Bồi dưỡng các giá trị văn hóa cho thanh niên

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, tình hình trong nước và thế giới có nhiều tích cực, thuận lợi, nhưng cũng lắm thách thức, khó khăn.

Bên cạnh phần đông thanh niên có ý thức phấn đấu học tốt, giúp ích cho nước nhà, khẳng định được giá trị của mình, thì cũng còn một bộ phận thanh niên lãng phí tuổi xanh, sớm bỏ học, yếu kém về đạo đức, ham hưởng thụ, chơi bời, quậy phá, vi phạm pháp luật.

Theo nghiên cứu gần đây của Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tại 5 trường đại học ở Hà Nội, có tới 31% sinh viên chưa thực sự có khát vọng lập thân, lập nghiệp; 22% sinh viên chạy theo lối sống vị kỷ. Nhiều thanh niên thiếu kiến thức lịch sử dân tộc. Điều đó đặt ra vấn đề cấp bách là phải quan tâm giáo dục, bồi dưỡng các giá trị văn hóa cho thanh niên. Theo tôi, cần tập trung vào những nội dung sau:

Một là, hanh niên phải giàu lòng yêu nước, yêu nhân dân. “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” là điều đầu tiên trong “5 điều Bác Hồ dạy” thiếu niên, nhi đồng, nhưng cũng là lời dạy quý báu đối với thanh niên. Yêu nước, yêu nhân dân là bài học vỡ lòng nhưng nó theo suốt đời mọi công dân, trong đó có thanh niên. Người thanh niên yêu nước, yêu nhân dân mới là người biết sống tốt, sống đẹp, có ích cho gia đình, cho xã hội và làm vẻ vang cho dân tộc.

Hai là, thanh niên cần phải sống trung thực, có lòng tự trọng, biết bảo vệ và làm theo lẽ phải, đạo lý ở đời. Mỗi người trẻ cần coi trọng đức tính trung thực, tự trọng trong học tập, công tác và trong đời sống hằng ngày; không dối mình, dối người. Trước cái xấu, cái ác, thanh niên phải có dũng khí phê phán. Trước cái tốt, cái đẹp, thanh niên phải biết bảo vệ và noi theo. Thanh niên phải là lớp người biết sáng tạo và thưởng thức văn hóa nghệ thuật một cách lành mạnh, trong sáng.

Ba là, thanh niên phải là người tiên phong tôn trọng pháp luật, tham gia giữ gìn trật tự-an toàn xã hội và thực hiện tốt văn hóa giao thông. Thực hiện hiệu quả nội dung này là góp phần thiết thực đẩy lùi tình trạng một bộ phận thanh niên sa vào lối sống tự do, buông thả, đua đòi, quậy phá. Vì lối sống này ảnh hưởng rất xấu đến giá trị của thanh niên và giá trị con người Việt Nam; gây bức xúc, lo ngại cho xã hội và ảnh hưởng xấu đến cả quốc thể.

Bốn là, thanh niên cần ứng xử có văn hóa trong các mối quan hệ giao tiếp xã hội và với môi trường sinh thái. Ngày nay, đức tính khiêm nhường, lịch thiệp, đúng mực trong các quan hệ xã hội và giao tiếp quốc tế phải trở thành lối sống cao đẹp của các bạn trẻ. Biết giữ gìn cảnh quan, môi trường xanh-sạch-đẹp cũng là một hành vi văn hóa đáng quý. Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ tuy chưa có gì hơn người nhưng lại ngộ nhận về mình theo kiểu tự “tô hồng” rồi sinh ra khệnh khạng, kiểu cách. Đó là điều đáng chê trách, khiến cho họ khó tiến bộ, bị tập thể xa lánh, xã hội thiếu thiện cảm.

Các giá trị văn hóa trong thanh niên chính là lý tưởng và lối sống tốt đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam. Những nội dung ấy không phải là những yêu cầu quá cao đối với thanh niên. Vì vậy, việc giáo dục, bồi dưỡng và làm giàu các giá trị văn hóa cho thanh niên-những con yêu của giống nòi, sẽ góp phần xây dựng lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng vừa “hồng” vừa “chuyên” như Bác Hồ hằng mong muốn. Trách nhiệm này không chỉ là của nhà trường, đoàn thanh niên, hội sinh viên, mà cần có sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội.

ĐÀO NGỌC ĐỆ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/boi-duong-cac-gia-tri-van-hoa-cho-thanh-nien-544757