Bolivia: Trường học đóng cửa khiến trẻ em thành lao động chính

Hàng loạt trẻ em tại Bolivia đã phải đi làm, sau khi chính phủ nước này quyết định đóng cửa các trường học do sự bùng phát của Covid-19.

Trẻ em tại Bolivia được phép lao động từ 10 tuổi.

Trẻ em tại Bolivia được phép lao động từ 10 tuổi.

Trước khi đại dịch bùng phát, Yoel Aricona Rivera (14 tuổi), thường xuyên làm thêm sau mỗi giờ học. Cậu bé dọn dẹp và chạy việc vặt tại một nghĩa trang của thị trấn Sacaba. Tuy nhiên, sau khi trường học đóng cửa, Rivera trở thành một trợ lý xây dựng toàn thời gian.

“Nghĩa trang đã đóng cửa và em cần tiền”, Rivera chia sẻ.

Trẻ em tại Bolivia dành nhiều thời gian cho công việc làm thêm, do cha mẹ họ mất việc sau khi đại dịch khởi phát. Điều này vô tình đã tạo áp lực lên những người trẻ, khiến các em trở thành “trụ cột” trong gia đình.

Các chuyên gia nhận định, sẽ ngày càng nhiều trẻ em Bolivia trở thành lao động sau khi trường học đóng cửa. Sandra Caiguara - Giám đốc của tổ chức hỗ trợ lao động trẻ em Centro Hermano Manolo, cho biết: “Sẽ có nhiều trẻ em ra ngoài làm việc để có thể trang trải cuộc sống. Hiện tại, ưu tiên hàng đầu là có thể mua thực phẩm, thay vì học tập”.

Chánh Văn phòng phủ Tổng thống Bolivia - Yerko Nunez thông báo, năm học sẽ kết thúc vào tháng 8. Học sinh bắt đầu kỳ học mới vào năm 2021.

“Chúng tôi e rằng, ở các tỉnh và nhiều khu vực của đất nước không có Internet. Vì vậy, người học không thể tham gia các lớp trực tuyến”.

Ngoài Kenya, Bolivia là một trong những quốc gia đầu tiên chính thức tạm dừng giáo dục đến năm học tiếp theo do đại dịch.

Chính phủ Bolivia tuyên bố phong tỏa từ ngày 23/3, chỉ cho phép mọi người ra ngoài mua nhu yếu phẩm. Thời điểm đó, Anahi (17 tuổi) đã mất công việc làm thêm mỗi cuối tuần. Hiện tại, nữ sinh này không thể đi học và đang làm việc 3 ngày/tuần tại thành phố Cochabamba. Mặc dù dành nhiều thời gian làm việc, nhưng mức thu nhập của Anahi giảm so với trước.

“Em phải làm việc vì cha mẹ không thể hỗ trợ bởi họ không có việc làm”, nữ sinh 17 tuổi nói. Anahi dành thu nhập để mua thực phẩm hằng ngày.

Mặc dù nhiều trường tại Bolivia thông báo sẽ tổ chức các lớp học trực tuyến tự nguyện, nhưng không phải học sinh nào cũng có điều kiện để theo kịp.

“Ứng dụng Zoom sử dụng máy ảnh và tiêu tốn nhiều dữ liệu hơn. Có những bạn thậm chí không đủ tiền mua thẻ điện thoại để tham gia các lớp học trực tuyến”, Anahi chia sẻ.

Các gia đình trung lưu và thượng lưu ở thành thị có Internet ổn định. Ngoài ra, những phụ huynh từ các gia đình này có thể giúp con làm bài tập về nhà. Bà Caiguara cho biết: “Cha mẹ là những người có thể giáo dục con họ. Tuy nhiên, những người làm việc 12 giờ/ngày thường mệt mỏi mỗi khi về nhà và không thể hỗ trợ con”.

Tại các gia đình có thu nhập thấp, mọi người đều phải làm việc, kể cả trẻ em. Vào năm 2014, Bolivia đã hợp pháp hóa công việc cho trẻ em dưới 10 tuổi, với một số điều kiện nhất định. Các em có thể tự kinh doanh từ 10 tuổi và làm thêm từ 12 tuổi. Luật của Bolivia quy định, trẻ có thể làm những công việc không nguy hiểm hoặc tác động xấu tới việc học.

Động thái này đã làm dấy lên nhiều phản ứng trái chiều, đặc biệt là từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, các liên đoàn lao động trẻ em và vị thành niên tại Bolivia cho rằng, luật chỉ đơn giản là bảo vệ hợp pháp cho công việc mà trẻ đang làm. Từ đó, giúp các gia đình có thể mua được những nhu yếu phẩm như thực phẩm và đồ dùng học tập.

Ở các vùng nông thôn của Bolivia, trẻ em giúp thu hoạch mùa màng và một số làm việc trong hầm mỏ. Trong khi đó, tại các khu vực thành thị, trẻ làm những công việc như bán kẹo, đánh giày hoặc tại các quầy và cửa hàng ở chợ.

Theo Viện Thống kê Quốc gia Bolivia, năm 2018, có tới khoảng 35% dân số nước này sống dưới mức nghèo. Con số này được cho là tăng đáng kể do hậu quả của đại dịch. Cơ quan xếp hạng Fitch dự báo, nền kinh tế của đất nước sẽ giảm 5,7% vào năm 2020.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-bon-phuong/bolivia-truong-hoc-dong-cua-khien-tre-em-thanh-lao-dong-chinh-lrgCBBNMR.html