Bồi dưỡng kỹ năng cho chiến sĩ trong vùng bão lũ

Thời gian qua, các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 2 liên tục xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân. Các đơn vị quân đội luôn thường trực, sẵn sàng cơ động giúp dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, để lại những tình cảm, ấn tượng tốt đẹp với người dân.

Vì vậy, việc tăng thời gian huấn luyện kỹ năng giải quyết tình huống là điều mà các chiến sĩ luôn mong muốn.

Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 dầm mình dưới dòng nước lũ cứu dân hay trần mình thu dọn đất đá tại thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái vừa qua sẽ còn in đậm trong tâm trí người dân nơi đây. Tuy nhiên, theo Binh nhất Trần Văn Hưng, chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316-người tham gia giúp dân tại bản Vẹm, xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ thì tham gia phòng, chống lụt bão (PCLB), khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất, các chiến sĩ không những vất vả, gian khổ mà còn nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, họ rất cần được huấn luyện bài bản công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất.

Chiến sĩ Sư đoàn 316 giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt tại Yên Bái.

Bên cạnh công tác giáo dục chính trị, pháp luật, huấn luyện quân sự, hậu cần, kỹ thuật thì chỉ huy các cấp nên quan tâm nhiều đến hướng dẫn, truyền đạt phương pháp, cách thức khi tham gia cứu nạn. Chỉ huy các cấp cũng cần nêu lên những tình huống có thật khi ứng cứu người dân trong tình trạng khẩn cấp; tạo điều kiện cho chính những chiến sĩ được chia sẻ kinh nghiệm qua từng đợt tham gia PCLB; thường xuyên trình chiếu băng đĩa, hình ảnh tư liệu về PCLB, tìm kiếm, cứu nạn trong các buổi sinh hoạt của đơn vị để anh em cùng xem và rút kinh nghiệm. Tổ chức tọa đàm, giao lưu, hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng trong xử lý tình huống đối với từng chiến sĩ.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, đến nay, các đơn vị đều chú trọng tổ chức huấn luyện bơi cho chiến sĩ. Tuy nhiên, thực tế, nhiều đồng chí mới chỉ biết bơi, mà chưa phải là bơi giỏi. Vì vậy, khi huấn luyện, các đơn vị cần lựa chọn những hình thức phù hợp, sát thực tế, như: Tập bơi ở những nơi có dòng nước chảy mạnh, tạo dòng chảy siết để chiến sĩ thích ứng với thực tiễn.

Trong công tác cứu hộ, cứu nạn đã vô vàn khó khăn, thử thách thì công tác khắc phục hậu quả hoặc phòng, chống thiên tai, sạt lở đất cũng luôn cần những chiến sĩ biết việc, thạo việc, từ những việc đơn giản nhất, như: Nhổ đinh, buộc lạt, lợp ngói... Mặt khác, khi điều động chiến sĩ tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai, chỉ huy các cấp cần chú ý xem xét đến yếu tố vùng miền để giao việc phù hợp. Trường hợp Binh nhất Trương Văn Dũng, chiến sĩ Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, quê ở thôn 6, xã Yên Thái, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái là một ví dụ. Khi có lệnh lên đường tham gia giúp dân bị thiệt hại do mưa lũ xảy ra tại Yên Bái, Trương Văn Dũng được điều động lên thị xã Nghĩa Lộ. Về đây, Dũng rất thông thạo địa hình, tập tục của bà con nên anh hoàn thành rất tốt các nhiệm vụ.

Trung tá Nguyễn Điệp Anh, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 cho biết: "Việc điều động, sử dụng chiến sĩ tham gia PCLB, tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai rất quan trọng. Vì vậy, chúng tôi căn cứ vào khả năng của từng chiến sĩ để phân công, giao nhiệm vụ, tránh chồng chéo. Đơn vị cũng thường xuyên tổ chức tốt bồi dưỡng, huấn luyện dã ngoại, ngoại khóa cho chiến sĩ một cách toàn diện, chú trọng kỹ năng xử lý tình huống và lễ tiết, tác phong quân nhân".

Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/boi-duong-ky-nang-cho-chien-si-trong-vung-bao-lu-522104