

Ông Ánh cho rằng đến những năm 2000, nhờ có Nhật Bản giúp thiết kế nên quy hoạch thoát nước ở Hà Nội có bài bản hơn. Thế nhưng, khi thiết kế xong, định hướng phát triển đô thị lại lạc hậu so với thiết kế hệ thống thoát nước này. Do đó, hệ thống thoát nước ở Hà Nội là không tổng thể, lạc hậu so với thực tế phát triển.

Hệ thống thoát nước không tiêu thoát kịp nước mưa. Nguồn ảnh: TTXVN

Có cùng quan điểm, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, khẳng định nguyên nhân dẫn đến tình trạng Hà Nội cứ mưa là ngập đã nói nhiều nhưng chưa có giải pháp. Điều đáng lưu ý là, mặc dù hệ thống thoát nước của thành phố đã từng bước được cải tạo nhưng chưa theo kịp được tốc độ đô thị hóa nhanh.

Các khu vực đất trống có thể thẩm thấu nước sau khi mưa hay các hồ điều hòa cũng dần bị thu hẹp, bê tông hóa. Thế nên đôi khi hệ thống thoát nước bị quá tải. Mặt khác, việc sinh hoạt, tổ chức sản xuất, kinh doanh làm tăng nhu cầu nước thải xả ra các cống. Hiện tượng xả rác của người dân còn chưa được ngăn chặn triệt để.

Điều đáng lưu ý là, mặc dù hệ thống thoát nước của thành phố đã từng bước được cải tạo nhưng chưa theo kịp được tốc độ đô thị hóa nhanh.

Còn theo giáo sư tiến sỹ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tốc độ đô thị hóa nhanh được xem là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng úng ngập ở Hà Nội. Tuy nhiên, một lý do không thể không nhắc tới đó là tốc độ biến mất diện tích mặt nước ở Hà Nội tăng nhanh đầu thế kỷ 21.

Nghịch lý là nhiều ao hồ không những không được bảo vệ, mà còn bị san lấp, biến thành các công trình, dự án, chung cư cao tầng. Trong khi đó việc quy hoạch xây dựng đô thị manh mún, thiếu quy hoạch tổng thể đã dẫn đến mâu thuẫn trong tiêu thoát nước giữa các tiểu khu, bởi hệ thống thoát nước ở Thủ đô vẫn chủ yếu là tự chảy nên khả năng tiêu thoát nước không cao.

Còn tiếp...

Hùng Võ

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/bom-hang-nghin-ty-dong-chong-ngap-ha-noi-van-bi-bom-trong-mua-lon-25662.html