Bới sông tìm vàng

Giữa lòng sông Tang khô cạn, thấp thoáng những bóng người đang lúi húi đào bới, cho đất, cát vào chiếc mâm thiếc rồi mang ra dòng nước để đãi cát tìm vàng với hy vọng kiếm thu nhập hàng ngày.

Đứng trên cầu sông Tang nối giữa xã Trà Phong và Trà Xinh (Trà Bồng) nhìn xuống dòng sông Tang ở phía dưới có thể nhìn thấy những người dân địa phương đang lúi húi đào, đãi vàng sa khoáng ngay dưới lòng sông với các dụng cụ thô sơ là chiếc cuốc, xà beng và chiếc mâm thiếc hình chóp nón.

Vàng sa khoáng nặng và thường nằm lẫn trong lớp đất, cát ở các hốc đá nên họ phải đào, nạy đá, xúc đất, cát này đưa vào mâm để mang ra mép nước giữa lòng sông để đãi thủ công. Họ chao qua chao lại chiếc mâm đầy đất đá dưới nước. Từng chút đất đá một được họ gạt ra, rồi lại chao nhiều lần để hy vọng có những cám vàng lắng lại bám vào đáy mâm.

Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực này có khoảng gần chục người ‘hành nghề’ đãi vàng. Cả một khu vực lởm chởm những chiếc hố lớn, nhỏ do bị người dân đào bới lấy đất.

Người dân mang những mâm đất ra dòng nước để đãi với hy vọng kiếm được vàng

Đang chao qua chao lại chiếc mâm thiếc khá thành thục, thấy có người lạ tiếp cận, ông Hồ Văn Say ở xã Trà Phong liền dừng công việc và liếc mắt nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét. “Tranh thủ nước sông xuống cạn, mấy ngày nay rảnh rỗi công việc trên rẫy nên tôi theo một số người dân trong làng ra đây để đãi vàng vì nghe đồn ở đây có nhiều vàng cám’- ông Say nói với chúng tôi với giọng ngập ngừng.

Khi được hỏi, tại sao chính quyền cấm mà vẫn ra đào, đãi vàng, ông Say cho hay: Biết là nhà nước cấm, nhưng mình lén ra đây đãi vàng với hy vọng kiếm ít tiền mua gạo, mua mắm cho mấy đứa con ở nhà, chứ ở nhà thì không có thu nhập.

Cần mẫn chao qua chao lại chiếc mâm đầy đất trong dòng nước để gạt lọc tìm những mẩu vàng cám li ti

Qua tìm hiểu của chúng tôi, những người ‘hành nghề’ đãi cát tìm vàng ở đây đều là người đồng bào Cor, cuộc sống khó khăn nên họ chọn công việc này. Dù biết cơ hội đãi được những hạt vàng bé li ti là rất hiếm nhưng nhiều người vẫn chấp nhận làm ngày qua ngày để mong có nguồn thu nhập.

“Ngày may lắm thì kiếm được 100- 200 nghìn đồng. Cũng có khi quần quật cả ngày nhưng chẳng được gì. Biết là may rủi nhưng ai cũng hy vọng sẽ kiếm được chút ít tiền trang trải cuộc sống”- bà Hồ Thị Nết chia sẻ.

Họ đào bới lớp đất đá tạo thành những hố sâu giữa lòng sông

Việc đãi vàng của người dân chủ yếu theo phương pháp thủ công, tuy nhiên, bờ bãi sông bị người dân đào bới nham nhở với nhiều hố sâu về lâu dài sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái và dòng chảy của con sông. Hơn nữa, việc nhiều người nghe tin đồn bỏ bê nương rẫy đi đãi vàng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của họ và tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần tuyên truyền vận động người dân hiểu và không đào, đãi vàng trái phép; đồng thời, tăng cường nắm bắt tình hình để xử lý các trường hợp cố tình vi phạm.

PV- CTV

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/202009/boi-song-tim-vang-3024593/