Bồi thường sự cố môi trường biển tại Hà Tĩnh: Còn nhiều vướng mắc

Đến nay, việc kê khai bồi thường, hỗ trợ người dân do sự cố môi trường biển cơ bản hoàn thành, song vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ.

Với phương châm “Kịp thời, công bằng, đúng đối tượng”, thời gian qua công tác bồi thường, hỗ trợ người dân từ sự cố môi trường đang được các cấp, ngành ở tỉnh Hà Tĩnh tập trung thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã chi trả được 1022 tỷ đồng trong tổng số 1091 tỷ đồng đã được phê duyệt.

Ông Lê Đức Nhân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh cho rằng, chính sự quyết liệt của tỉnh, chính quyền cơ sở ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành đã giúp Hà Tĩnh cơ bản hoàn thành việc kê khai, bồi thường, hỗ trợ người dân, dù số đối tượng bị ảnh hưởng khá nhiều.

Hải sản tồn kho tại một số cơ sở chờ được bồi thường.

“Trong công tác đền bù, Hà Tĩnh hết sức quyết liệt, các cấp chính quyền địa phương thực hiện rất bài bản. Ngoài các văn bản của Trung ương, Hà Tĩnh còn ban hành một số văn bản để cụ thể hóa việc kê khai đền bù, chi trả. Tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định của tỉnh xuống tận cơ sở để thực hiện, hỗ trợ cán bộ địa phương”, ông Nhân cho biết.

Tại huyện Lộc Hà, việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cũng đang được chính quyền cơ sở tập trung xử lý. Ông Phan Văn Nhàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến đầu tháng 4/2017, huyện Lộc Hà đã chi trả đợt một cho hơn 5.700 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, với số tiền khoảng 150 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân huyện cũng đã chỉ đạo Hội đồng thẩm định của huyện rà soát, áp giá trình hội đồng thẩm định tỉnh bồi thường thiệt hại cho 8 cơ sở có hải sản tồn kho đã khai báo đầy đủ thông tin với gần 568.000 kg hải sản các loại.

Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ cho người dân ở một số địa phương tại Hà Tĩnh cho thấy còn có những vướng mắc cần được tháo gỡ.

Trong khi chờ tiền bồi thường, một số kho hải sản đã bốc mùi sau 1 năm bảo quản.

Đó là việc chưa thống nhất, phân biệt được thủy sản nuôi bị chết trong giai đoạn sự cố môi trường. Cụ thể, chết do ảnh hưởng trực tiếp của sự cố (nguồn nước biển ô nhiễm gây chết); chết vì dịch bệnh phát sinh do môi trường nước ô nhiễm… Hay việc chi trả tiền cho những người bị thiệt hại đang đi nước ngoài. Bởi theo quy định của Bộ Tài chính, “Việc chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại cho đối tượng được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản, hoặc thanh toán bằng tiền mặt. Khi thanh toán chi trả phải lập bảng kê có ký nhận của đối tượng được nhận tiền". Như vậy, việc chi trả phải thực hiện trực tiếp. Tuy nhiên, hiện nay, có những người bị thiệt hại đang đi lao động ở nước ngoài nên không thể thực hiện chi trả được.

Ông Lê Viết Huy, thôn Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hàcho biết: “Chúng tôi kiến nghị lên cấp trên làm thế nào khắc phục nhanh cho nhân dân, đặc biệt là các chủ kho lạnh, kho đông có cá khô, cá tươi cũng như sứa hiện nay đã bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng”.

Một vướng mắc nữa trong công tác đền bù là một số loại hải sản chưa có tên trong danh mục được bồi thường. Đặc biệt, việc kê khai, định giá tại các cơ sở thu mua thủy hải sản gặp khó khăn. Bởi theo quy định của các bộ, ngành Trung ương, việc kê khai phải có hóa đơn, chứng từ. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động mua bán của chủ cơ sở và ngư dân, chủ tàu thuyền thường là mua bán trao tay.

Bà Trần Thị Tuyết, chủ kho lạnh hải sản tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà cho biết: Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm các thủ tục để được hưởng đền bù. Lúc đầu cơ quan chức năng đòi hỏi phải có chứng từ mua bán nhưng chúng tôi phần lớn là mua bán thủy sản tại thuyền, rồi ghi chép vào sổ, chứ có lường trước được sự việc lại xảy ra thế này đâu mà chuẩn bị hóa đơn, chứng từ. Sau khi chúng tôi vất vả để có được chứng từ mua bán thì cơ quan chức năng lại đòi hỏi phải có địa chỉ và số chứng minh thư của người bán, việc này rất khó. Ví dụ tôi mua thủy sản của một người bán, nhưng đến nay, không tìm được họ, hoặc họ đã chết thì làm sao xin xác nhận được và làm sao biết được thông tin về họ”.

Trước thực tế về một số vướng mắc trong việc chi trả, bồi thường thiệt hại cho người dân, ngày 4/4 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi các bộ, ngành Trung ương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn này. Trong đó, nhấn mạnh việc thống nhất về khái niệm đối với thủy sản nuôi bị chết do ảnh hưởng của sự cố môi trường; Trường hợp người thân của hộ gia đình, cá nhân được hưởng tiền bồi thường được lập hồ sơ ủy quyền nhận tiền bồi thường thì đồng ý chi trả tiền cho người được ủy quyền…/.

Huy Nam - Văn Hải/VOV - Trung tâm tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/con-nhieu-vuong-mac-trong-boi-thuong-su-co-moi-truong-tai-ha-tinh-611072.vov