Bolivia 'đổi đời' nhờ lithium

Mặc dù Bolivia nằm trong danh sách những nước nghèo khó nhất Nam Mỹ, nhưng ít ai biết quốc gia này lại đang sở hữu mỏ lithium lớn nhất thế giới.

Chính phủ Bolivia ước tính chỉ riêng sa mạc Uyuni có khả năng cung cấp đến 21 triệu tấn lithium. Ảnh: nytimes.com

Chính phủ Bolivia ước tính chỉ riêng sa mạc Uyuni có khả năng cung cấp đến 21 triệu tấn lithium. Ảnh: nytimes.com

Nhắc đến Bolivia người ta thường nhớ đến cánh đồng muối tự nhiên lớn nhất thế giới Salar de Uyuni nằm ở độ cao 3.600 mét so với mực nước biển hay những đàn chim hồng hạc xinh đẹp vẫy cánh bay rợp trời. Nhưng ít ai biết rằng quốc gia nằm trong danh sách những nơi nghèo khó nhất Nam Mỹ này lại đang sở hữu mỏ lithium lớn nhất thế giới, với tiềm năng trở thành nguồn cung nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp sản xuất pin lithium toàn cầu.

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng các loại pin sạc ngày càng tăng cao, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới sắp bước vào kỷ nguyên ô tô điện. Có một sự thật là dù nằm trong "Tam giác Lithium" cùng với hai nước láng giềng là Chile và Argentina, Bolivia đến nay vẫn chưa có đủ khả năng để sản xuất kim loại này trên quy mô thương mại.

Tuy nhiên, tình trạng đó sắp thay đổi khi nhà máy Llipi của Bolivia đi vào hoạt động năm 2020. Giám đốc dự án của Llipi Marco Antonio Condoretty cho biết nhà máy này dự kiến sẽ hoạt động dưới sự bảo vệ của quân đội và có công suất mỗi năm lên tới 15.000 tấn hợp chất lithium carbonate.

Với mức ước tính này, công ty quốc doanh Yacimientos de Litio Bolivianos (YLB) - từng được thành lập bởi chính phủ của Tổng thống Evo Morales vào năm 2008 để khai thác lithium từ các cánh đồng muối - đặt mục tiêu sẽ đưa Bolivia trở thành nhà sản xuất lithium lớn thứ tư thế giới vào năm 2021, để từ đó biến lithium thành động lực phát triển kinh tế và giúp đất nước thoát khỏi tình trạng đói nghèo.

Năm ngoái, YLB đã hợp tác với công ty ACI Systems của Đức để phát triển khu phức hợp Uyuni. Giám đốc dự án Condoretty cho biết đây là một phần trong kế hoạch xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược song phương nhằm mang lại sự bảo đảm về công nghệ.

Liên doanh YLB - ACI Systems sẽ sản xuất pin cho các phương tiện chạy bằng điện ở Bolivia phục vụ thị trường châu Âu đang phát triển. Trong khi đó, tập đoàn Xinjiang TBEA Group của Trung Quốc cũng đã “bắt tay” với YLB trong một liên doanh khác vào tháng 2 vừa qua để hỗ trợ khai thác lithium từ hai cánh đồng muối là Coipasa và Pastos Grandes.

Chính phủ Bolivia ước tính chỉ riêng sa mạc Uyuni có khả năng cung cấp đến 21 triệu tấn lithium. Cho đến nay, cánh đồng Salar de Uyuni vẫn là điểm thu hút khách du lịch chính của Bolivia. Vì thế, các nhà hoạt động môi trường đã bày tỏ quan ngại về việc cảnh quan sẽ bị thay đổi trong quá trình khai thác lithium từ dưới sâu. Tuy nhiên, Giám đốc dự án Condoretty nhấn mạnh rằng việc khai thác lithium sẽ sử dụng "công nghệ sạch" và chỉ gây ảnh hưởng đến khoảng 3% lượng muối tại đây.

Theo Giáo sư kỹ thuật Ingred Garces tại Đại học Antofagasta của Chile, Trung Quốc là nước tiêu thụ lithium lớn nhất thế giới, chiếm đến 63% thị trường. Giáo sư dự đoán đến năm 2025, nước này sẽ cần 800.000 tấn hợp chất lithium carbonate mỗi năm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với xe điện. Đây là lý do khiến Bắc Kinh luôn dành nhiều sự chú ý đến hoạt động sản xuất lithium trên thế giới.

Tập đoàn Tianqui Lithium của Trung Quốc đã mua 24% cổ phần của nhà sản xuất Chile là SQM vào tháng 12 năm ngoái, qua đó chính thức đặt chân vào "Tam giác Lithium" - nơi sở hữu đến 80% trữ lượng lithium của thế giới.

Trong khi đó, sản lượng hợp chất lithium carbonate toàn cầu đã tăng 23% trong năm 2018 lên mức hơn 85.000 tấn. Trong đó, Australia là nhà sản xuất lớn nhất thế giới, với 51.000 tấn mỗi năm, theo sau là Chile (16.000 tấn), Trung Quốc (8.000 tấn) và Argentina (6.200 tấn).

Năm 2016, Bolivia chỉ sản xuất khoảng 20 tấn hợp chất lithium carbonate, theo trang web Lithium Today.

Phương Nga/TTXVN (theo AFP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/bolivia-doi-doi-nho-lithium-20190915170902623.htm