Bồi hồi nhớ tuổi thơ bình yên trong sách giáo khoa cũ

Hình minh họa trong sách giáo khoa cũ tái hiện thời chưa có làn sóng đô thị hóa. Cả một thế hệ xúc động khi nhìn lại tuổi thơ 'hương đồng, gió nội' của mình.

Ngày 29/3, diễn đàn có hơn 1,5 triệu người theo dõi đăng tải bộ ảnh chụp những trang sách giáo khoa môn Tiếng Việt cũ. Nhìn lại sau hàng chục năm, những trang sách cũ không chỉ là kiến thức. Chúng đã gợi lại kỷ niệm thân thương. Từ mạch nguồn ấy, nhiều người bất giác nhớ về thầy giáo cũ, đứa bạn tuổi thơ và con đường đi học.

Ngày 29/3, diễn đàn có hơn 1,5 triệu người theo dõi đăng tải bộ ảnh chụp những trang sách giáo khoa môn Tiếng Việt cũ. Nhìn lại sau hàng chục năm, những trang sách cũ không chỉ là kiến thức. Chúng đã gợi lại kỷ niệm thân thương. Từ mạch nguồn ấy, nhiều người bất giác nhớ về thầy giáo cũ, đứa bạn tuổi thơ và con đường đi học.

Xem lại bài học Làm việc nhà thật vui, chủ tài khoản Facebook Giang Sơn bồi hồi nhớ lại: "Trước đây, nhà nghèo không có bút nước, phải mang lọ mực đi theo, mực ra cả tay, mà lỡ có đoàn kiểm tra vở sạch chữ đẹp thì mài tay ra sân giếng nhà trường". Còn bạn đọc Minh Ngân thì giữ mãi kỷ niệm về mẹ: "Nhớ như in cảnh mẹ đang phơi thóc, mình về báo mất quyển sách. Sau đó, mẹ bắt đi bộ xuống trường tìm bằng được".

Trong ký ức của những cô cậu học sinh ngày ấy, đường đi học lúc nào cũng qua cánh đồng làng, trường thì lợp ngói đỏ, sân trường là nền đất chưa có bê tông. Tuổi học trò gắn liền hoa đồng nội và "mùa cây trái níu chân về...". Một thời còn đọng lại mãi trong lời hát: "Sáng nay em đi học sớm qua đồng lúa xanh xanh. Mẹ em nhanh nhanh tay cấy không chăng dây mà vẫn thẳng hàng".

Nhiều người tâm sự bây giờ đã trưởng thành, nhớ quá những người bạn, thầy cô xưa, nhớ lắm mái trường đan bằng phên, nhớ cái trống thủng... Sẽ không thể lấy lại những thời gian như vậy nữa.

Hình ảnh trong sách luôn gắn liền đời sống nông nghiệp, từ người mẹ ru con bằng võng đến bác đưa thư với chiếc xe đạp và mũ cối đội đầu.

Thời điểm ra đời của những bộ sách giáo khoa này, chưa có làn sóng công nghệ và đô thị hóa. Đó là những ngày trực nhật lấy nhọ nồi và cây chuối non đi sơn bảng, đập quả bàng khô ăn vì hồi đó đói mà không có tiền. Bố mẹ nghèo khó nên cũng không dám đòi mua gì.

Nội dung sách giáo khoa ngày ấy gần gũi với thiên nhiên và đời sống nông nghiệp. Các con vật cũng được nhân hóa như con người. Dù đã ngoài 40 tuổi, độc giả Văn Hoàng vẫn nhớ câu thơ trong sách: "Con trâu trắng dẫn đàn lên núi... Chiều trở về trong tiếng nghé ơ...".

"Tại sao khi xem những tấm hình sách cũ, tất cả đều chung hoài niệm?". Bạn Thu Huệ lý giải câu hỏi đó bằng dòng tâm sự: "Phải chăng đó là kết quả của tính chân, thiện, mỹ chứa đựng trong mỗi trang sách xưa đã được đón nhận một cách tự nhiên, nhẹ nhàng... Đến hôm nay, khi đã là cô giáo dạy văn, nhìn thấy cảnh quay cuồng ở mọi ngóc ngách của cuộc sống - kể cả ngay trên bục giảng, tôi luôn tự hỏi: Đâu rồi 'Anh chủ nhiệm'?, đâu rồi 'Bếp lửa'?, đâu rồi 'Mẹ ốm'...? Tôi đã lang thang đi tìm những trang sách xưa để chỉ muốn nói với học sinh một điều: Sách xưa dạy cô những điều chỉ đơn giản vậy đó, nhưng giá trị thì to lớn vô cùng".

Theo Ngọc Tân/Zing

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/boi-hoi-nho-tuoi-tho-binh-yen-trong-sach-giao-khoa-cu-1032526.html