Bồi dưỡng đội ngũ - chiến lược dài hơi

Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc trong CTGDPT 2018 để giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất, tinh thần. Theo đó, cần tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thể chất đáp ứng yêu cầu đó.

Cô trò Trường Tiểu học Nậm Cắn I (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: Sỹ Điền

Cô trò Trường Tiểu học Nậm Cắn I (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: Sỹ Điền

Đổi mới phương pháp, hình thức bồi dưỡng

Hơn 13 năm là giáo viên thể chất, thầy Bùi Văn Hiếu – Trường THPT Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) chia sẻ: Chương trình môn Giáo dục thể chất có tính mở. Với học sinh THPT, các em có thể lựa chọn một môn thể thao để học trong năm học hoặc trong cả 3 năm. Để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của môn học và nhu cầu của học sinh, các cơ sở đào tạo giáo viên cần xây dựng chương trình, tài liệu giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Đồng thời, đánh giá công tác thực hành sư phạm của sinh viên, nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn Giáo dục thể chất. Mặt khác, cần thiết kế bài học minh họa theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh cho giáo viên phổ thông tham khảo, phân tích các hoạt động giảng dạy, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân.

Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng – Khoa Giáo dục thể chất (Trường ĐH Vinh), cần làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng (cả trực tiếp và online) cho đội ngũ giáo viên thể chất ở các trường phổ thông. Cùng với đó, đổi mới phương pháp, hình thức tập huấn, bồi dưỡng. Chẳng hạn như: Khi tập huấn trực tiếp, báo cáo viên có thể nêu vấn đề, sau đó học viên chia nhóm thảo luận theo hình thức: Cặp đôi, nhóm và tổng thể. Các học viên và nhóm có thể nhận xét, phản biện lẫn nhau. Báo cáo viên là người định hướng, điều hành thảo luận. Học viên báo cáo kết quả theo nhóm và nộp sản phẩm theo nhóm cho báo cáo viên. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch bồi dưỡng; xây dựng chính sách, chế độ động viên, khuyến khích giáo viên tham gia bồi dưỡng và tự bồi dưỡng.

Cho rằng, nhân tố quyết định thành công của Chương trình giáo dục phổ thông mới chính là đội ngũ giáo viên, TS Nguyễn Thị Hà – Khoa Giáo dục thể chất (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2) nhấn mạnh: Bồi dưỡng giáo viên là vấn đề cần được quan tâm và mang tính chiến lược. Bồi dưỡng giáo viên không chỉ để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, mà còn kết hợp với bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực người thầy theo chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng mà Bộ GD&ĐT đã ban hành. Nội dung chương trình bồi dưỡng tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá…

Giờ học thể dục của Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Yên Mỹ, Hưng Yên). Ảnh: Sỹ Điền

Hướng đến nâng cao năng lực nghề nghiệp

Theo TS Nguyễn Duy Quyết – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, môn Giáo dục thể chất được thiết kế nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Theo đó, giáo viên và cán bộ quản lý cần hiểu rõ mục đích, ý nghĩa cũng như yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới có phương pháp, cách thức triển khai phù hợp, hiệu quả.

Ngoài ra, giáo viên phải cập nhật những kiến thức về công nghệ thông tin. Trên cơ sở đó, thầy cô cần có khả năng tự học, khả năng nghiên cứu khoa học. Đồng thời có năng lực tổ chức sự kiện thể thao trong trường học, hiểu được nhiệm vụ, yêu cầu và nội dung phương pháp và nắm được trình tự các bước tiến hành tổ chức sự kiện thể thao.

Giáo viên phải được bồi dưỡng những kiến thức mới về phương pháp giảng dạy, đánh giá môn học Giáo dục thể chất theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực, phương pháp phát triển thể lực; diễn biến tâm lý, chức năng, cơ chế biến đổi tức thời và ảnh hưởng lâu dài, do tác động của luyện tập thể dục thể thao, quy luật hoạt động của các cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể học sinh theo lứa tuổi.

Ngoài ra, giáo viên cần có năng lực phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng tài năng thể thao trong hoạt động thể thao trường học, phương pháp giáo dục thể chất, thể thao trường học, có năng lực xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động câu lạc bộ thể dục, thể thao trong trường học cho học sinh.

TS Nguyễn Duy Quyết cho rằng: Chương trình đào tạo và bồi dưỡng giảng viên giáo dục thể chất phải thực sự có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Các nội dung môn học trong chương trình bồi dưỡng này bám sát Chương trình giáo dục phổ thông mới và thực trạng đội ngũ hiện nay.

“Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TP Hồ Chí Minh được Bộ GD&ĐT giao đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực giáo viên giáo dục thể chất; nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giáo dục thể chất, thể thao trường học; bồi dưỡng tài năng thể dục thể thao đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế của hệ thống giáo dục Việt Nam. Do đó, việc 2 trường này tham gia xây dựng chương trình bồi dưỡng sẽ bảo đảm tính khoa học, khả thi và có khả năng triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình giáo dục phổ thông mới” - TS Nguyễn Duy Quyết nói.

PGS.TS Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: Bồi dưỡng là quy luật tất yếu tạo nên quá trình phát triển năng lực của giáo viên. Bồi dưỡng phải hướng đến phát triển, nâng cao năng lực nghề nghiệp, nhất là với giáo viên dạy giáo dục thể chất. Vì thế, bồi dưỡng thường xuyên là một trong những phương thức tốt, giúp đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất nâng cao năng lực nghề nghiệp và chất lượng môn học này.

Theo TS Nguyễn Duy Quyết, toàn quốc có gần 76.000 giáo viên thể dục thể thao; trong đó giáo viên chuyên trách chiếm 74%, còn lại là bán chuyên trách. Mặc dù đội ngũ giáo viên ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, nhưng ở các trường phổ thông đội ngũ này vẫn còn thiếu. Ngoài ra, trình độ đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất không đồng đều, thậm chí là khập khiễng. Do đó, công tác bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên này càng trở nên cần thiết; qua đó giúp họ sẵn sàng bắt nhịp với Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/boi-duong-doi-ngu-chien-luoc-dai-hoi-lpMo71AMg.html