Bolivia khủng hoảng, Nga nhắc hợp tác năng lượng

Cựu Tổng thống Bolivia bị cáo buộc khủng bố, Đại sứ Nga gặp Tổng thống lâm thời Jeanine Anez.

Đại sứ Nga tại Bolivia Vladimir Sprinchan hôm 22/11 đã có cuộc họp với Tổng thống lâm thời Boline Jeanine Anez cùng các nhà ngoại giao nước ngoài khác.

Tổng thống lâm thời của Bolivia Jeanine Anez, 52 tuổi. Ảnh: AP

Tổng thống lâm thời của Bolivia Jeanine Anez, 52 tuổi. Ảnh: AP

Trả lời truyền thông sau cuộc họp, ông Vladimir Sprinchan cho biết, đây là cuộc họp theo lịch trình đã lên kế hoạch trước và là cuộc gặp đầu tiên của Tổng thống Bolivia lâm thời với toàn bộ đội ngũ ngoại giao nước ngoài chứ không phải một cuộc gặp riêng tư.

Ông Sprinchan nói: "Là cuộc họp theo lịch trình làm việc với Tổng thống Bolivia, đó là lý do vì sao tôi chỉ nói 2 câu: 'Tôi là Đại sứ của Liên bang Nga. Rất vui được gặp Bà'."

Theo tường thuật của ông Sprinchan, ông không đề cập đến bất cứ điều gì trong mọi phát ngôn của mình về sự hỗ trợ cho Chính phủ lâm thời của Bolivia.

Ngoài ra, Đại sứ Nga cho biết, ông bày tỏ mong muốn Bolivia sớm giải quyết thời điểm khó khăn này càng sớm càng tốt để khôi phục lại cuộc sống bình thường, khôi phục nền kinh tế, phát triển các dự án chung giữa hai nước.

Nhà ngoại giao Nga nói thêm rằng việc thực hiện các thỏa thuận của Nga với Bolivia "là lợi ích của nhân dân hai nước".

Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Serge Ryabkov trước đó bày tỏ quan điểm cho rằng, Nga sẽ coi bà Jeanine Anez là lãnh đạo lâm thời của đất nước Bolivia cho đến khi vấn đề về cựu Tổng thống Evo Morales được giải quyết một cách rõ ràng thông qua một cuộc bầu cử khác.

Cuộc bầu cử tổng thống tại Bolivia được tổ chức vào ngày 20/10 nhưng bất đồng về kết quả bầu cử, bất chấp kết quả đã được thông qua bởi Tòa án Bầu cử tối cao. Cựu Tổng thống Evo Morales bị tố gian lận. Đối thủ tranh cử của ông là Carlos Mesa không công nhận kết quả này, các cuộc biểu tình và đình công quy mô lớn đã bắt đầu trên cả nước.

Người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Evo Morales.

Các cuộc biểu tình đã khiến lực lượng an ninh quốc gia quay lưng với Tổng thống Evo Morales. Đến ngày 10/11, Tổng thống Morales tuyên bố từ chức và gọi tình hình này là một cuộc đảo chính.

Chính quyền Mexico đã cấp tị nạn chính trị cho ông Morales. Cựu Tổng thống Morales đến Mexico vào ngày 12/11. Cùng ngày đó, Thượng nghị sĩ Jeanine Anez tuyên bố là tổng thống lâm thời Bolivia.

Biểu tình vẫn lan rộng từ khi ông Morales tị nạn chính trị sang Mexico, bạo loạn bắt đầu nổ ra khi lực lượng chấp pháp bắt đầu hành động đàn áp biểu tình. Đã có ít nhất 23 người thiệt mạng và nhiều người bị thương sau đụng độ với cảnh sát. Tình hình khiến Liên Hợp Quốc phải lên tiếng cảnh báo.

Cựu Tổng thống Evo Morales kêu gọi người biểu tình giữ vững áp lực với chính quyền lâm thời, tuyên bố Quốc hội chưa chấp thuận lời đề nghị từ chức của ông và trên danh nghĩa ông vẫn là Tổng thống Bolivia.

Bộ trưởng Nội vụ Arturo Murillo của chính phủ lâm thời Bolivia mới hôm 22/11 đã lên tiếng buộc tội ông Morales xúi giục người biểu tình và khủng bố. Ông Murillo đã trình đơn kiện lên các công tố viên liên bang tại Thủ đô La Paz và nhấn mạnh cựu Tổng thống có thể sẽ phải đối mặt với mức án tối đa 30 năm tù.

Ông Murillo nói với truyền thông: "Chúng tôi đang tìm kiếm hình phạt tối đa cho tội xúi giục và khủng bố của ông Morales".

Hôm 20/11, ông Murillo đã công bố một đoạn băng hình mà ông này khẳng định là bằng chứng về việc cựu Tổng thống Morales lên kế hoạch tổ chức biểu tình chống chính phủ lâm thời.

Tuy nhiên, từ Mexico nơi đang tị nạn, ông Morales đã trực tiếp bác bỏ cáo buộc trên và khẳng định đây là lời bịa đặt và là một sự dàn xếp khác nhằm hạ uy tín của ông từ phía Chính phủ tạm quyền.

Ông Morales cho rằng, cần một "ủy ban sự thật" quốc tế sẽ được thành lập để xác minh có gian lận bầu cử hay không.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/bolivia-khung-hoang-nga-nhac-hop-tac-nang-luong-3391990/