Bom đạn chỉ làm cho chiến sĩ Trường Sơn vững vàng

Chiến sĩ Trường Sơn sống với bom đạn, khí hậu khắc nghiệt của núi rừng để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc trước sự xâm lược của ngoại bang.

Mặc quần áo ướt cả tuần để chiến đấu giành độc lập

Chiều 18/5, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức Lễ Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019).

Nhớ về một thời gian khổ chiến đấu tại dãy núi Trường Sơn, Thiếu tướng Võ Sở kể tại hội trường, Mỹ đã lấy sức mạnh quân sự khủng khiếp hòng hủy diệt sức sống Trường Sơn, bóp nghẹt tuyến chi viện của ta, nhưng đâu ngờ rằng, bom đạn, chết chóc chỉ làm cho những chiến sĩ Trường Sơn ý chí thêm vững vàng, tinh thần thêm sắt đá.

"Để cho tuyến chi viện chiến lược không một ngày ngừng nghỉ, chúng tôi đã cùng nhau bám trụ, chiến đấu kiên cường, chống lại sự đánh phá, ngăn chặn khốc liệt của Mỹ với đủ loại vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ" - Thiếu tướng Võ Sở nhớ lại.

Tờ Tiền phong dẫn lời thêm từ Thiếu tướng Võ Sở: Ngày ấy, Bộ đội Trường Sơn mang trên vai trách nhiệm mà Đảng, Nhân dân và Quân đội giao cho, với tâm nguyện tất cả vì miền Nam ruột thịt, quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để làm tròn nhiệm vụ.

Bộ đội Trường Sơn chiến đấu với “Binh chủng hợp thành” gồm đủ các lực lượng: Vận tải, Công binh, Cao xạ, Bộ binh, Xăng dầu, Thông tin, Giao liên..., tất cả đều hừng hực chung một ý chí quyết tâm “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”.

Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn, nguyên Chính ủy Binh đoàn 12 tại trụ Sở Bộ Quốc phòng chiều 18/5.

Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn, nguyên Chính ủy Binh đoàn 12 tại trụ Sở Bộ Quốc phòng chiều 18/5.

Để cho tuyến chi viện chiến lược không một ngày ngừng nghỉ, tất cả đã cùng nhau bám trụ, chiến đấu kiên cường, chống lại sự đánh phá, ngăn chặn khốc liệt của Mỹ - ngụy với đủ loại vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ.

Trong ký ức vị Tướng năm nay đã ngoài 90 tuổi, hình ảnh năm tháng khốc liệt ở Trường Sơn lại tràn về. Ông cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu với những người lính công binh, lái xe, cao xạ ở “Binh trạm lửa” 31 và 42... Ông và đồng đội đã phải chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn trăm bề và khí hậu khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn. Có khi, chiến sĩ phải mặc quần áo ướt hàng tuần, phải ăn măng le, củ chuối thay cơm, nhưng hàng đảm bảo cho chiến trường thì không tơ hào một cân, một lạng.

"Cuối năm 1964, do tuyến vận tải gặp khó khăn, mấy nghìn cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 70 bị thiếu đói đã được nhân dân ở các huyện Cà Lươn, Sê Ca Mán, tỉnh Tà Ven Oọc, thuộc nước bạn Lào thu gom thóc gạo giúp đỡ. Ơn nghĩa ấy chúng tôi không bao giờ quên", ông nói và cho biết thêm, mùa mưa năm 1966 ở Binh trạm 6, vì thiếu thuốc, thiếu lương thực, sốt rét đã cướp đi sinh mạng gần 50 cán bộ, chiến sĩ.

Khó khăn là vậy, Thiếu tướng Võ Sở vẫn khẳng định, trong gian khổ, ác liệt, hy sinh, những người lính Trường Sơn vẫn chiến đấu quả cảm, kiên cường, dẻo dai, sẵn sàng hy sinh vì đồng đội, vì nhiệm vụ. Chính họ là những người làm nên lịch sử, làm nên kỳ tích Trường Sơn, kỳ tích của những người lính Cụ Hồ.

“Với tình cảm trân trọng ấy, chúng tôi nguyện tiếp tục phát huy truyền thống của Bộ đội Trường Sơn anh hùng, sống mẫu mực, đoàn kết, nghĩa tình, trung với Đảng, với Tổ quốc, hiếu với Nhân dân; tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, mãi mãi là Bộ đội Cụ Hồ”, Thiếu tướng Võ Sở nói.

Luôn ghi nhớ công lao của cha, anh

Chia sẻ tại buổi lễ, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay, Đoàn 559 khởi đầu từ tiểu đoàn giao liên vận tải bộ 301 - đơn vị vận tải bí mật, "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", quy mô nhỏ, với lực lượng gần 500 cán bộ, chiến sĩ. Sau hai năm, Đoàn đã phát triển thành lực lượng tương đương cấp sư đoàn, với quân số 6 nghìn người; sau 6 năm phát triển thành lực lượng tương đương cấp quân khu.

Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, bộ đội Trường Sơn phát triển lên đến gần 12 vạn người, với sự đa dạng về thành phần lực lượng, được tổ chức thành nhiều trung đoàn, sư đoàn binh chủng và các cục nghiệp vụ.

Từ phương thức hoạt động phòng tránh bị động, bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng phòng tránh tích cực. Từ vận tải chủ yếu vào ban đêm để tránh địch phát hiện, đánh phá, bộ đội Trường Sơn đã chuyển sang vận chuyển cả ban ngày trên hàng nghìn km đường kín, được bao bọc bởi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam trên 1,5 triệu tấn vũ khí, lương thực, thuốc men, và hơn 5,5 triệu tấn xăng dầu; bảo đảm cho hơn hai triệu lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân vào ra chiến trường miền Nam và các mặt trận.

Tướng Giang khẳng định, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận tải chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Chiến công của bộ đội Trường Sơn cùng hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân các dân tộc trên dãy Trường Sơn đã làm cho đường Hồ Chí Minh trở nên huyền thoại, là một kỳ tích vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20.

"Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn trân trọng, ghi nhớ công lao to lớn của các thế hệ cha anh đã một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", Tướng Giang nói.

Vân Long (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bom-dan-chi-lam-cho-chien-si-truong-son-vung-vang-3380297/