Bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho đội ngũ cán bộ

Thời gian qua, các chính sách dân tộc của Ðảng, Nhà nước đã phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống tại các địa phương, đời sống của đồng bào ngày càng khởi sắc. Kết quả nêu trên có vai trò không nhỏ của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc. Ðội ngũ này được chăm lo, đào tạo bồi dưỡng bài bản, từng bước phát huy được vai trò, trách nhiệm quan trọng trong việc triển khai, hướng dẫn người dân thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, nhất là trong công tác xóa đói, giảm nghèo.

Thời gian qua, các chính sách dân tộc của Ðảng, Nhà nước đã phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống tại các địa phương, đời sống của đồng bào ngày càng khởi sắc. Kết quả nêu trên có vai trò không nhỏ của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc. Ðội ngũ này được chăm lo, đào tạo bồi dưỡng bài bản, từng bước phát huy được vai trò, trách nhiệm quan trọng trong việc triển khai, hướng dẫn người dân thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, nhất là trong công tác xóa đói, giảm nghèo.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc mặc dù đã đạt chuẩn theo quy định nhưng vẫn còn những hạn chế. Trình độ, năng lực tổ chức quản lý, điều hành và thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức cả ở cấp tỉnh và huyện còn hạn chế, bất cập. Nhiều cán bộ ít quan tâm đến việc học tập lý luận, chuyên môn để nâng cao trình độ và năng lực công tác.

Từ khảo sát đánh giá đội ngũ cán bộ nêu trên, mới đây, TP Cần Thơ triển khai Ðề án "Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức năm 2020".Theo đó, thành phố sẽ tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc tập trung ít nhất 13 ngày trong năm 2020, hoàn thành 12 chuyên đề giảng dạy và 17 chuyên đề tham khảo. Nội dung chương trình tập trung vào các chuyên đề về kiến thức, văn hóa, tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc của Ðảng và Nhà nước.

Trên cơ sở những kinh nghiệm triển khai ở Cần Thơ, các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số cần có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức.Trong đó coi trọng nâng cao, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng sử dụng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn phù hợp, có kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn, quản lý và có năng lực, phương pháp sư phạm; xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng và báo cáo viên có kinh nghiệm, am hiểu về kiến thức dân tộc, chính sách dân tộc, công tác dân tộc và tiếng dân tộc thiểu số phục vụ cho công tác bồi dưỡng, đào tạo.

Ðồng thời, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chủ quản cần đề ra yêu cầu về ý thức tự học tập nâng cao trình độ và cập nhật kiến thức mới phục vụ nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc.

Có thể nói, đây là nhiệm vụ, giải pháp vừa có tính trước mắt và lâu dài nhằm tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương, vùng, miền cả nước nhằm phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Nguyễn Thành An

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/43808202-boi-duong-kien-thuc-dan-toc-cho-doi-ngu-can-bo.html