'Bội thực' ban quản lý, ban chỉ đạo tại địa phương: Phải cương quyết dẹp bỏ

Có một thực tế là hiện nay đang 'bội thực' các ban chỉ đạo, ban quản lý… tại các địa phương, vừa làm cồng kềnh bộ máy, vừa không hiệu quả. PV Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ về vấn đề này.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc. Ảnh: P.V

Quan điểm của ông như thế nào xung quanh việc rà soát, sắp xếp, cũng như giải thể các ban chỉ đạo hiện nay?

Đầu những năm 2000, ban chỉ đạo cải cách hành chính đã có đợt tổng rà soát tất cả các ban chỉ đạo, hội đồng xem xét, sau đó có quyết định giải tán hoặc sáp nhập, đã giải quyết được khoảng trên 50%. Trước có gần 200 ban chỉ đạo, sau khi giải tán hoặc sáp nhập, lúc đó chỉ còn có khoảng 80 cái nữa thôi. Nhưng đến nay, sau khoảng 15 năm thì các ban chỉ đạo, ban quản lý... lại phình ra, tính ra cũng phải 250 ban chỉ đạo các loại.

Thực ra đây là một cơ cấu phụ, không phải cơ chế quản trị nhà nước tốt. Vì trước đây, Chính phủ đã có thái độ rất kiên quyết là mỗi một việc có một bộ ngành quản lý nhà nước chịu trách nhiệm chính, còn việc phối hợp, hợp tác là chuyện đương nhiên trong quá trình chỉ đạo, quản trị đất nước của ngành, của lĩnh vực, mà các cơ quan khác không phải chịu trách nhiệm chính thì phải phối hợp để thực hiện. Như vậy mới có điều kiện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, và trách nhiệm của các bộ, ngành, các thành viên Chính phủ và của Chính phủ. Về nguyên tắc là như vậy.

Nguyên nhân nào dẫn tới “phình” các ban chỉ đạo như vậy?

Thực tế, có nhiều việc liên quan tới nhiều bộ, ngành. Vì vậy, con đường tốt nhất mà các bộ, ngành cảm thấy có thể đưa đẩy được đó là thành lập một hội đồng, một ban chỉ đạo để mà chia sẻ trách nhiệm.

Anh sợ trách nhiệm, không dám quyết nên phải lấy ý kiến tập thể, đặc biệt sợ trách nhiệm không chỉ chức năng nhiệm vụ của mình mà còn sợ trách nhiệm trước cấp trên, trước người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, khi người đứng đầu sở - ngành, quận - huyện được giao nhiệm vụ, sợ không hoàn thành nhiệm vụ nên cứ đề xuất thành lập ban chỉ đạo để xin ý kiến, lỡ có chuyện gì xảy ra thì “né” trách nhiệm cá nhân, đẩy trách nhiệm cho tập thể.

Tôi được biết, có nhiều ban chỉ đạo lập ra không có kế hoạch, chương trình; hoạt động theo kiểu “có cũng như không”; nhiều lãnh đạo không nhớ nổi đã đứng tên tham gia bao nhiêu ban chỉ đạo nữa.

Theo ông, để “dẹp loạn” được các ban chỉ đạo, cần phải làm gì?

Phải kiên quyết dẹp bỏ, trong đó, phải rà soát lại toàn bộ, cái gì đúng, hiệu quả thì chúng ta để lại, còn lại phải giải tán hoặc chuyển về cho bộ ngành chịu trách nhiệm chính và đưa thành một chế định, buộc các cơ quan được mời phối hợp, tham gia phối hợp và phải thực hiện như một chế định bắt buộc.

Theo tôi, trước hết là Chính phủ, thứ hai là về chỉ đạo của các cơ quan của Đảng phải ủng hộ quyết liệt việc này, thì mới có thể làm được.

Việc có các ban chỉ đạo cũng không phải làm tăng biên chế, vì vẫn lực lượng đó của bộ cử ra để làm bộ phận thường trực nhưng lại không có trách nhiệm.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần phải thay đổi một phương thức và lề lối làm việc có trách nhiệm. Hiện chúng ta đang “bội thực” các ban chỉ đạo, ban quản lý… tại các địa phương, vừa làm cồng kềnh bộ máy, vừa không hiệu quả. Do đó, cần cương quyết dẹp bỏ.

- Xin được cảm ơn ông!

Nguồn Bộ Nội Vụ: https://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/diem-tin/boi-thuc-ban-quan-ly-ban-chi-dao-tai-dia-phuong-phai-cuong-quyet-dep-bo-38593.html