'Bới tung' di sản để tìm… tiền!

Chúng ta vẫn chưa xử nghiêm các 'xấu xa' mang tính âm mưu trục lợi từ 'làm mới di tích'. Có những nhóm người chuyên áp phe để lập dự án, liên tục để giải ngân, để có việc làm và có 'chấm mút'.

Các độc giả Nguyễn Miền ở Yên Bái, Phạm Thành Trung ở Ngọc Hiển, Cà Mau và bà Nguyễn Thị Thanh Diệu ở Sơn Tây, Hà Nội): Thưa nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, là một người nhiều năm viết về các vấn đề nóng và đáng trăn trở của các di tích lịch sử văn hóa cũng như các di sản văn hóa nói chung của chúng ta, anh nghĩ gì về công tác trùng tu tôn tạo di tích ở Việt Nam lâu nay?

Tại sao liên tiếp các vụ việc người yêu kính những giá trị cổ quý báu phải bất bình vì người ta đã "khoác áo mới" cho nhiều báu vật tổ tiên để lại? Bản chất của câu chuyện là gì và đâu là lối ra cho vấn đề?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng:

Quê tôi - Di tích Quốc gia làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) - nơi nổi tiếng cả nước vì "trùng điệp" mỗi bước chân chứa nhiều huyền thoại. Nơi được biết đến với cái "ấp" (làng) đã sinh ra hai vị vua/ "anh hùng dân tộc" vĩ đại: Phùng Hưng và Ngô Quyền.

Từ lúc tôi còn là một cậu bé và đến tận bây giờ, tôi cứ thấy buồn với các câu hỏi thế này: vì sao là di sản "làng Việt cổ" quý giá, mà người ta lại bảo vệ bằng cách mặc kệ cho người dân chặt không còn một bụi tre nào? Sao nhà tầng nhiều đến mức du khách đi qua làng rồi vẫn ngơ ngác hỏi "bác ơi cho cháu hỏi đã đến làng cổ chưa ạ"?

Vì sao cứ mỗi lần họ bỏ tiền trùng tu đình, chùa, miếu, thành cổ đá ong là dư luận lại ồn lên "xấu quá", "thế này thì khác gì gọt bỏ rêu phong cổ kính để xây mới", "thế này thì di tích vừa xuống cấp nhẹ người ta đã bỏ tiền tỷ để "chữa lợn lành thành lợn què".

Người dân không cho cán bộ "đụng" vào nhà thờ cổ kính của tổ tiên mình, dẫu các dự án "đầu tư tôn tạo" đều tiền tỷ. Họ tự tích cóp tiền và sang sửa, dẫu họ chẳng giàu có gì - vì sao?

Quá thất vọng và lo lắng, nhiều người dân ra chỗ người ta thi công sửa đình làng, họ gõ từng viên ngói non để thử, rồi vứt toẹt ra, "ngói mềm thế này lợp lên nhà Thánh thì chết à", "thay ngói khác đi bác thợ ơi". Sao trước khi lợp ngói lại xếp rất nhiều gạch chỉ lên trên nóc đình, thế này nó nặng thì vỡ gẫy hết dui mè gỗ à?

Hóa ra, để giảm giá thành và “chấm mút” được, không ít đơn vị thi công đã thuê thợ xây chuồng gà chuồng lợn đi sửa di tích quốc gia nghìn năm tuổi.

Họ không đủ tinh tế và khéo tay, họ không có Tâm để xây cái mái đình võng xuống như lối cổ, và khi đường cong "Mái đình làng Việt" bị lỗi hỏng, thì họ kê gạch chỉ vào, đổ keo con voi 502 gắn vá tạm bợ, hoặc họ dựng một ngôi đình lệch hẳn hướng khiến bà con phải mang thước thợ ra "vạch mặt sai phạm" rồi yêu cầu sửa chữa. Toét mắt là tại hướng đình/ cả lang toét mắt chứ mình gì em.

Hướng đình là cực kỳ quan trọng trong tâm thức bà con. Đấy là chưa kể, có những thứ văn hóa tinh tế hơn như thế này: thay vì sửa sang tu tạo những phần hỏng hay xuống cấp, để tăng khối lượng công việc, để được "tiêu tốn" (và chấm mút) nhiều tiền ngân khố quốc gia, người ta cứ nhất nhất giải phóng mặt bằng "rỡ trắng" di tích ra, dựng lại như mới. Cột gỗ lim chỉ rỗng ruột, họ lấy lý do thay tuốt.

Đình Chu Quyến tuyệt đẹp sau trùng tu. Dự án đã được giải thưởng quốc tế về trùng tu tôn tạo di tích.

Họa sỹ Thành Chương, chuyên gia bảo tồn lừng danh bảo: nếu chỉ rỗng ruột mà tìm cớ để thay bỏ cột lim cổ, thì 100% di tích cũ phải thay hết; trong khi cột đó còn vững và đẹp gấp trăm lần cột gỗ đểu mới thay vá vào.

Chưa hết, lúc leo lên thượng lương của đình thờ Thành Hoàng linh thiêng của làng cổ, các hiệp thợ đã mua thịt chó, mắm tôm về đánh chén ngay trong khu vực hậu cung. Đây là một điều tối kị. Thật choáng váng vì những kẻ vô văn hóa và lối quản lý "sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi" của không ít cán bộ tha hóa.

Từ các câu chuyện mắt thấy tai nghe, từ bức xúc của ông mình, bố mình rồi hàng vạn bà con mình, tôi nhận thấy nhiều tầng bất cập quá lớn của "nạn" trùng tu di tích hiện nay.

Bất cập lớn nhất là sự buông lỏng quản lý. Kẻ thiếu hiểu biết phá di tích vì sự nhiệt tình, kẻ ma lanh thì lập dự án trị giá nhiều tỷ đồng để “chấm mút”. Và dĩ nhiên, để “chấm mút” được thì họ phải khoác áo càng mới càng tốt cho di tích.

Thế là bước đi nghìn năm của cha ông, các sáng tạo muôn một và mong manh tinh tế của bao thế hệ người từng sinh sống trên dải đất thương yêu này bị xâm hại hoặc biến mất vĩnh viễn.

Tôi từng đến những ngôi đền, ngôi chùa, mà sau khi quay phim chụp ảnh xong, tôi đều buốt lòng nghĩ: đây có thể là những hình ảnh cuối cùng về giá trị tuyệt vời này. Hy vọng lời của mình sẽ không trở thành thứ "tiên tri" độc địa khi mà có thể ngay tuần sau đó, dự án nào đó sẽ được triển khai bằng cách "đập cổ kính xưa", tìm… lợi lộc.

Vừa nghĩ đến đó, máy quay vẫn đang chạy thun thún, thì thấy ông từ đền đầu râu tóc bạc, khăn xếp áo the xuất hiện, ông gãi đầu gãi tai xin nhà báo "gia tâm" công đức một chút cho nhà Thánh.

"Tuần này nữa, nếu có vài người tử tế như quý khách đây, thì chúng tôi sẽ có đủ 7 triệu đồng và sơn lại toàn bộ 50 pho tượng trong cả chùa và đền của thôn. Hoành phi câu đối cũng sơn lại bằng sơn Nhật Bản tất cho nó hoành tráng".

Đang nghĩ đến hai chữ tuyệt vọng, thì lại nghe tin ở đình nọ, bà con biểu quyết xây lại hẳn hai tầng cho Thánh ngồi nó mát mẻ sạch sẽ. Ốp kính vào cho mưa gió đỡ hắt. Mà ra đình sinh hoạt tự dưng lại rộng rãi hiện đại như… đang ở nhà. Người dân ít hiểu biết và "tiện nghi hóa" nơi thờ tự, bằng cách cứ có tiền là xây đắp, dựng lại, sang sửa một cách quá tùy tiện.

Nhưng với di tích cấp quốc gia và nhiều di sản quan trọng hơn thì cơ chế quản lý giám sát có chặt chẽ hơn. Khi ấy, để "phá" được thì họ phải lập đề án rất bài bản. Thường là mang danh nghĩa trùng tu tôn tạo, các cấp xét duyệt đường đi nước bước rất đúng luật, tiền rót về hàng chục tỷ đồng.

Vấn đề cực kỳ quan trọng ở đây là: toàn ban bệ, chức tước, phẩm hàm to tát cả, các công ty "tầm trung ương" bao sân cả. Chủ đầu tư thì có cả quan trứ danh của địa phương như Sở Văn hóa, UBND huyện, tỉnh. Vậy mà việc trùng tu tôn tạo di tích vẫn trùng trùng sai phạm.

Ví dụ đình ở Đường Lâm phải lát lại, chỉnh lại cả hướng đình, bà con kéo lên làm ầm ĩ vì mộng mẹo gỗ lim gắn bằng keo con voi. Đình cổ nhất Việt Nam ở Thụy Phiêu thì vừa trùng tu như mới xong đã nứt gãy khiến ông từ và bà con nổi đóa. Đình Quang Húc trùng tu xong, cột bị cưa cắt ghép ráp nối như thương binh toàn bộ, đến mức đình "làm mới" xong đã năm năm, mà bô lão vẫn đơn thư kiến nghị kêu ca ầm ĩ.

Thành cổ Sơn Tây bị phá tan phom cổng cổ rêu phong trùm xòa cây dại để đem bê tông cốt thép vào nhằm "phục dựng" tòa thành mấy trăm năm tuổi - y như cái hồi nó mới được khánh thành.

Họ còn lập dự án, đổ hóa chất vào tiêu diệt các cây cổ thụ mấy trăm năm tuổi cuồn cuộn như mãng xà cuốn quanh thành cổ. Cũng với các sai lầm kiểu đó, một công ty Trùng tu di tích của Bộ đã phạm sai lầm lớn khi trùng tu thành cổ Tuyên Quang. Tòa thành rêu phong, cây cổ thụ bám quanh gạch đá 400 năm tuổi tuyệt mỹ, bỗng chốc bị phá tan, rồi họ dựng lên các tường thành và khu cổng vòm mới tinh bằng đá ong.

Xung quanh mắc thêm ít đèn xanh đỏ, đóng vài cái cọc inox sáng choang để giăng lưới bảo vệ. Khoảng chục tỷ đồng tiền thuế của dân bị tiêu tốn sai lầm nghiêm trọng vào đó. Bài viết của tôi về vụ này, khi ấy, đã đoạt giải báo chí quốc gia với hàng tựa: "Biến di tích Quốc gia 400 năm tuổi thành… 1 ngày tuổi!".

Điều hết sức vô lý này sao nó vẫn diễn ra, mà lại diễn ra trên diện rộng? Bao nhiêu GS, TS rồi các chuyên gia văn hóa nói như rồng cuốn, lại là những người trực tiếp tư vấn cho liên tiếp nhiều xê-ri dự án tiền tỷ kiểu này, họ đã ở đâu? Họ ở đâu thì không biết nhưng sai phạm diễn ra thì ai cũng biết.

Sau khi báo chí đăng về các vụ bức tử thành cổ, phá nhiều hạng mục quý của chùa Trăm Gian nghìn năm tuổi, trùng tu sai cách gây tổn hại di tích ở Đền Và…, ngành di sản văn hóa đã có mặt xử lý, dừng thi công, sửa sai.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch từng dẫn đoàn đi kiểm tra và phê phán cụ thể đến từng cái mạch vữa ốp bờ tường đình cổ bị sai, từng đường chỉ gạch lát sân đình nó dài và đâm thẳng vào cửa thánh (điều tối kị ở mọi di tích) ra sao. Điều đó rất quý hóa. Nhưng thử hỏi tại sao các cái sai ngớ ngẩn kia vẫn lần lượt diễn ra?

Báo chí phê phán "vuốt đuôi" khi sự đã rồi thì phỏng có ích gì? Người dân đứng ở đâu khi báu vật của cha ông họ bị người nơi khác đem tiền thuế của chính lương dân ra để tàn phá?

Có một chi tiết bi hài thế này: để hoàn thiện hồ sơ một dự án "làm mới" di tích, người ta không thể bỏ qua thủ tục lấy ý kiến của bô lão địa phương.

Có khi bị phản đối, họ bèn mời 10 bô lão ủng hộ mình lên họp, phong bì để "Hội nghị Diên Hồng" biểu quyết. Nếu ai đó phản đối thì cuộc họp sau họ sẽ sàng lọc không mời vị bô lão đó nữa. Bao giờ ổn thỏa thủ tục thì mới thôi. Còn họ đi đêm với nhau thì có giời mới biết.

Chỉ biết rằng sau đó di sản bị tàn phá dưới dạng trùng tu. Đã có chuyện, ở Bình Định, trùng tu một tháp Chăm mà mấy cán bộ lãnh đạo Sở bị kỉ luật. Đã có chuyện, cán bộ xã huyện lao đao vì ứng xử tàn nhẫn và thiếu hiểu biết với di tích.

Những cột lim buộc phải thay thế cũng được trưng bày tại sập đình để người hành hương hiểu và thêm yêu di sản.

Nhưng, tiếc thay, chúng ta vẫn chưa xử nghiêm các "xấu xa" mang tính âm mưu trục lợi từ "làm mới di tích". Có những nhóm người chuyên áp phe để lập dự án, liên tục để giải ngân, để có việc làm và có “chấm mút”.

Tôi từng đi nhiều quốc gia thăm rất nhiều di sản nổi tiếng. Như ở Ăngkor Wat (Campuchia), người ta để nguyên tường thành khổng lồ nghìn năm tuổi với cây cổ thụ án ngữ một góc trời, cây tỏa rễ như mãng sà trên đó. Họ níu giữ những tòa thành, tường đá chênh vênh nguy hiểm, rồi tìm cách neo cho nó an toàn, và khai thác du lịch từ vẻ đẹp hoang phế ấy.

Siêu phẩm "Bí mật ngôi mộ cổ" ra đời từ vẻ đẹp sững sờ của di tích nguyên vẹn bước đi kỳ vĩ của thời gian như thế. Tại Trung Quốc, Italia, Pháp, Mỹ, họ đều bảo tồn di tích theo lối đó. Chứ không ai phá cây dại, cạo rêu phong, xây mới các công trình cổ xưa để nó trở về như thời vừa khánh thành cả.

Còn như chúng ta chỉ chăm chăm nâng cao khối lượng công việc, giải ngân càng nhiều tiền để "tư lợi" của nhóm lợi ích mà mình là thành viên… được cao hơn thôi? Thử hỏi, cơ quan quản lý đứng ở đâu, lương dân giám sát ở chỗ nào?

Quê tôi, di tích có nhiều cấu kiện cổ, đẹp tinh tế, độc nhất vô nhị, khi nhóm thợ xây bếp, xây nhà tắm đến trùng tu tôn tạo, bà con bèn giấu báu vật về nhà mình, bao giờ họ thi công xong thì mới đem ra trưng bày. "Chứ họ làm mới nốt thì chết!".

Bà con làm vậy rồi cùng nằm mơ, đến một ngày ai cũng biết trùng tu như kiểu chỗ ông kiến trúc sư Lê Thành Vinh, Viện Bảo tồn Di tích (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch).

Ông Vinh cùng cộng sự nhặt gạch ngói vỡ, tìm lại cột lim bị vứt bỏ để phục hồi Nhà tổ và Gác Trống cho di tích Chùa Trăm Gian (khởi dựng tự nghìn năm) sau khi nó bị nhà sư nọ tự ý bỏ tiền núi vào trùng tu "rỡ trắng".

Viện Bảo tồn Di tích cũng được giải thưởng lớn của Quốc tế, khi họ trùng tu ngôi đình đẹp nhất Việt Nam là đình Chu Quyến ở Ba Vì, Hà Nội.

Sau trùng tu, đình còn quyến rũ hơn xưa. Nét cổ giữ nguyên, cột lim rỗng thì đút lõi gỗ vào cho khỏi rỗng, rồi để nguyên nước thời gian tuyệt mỹ của cột cũ, dựng trả lại cho đình. Cột nào thay bỏ thì đặt nằm kiêu hãnh trên sập đình để bà con đến hành hương thưởng lãm chính "phế thải" đáng tự hào đó.

Các vệt sét đánh vỡ cột đình, các nét trạm khắc lừng danh của linh vật, cấu kiện đình Chu Quyến (từng được in trong sách giáo khoa) đều được bảo tồn nguyên trạng, mọi sự thay thế bổ khuyết được thể hiện rõ trên di tích, để người mãi mãi sau này vẫn phân biệt di tích gốc và những gia cố buộc phải có…

Tiếc thay, những điểm sáng như trên còn quá lép vế trước nạn bới tung di sản để tìm… tiền đang tràn lấn khắp nơi. Chúng ta phải làm gì bây giờ? Thú thật là tôi không biết phải trả lời thế nào trước câu hỏi này!

Đỗ Doãn Hoàng

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/28githang__-boi-tung-di-san-de-tim-tien-487288/