Bồi dưỡng công tác thủ quỹ cho viên chức kiêm nhiệm trong trường học

Bộ GD&ĐT vừa ban hành chương trình bồi dưỡng công tác thủ quỹ cho viên chức kiêm nhiệm trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Ảnh minh họa/internet.

Ảnh minh họa/internet.

Chương trình này dùng để bồi dưỡng cho viên chức kiêm nhiệm công tác thủ quỹ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt và cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Mục tiêu nhằm trang bị, cập nhật, bổ sung kiến thức và kỹ năng về công tác thủ quỹ cho viên chức được phân công kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ thủ quỹ trong các cơ sở giáo dục.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của viên chức kiêm nhiệm công tác thủ quỹ trong các cơ sở giáo dục, góp phần kiện toàn đội ngũ viên chức làm công tác hỗ trợ, phục vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động tài chính, kế toán trường học.

Chương trình bồi dưỡng gồm 8 học phần, thời lượng bồi dưỡng là 180 tiết (tương đương với 12 tín chỉ).

Cụ thể các học phần gồm: Tổng quan về đơn vị sự nghiệp giáo dục và hệ thống giáo dục quốc dân; Đại cương về công tác thủ quỹ trong các cơ sở giáo dục; Quản lý học phí trong các cơ sở giáo dục; Nghiệp vụ quản lý quỹ tiền mặt;

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thủ quỹ; Kỹ năng giao tiếp hành chính; Cập nhật kiến thức và văn bản mới; Thực hành và kiểm tra cuối khóa.

Các cơ sở được giao nhiệm vụ có thể lựa chọn hình thức bồi dưỡng tập trung hoặc hình thức bán tập trung.

Kết thúc mỗi học phần, học viên được đánh giá thông qua bài kiểm tra hoặc kết quả thảo luận nhóm hoặc kết quả thực tập tình huống. Hoạt động đánh giá này là nhằm xác định mức độ đạt được các mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, thái độ ở từng học phần của học viên.

Kết quả đánh giá mỗi học phần được chấm theo thang điểm 10. Học viên có kết quả đánh giá dưới 5 điểm thì không đạt yêu cầu và phải đánh giá lại. Học viên phải tích lũy đủ điểm đánh giá đạt yêu cầu ở tất cả các học phần mới được tham gia làm bài kiểm tra, thực hành cuối khóa.

Bài kiểm tra, thực hành cuối khóa được xây dựng dựa trên yêu cầu kiến thức kỹ năng và nghiệp vụ mà học viên phải đạt được. Bài kiểm tra, thực hành cuối khóa được chấm theo thang điểm 10. Học viên đạt từ điểm 5 trở lên thì được cấp chứng chỉ.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/boi-duong-cong-tac-thu-quy-cho-vien-chuc-kiem-nhiem-trong-truong-hoc-gIRpLTOMR.html