Bồi hồi nhớ những Tết xưa

Trong ký ức của thế hệ 8X trở về trước, những cái Tết xưa thiếu thốn nhưng luôn đến trong niềm vui, sự háo hức của bọn trẻ.

Hai tập tản văn Tết xưa thơ béNhớ ơi là Tết đưa bạn đọc lớn tuổi về miền ký ức thân thương, những khoảnh khắc thiêng liêng không bao giờ trở lại. Còn với bạn đọc nhỏ tuổi, hai tác phẩm như câu chuyện kể của bà, của mẹ về những cái Tết xa xưa tràn đầy sự háo hức.

Tết xưa thơ bé của tác giả Hương Thị lấy bối cảnh một thị trấn nhỏ miền Bắc những năm 1980, với nhân vật chính là cô bé lắm chiêu, tinh nghịch. Ngày ấy, Tết đến gần sẽ mang theo bao nỗi lo toan của người lớn. Bà và mẹ đã phải chuẩn bị chăm chút từng tí sao cho mâm cỗ được đủ đầy, con trẻ được tấm áo mới.

Sách Tết xưa thơ bé.

Nhưng với những đứa trẻ, Tết luôn đến trong sự háo hức, niềm vui. Tết là dịp bọn trẻ được ăn no, nếm nhiều món ngon, được mặc quần áo đẹp, được lì xì làm của riêng. Bởi vậy, đứa trẻ nào cũng thấy Tết thật đặc biệt, thiêng liêng.

Nhân vật chính - cô bé Hương Thị - vừa lắm chiêu lại lật đật, gây ra bao “rắc rối” trong ngày đầu năm. Hết nói điều xui xẻo, cô bé lại gây ra đổ vỡ, rồi để bị đòi nợ đầu năm…

Với ngôn ngữ kể chuyện giản dị, Tết xưa thơ bé giống lời của một người mẹ kể lại cho đứa con thơ bé nghe về những ký ức Tết một thời chưa xa. Giọng văn lúc thủ thỉ tâm tình, khi dí dỏm làm nên sức hấp dẫn với độc giả nhỏ.

Nhớ ơi là Tết của Thái Hương Liên như một lời chỉ dẫn bạn đọc tới cái Tết của xứ Đoài. Xứ Đoài mây trắng là vùng đất êm đềm, cổ kính, nơi đó có những người nông dân mộc mạc, chất phác. Vùng đất ấy đi vào trang văn của Thái Hương Liên gắn với những cái Tết cổ truyền tuy còn thiếu thốn nhưng quá đỗi thân thương.

Sách Nhớ ơi là Tết.

Ở đó, tác giả như rưng rưng nhớ kỷ niệm xưa, khi những đứa trẻ được mua đôi dép đượm mùi nhựa mới thì lòng hân hoan phơi phới. Đó là tiếng cười vui vẻ khi bọn trẻ ủi thẳng bộ quần áo cũ bằng chiếc bàn là Con Gà dùng than, là mùa Tết nghe tiếng lợn kêu lúc trời chưa rạng.

Phong cảnh xứ Đoài đón Tết rộn ràng cũng được tác giả khắc họa. Trên cánh đồng, các cô các bà vừa lom khom cấy, vừa rôm rả câu chuyện sắm Tết. Khu chợ làng với những gian lều lúp xúp: góc này là hàng trầu cau, góc kia là khu hàng xén với gương, lược, kim, chỉ, bút, vở; ở góc kia là gian lều treo đầy áo quần rực rỡ; bên này là hàng quà bánh, bên kia bày bán chuối, bưởi vàng ươm. Đặc biệt là một góc chợ bán tranh Đông Hồ đầy sắc màu, hình ảnh sống động góp phần làm nên phong vị Tết.

Bằng tình yêu của người con sinh ra, lớn lên và gắn bó với xứ Đoài, Thái Hương Liên đưa độc giả đến thăm vùng đất ấy, thưởng lãm vẻ đẹp trầm lắng dấu tích thời gian, thưởng thức những món ăn đặc sản của quê hương, thấm đượm mùi đất đai đồng ruộng và đắm mình trong cõi yên bình của làng quê.

Y Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/boi-hoi-nho-nhung-tet-xua-post912654.html