Bồi tranh - nghề của chữ tâm

Nghệ thuật thư pháp, thư họa cần thêm một công đoạn để tác phẩm trở nên hoàn thiện, ấy là chuyện bồi giấy cho tác phẩm dày thêm, bền bỉ cùng năm tháng. Theo chân những người Hoa đến vùng Chợ Lớn, nghề bồi tranh cho tới nay vẫn được duy trì như một môn nghệ thuật độc đáo.

Riêng trong khu vực Sài Gòn xưa - nay nói chung và Chợ Lớn nói riêng, thư pháp gia, họa gia có số lượng đông đảo với nhiều hoạt động triển lãm, giao lưu sôi nổi, và đồng hành cùng những thăng trầm ấy là nghề bồi tranh. Những con chữ, nét họa trên nền giấy tuyên (giấy xuyến chỉ) mang lại cảm giác thật mong manh, dễ bị ngoại vật tác động khiến tác phẩm có thể hư hại, công đoạn bồi giấy nhằm làm bền chắc để tác phẩm được bảo quản tốt hơn. Và một tấm tranh, một bức thư pháp khi được bồi giấy, có thể lưu truyền hết đời nọ đến đời kia mà không hề hư hỏng.

Theo lời chia sẻ của các thư pháp gia vùng Chợ Lớn, ngày trước khi luyện chữ, học vẽ tranh thủy mạc, thế hệ tiền bối thường dạy luôn học trò kỹ pháp bồi một bức tranh, để học trò tự tay thực hiện các công đoạn hoàn thiện một tác phẩm.

Vợ chồng họa sư Trương Lộ đang bồi tranh tại thư trai của mình

Vợ chồng họa sư Trương Lộ đang bồi tranh tại thư trai của mình

Qua thời gian, nghề bồi tranh mai một dần, hiện đã có máy móc thay thế việc bồi tranh theo lối thủ công, sử dụng keo dán chứ không phết hồ nấu như trước, tuy nhiên độ bền và giữ màu tranh theo thời gian thì chưa dám đoan chắc vì lớp keo thông thường khi qua thời gian và thay đổi nhiệt độ dễ ngả màu, làm thay đổi sắc độ của tranh.

Với người chơi tranh thủy mạc và thư pháp thâm niên, việc bồi tranh bằng phương pháp thủ công, dùng hồ nấu thành keo vẫn là cách thức được ưa chuộng và an toàn, bởi tranh khi đã vào hồ, nếu hư hỏng đều dễ dàng rã hồ ra, bồi lại thành một tấm tranh mới mà chất lượng, đường nét, màu sắc không đổi.

Trong vùng Chợ Lớn, những địa chỉ bồi tranh bằng phương pháp thủ công được giới chơi thư pháp, thư họa tín nhiệm hiện không quá đầu ngón tay, như địa chỉ họa sĩ Trịnh Huy - cũng là một thư pháp gia của Chợ Lớn, hay thư trai của họa sư Trương Lộ do đích thân phu nhân của ông thực hiện.

Để bồi một tấm tranh, đòi hỏi nhiều công đoạn gian nan. Tấm giấy tuyên được làm ẩm, ngậm nước hoàn toàn và khi các sớ giấy đã giãn lỏng, người bồi tranh bắt đầu dùng chổi bồi làm từ xơ dừa quét kỹ trên mặt sau với độ miết vừa đủ để các nếp nhăn của giấy giãn ra hết, phẳng lì. Công đoạn này là bước quan trọng trước khi vào hồ, bởi chỉ một chút lơ đễnh, tay miết mạnh, giấy rách là coi như hỏng. Khi tấm giấy đã không còn một gợn nhăn là đến lúc vào hồ.

Tấm thư pháp khổ lớn được trải lên mặt phẳng để tiện làm ẩm và loại đi các lớp bọt khí đọng lại

Cách pha chế hồ bồi tranh cũng là một công đoạn được rút tỉa từ kinh nghiệm, bởi hồ khi nấu phải luôn đảo đều tay cho bột chín đều, quậy gọn để không tích khí, ngậm bọt, nấu xong phải đợi hai - ba ngày cho hồ nguội, và đem pha loãng theo tỉ lệ thích hợp được tính theo độ dày của giấy, của các lớp bồi.

Chậu hồ khi pha có độ loãng như nước, tay để vào cũng không cảm được độ dính, chỉ có màu hồ hơi ngả trắng đục, đem quết đều hết lên mặt giấy và dùng một tấm giấy tuyên khác đặt lên trên, tiếp tục phun nước, lại miết hồ, lại xếp lên lớp giấy khác... Càng về sau, kỹ thuật tay của công đoạn quét chổi bồi càng phải kỹ lưỡng, nhanh gọn, lùa hết bọt khí để các tấm giấy quyện vào nhau thành một, nếu không làm kỹ công đoạn này tấm bồi bị tích bọt khí, sau này sẽ dễ bong tróc và không bền.

Có hai kiểu bồi tranh phổ biến là bồi thường, chỉ gồm các lớp giấy tuyên ghép lại, và bồi bo nhờ có thêm lớp lụa bao quanh. Tranh khi bồi xong vẫn còn ướt nguyên, được rút bớt nước bằng các lớp giấy thấm, sau đó đem căng lên mặt phẳng và hong khô từ vài ba ngày đến cả tuần để sớ giấy rút lại, cứng chắc nhưng cũng rất dẻo dai - tác phẩm khi ấy được coi là hoàn chỉnh.

Những thao tác trong nghề bồi tranh nghe qua khá đơn giản, không quá nặng nề vào các kỹ pháp phức tạp, thế nhưng để là một người bồi tranh giỏi, đòi hỏi cần có tâm với nghề.

Công đoạn làm ẩm và miết hồ lên mặt giấy xuyến chỉ trước khi bồi lên một lớp giấy mới

Hầu hết người theo nghề bồi tranh cũng đồng thời là họa sĩ, do vậy họ hiểu giá trị của từng bức tranh bồi, vừa có thể bồi tranh hoàn thiện, lại nắm rõ kỹ thuật, nên với những tranh cổ, người bồi kiêm luôn việc phục chế, vẽ lại các nét khuyết, chấm màu.

Nếu không có tâm, tác phẩm bồi lại sẽ không được như ý, hoặc có lòng tham thì tác phẩm rất dễ bị nhân bản bởi có những họa gia, thư gia vẽ trên giấy tuyên dày hai, ba, thậm chí là bốn lớp, khi cho tranh ngậm nước, giấy nhả ra, thợ bồi đem ghép lớp giấy thứ nhất vào lớp giấy thứ ba, lớp thứ hai vào thứ tư, vậy là từ một tác phẩm nguyên bản bỗng được nhân đôi. Tuy thần sắc nhạt phai, đường nét thiếu hồn, mực không đủ láng... nhưng lối phân biệt ấy không phải ai cũng có khả năng tường tận bởi suy cho cùng đấy vẫn là tranh thật, chữ thật.

Thêm một nét đặc biệt với những người bồi tranh: ngoài kỹ thuật giỏi, đạo đức tốt, yêu nghề, còn phải thể hiện qua tác phẩm nhận bồi sự công tâm. Bởi khách đem tranh - chữ đến bồi thuộc đủ giai tầng, có tuyệt phẩm nhưng cũng có tác phẩm non yếu, người bồi tranh phải xóa đi ranh giới đó, thực hiện các công đoạn bồi một cách cẩn trọng để đạt kết quả tốt nhất, không thiên vị bất kỳ một tác phẩm nào, có thế mới được người chơi tín nhiệm.

Thế nên, trong từng tác phẩm thư pháp, thủy mạc khi được bồi hoàn thiện, những nét bay bổng của họa sĩ, thư gia càng thêm thăng hoa nhờ những thợ bồi tranh uy tín và tâm huyết với nghề.

Hai loại chổi bồi được đan từ các sợi xơ dừa, có độ mềm vừa đủ để làm phẳng mặt giấy

Thợ bồi tranh cũng không khác gì những nghệ nhân, vừa có tầm lại có tâm, nhờ vậy nghề mới bền, và chỉ nhìn vào số lượng ít ỏi người bồi tranh bằng phương pháp thủ công còn lại vùng Chợ Lớn, hẳn sẽ hiểu thêm rằng bồi tranh là một nghề không dễ học và hành cùng năm tháng.

Bài và ảnh Nguyễn Đình

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/boi-tranh-nghe-cua-chu-tam-10243.html