Bồi đắp những giá trị mới

Văn học, lịch sử và các tích truyện dân gian lâu nay vẫn luôn là nguồn đề tài phong phú được sân khấu chắt lọc, làm mới trên nhiều phương diện tạo sự độc đáo, cuốn hút người xem. Khi được sân khấu hóa, dòng chất liệu này đã góp phần lan tỏa dấu ấn văn hóa, bồi đắp thêm những giá trị mới trong đời sống xã hội.

Những tích truyện cổ dân gian Việt Nam về Mỵ Châu - Trọng Thủy, Trương Chi - Mị Nương, Chử Đồng Tử - Tiên Dung...; hay những tác phẩm văn học nổi tiếng theo suốt cuộc đời mỗi người như Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài... gần đây đã đi vào đời sống sân khấu một cách tự nhiên, gần gũi. Thông qua việc mở ra một không gian mới cho những điều thân thuộc, xưa cũ, các câu chuyện, nhân vật đã được biến ảo, mang hơi thở của đời sống thực tại nên có sức hút riêng.

Bằng lao động nghệ thuật nghiêm túc và không ngừng sáng tạo, các nhà đạo diễn sân khấu đã tìm ra cái “động” mới trong cái “tĩnh” cũ đang “ngủ sâu” trong các tác phẩm văn học, lịch sử và những tích truyện cổ. Đó là việc khai thác cái mới lồng ghép với cái cũ; dùng nhiều hình thức nghệ thuật cùng tương tác trong một bối cảnh, như: Kịch nói, múa rối, hay thủ pháp sân khấu lồng sân khấu; hay trong một vở diễn sân khấu, các thể loại nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, cải lương, quan họ…) được đan xen với nhạc rap, nhảy hiện đại…, từ đó mang đến sự hứng thú cho khán giả. Điều này được minh chứng khá rõ nét qua những vở diễn gần đây, như: “Dế Mèn” (do sân khấu Lệ Ngọc thực hiện); “Trương Chi - Mị Nương” (của Nhà hát Kịch Hà Nội)… đã thu hút sự chú ý lớn của công chúng Thủ đô.

Sự thành công của những vở diễn này đã minh chứng một điều, các tác phẩm văn học nổi tiếng, các tích truyện dân gian hay những câu chuyện lịch sử luôn có sức sống mãnh liệt. Nếu được khai thác đúng mạch, đây sẽ vẫn là những đề tài bất tận để sân khấu sáng đèn. Song, để vượt qua được “cái bóng” của các tác phẩm kinh điển quả là thử thách không dễ dàng.

Do đó, để nối dài đời sống cho tác phẩm văn học, dân gian, lịch sử trong các vở diễn sân khấu, điều cần nhất có lẽ là sự lao động nghiêm túc, tâm huyết, miệt mài của những người làm nghệ thuật, để có thể tìm tòi, sáng tạo, khám phá ra những điều mới mẻ, khác biệt. Đồng thời với đó là việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trình diễn hiện đại giúp sân khấu hóa một cách sinh động những điều xưa cũ đã “nằm lòng” trong suy nghĩ của nhiều người, nhằm khơi tiếp được mạch chảy mới đối với khán giả.

Để cảm hứng từ kho tàng này trở thành chất liệu cho sân khấu, các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ phải đặt tác phẩm trong đời sống đương đại, phù hợp với thị hiếu người xem, chạm được đến cảm xúc của đông đảo công chúng. Vì được “chưng cất” trên những chất liệu cũ nên việc dàn dựng các vở diễn phải tìm ra được những điều bất ngờ, thú vị mới nhưng vẫn tuân thủ nguyên tắc tôn trọng những giá trị căn cốt đã được xã hội công nhận, xác lập; không làm biến dạng tác phẩm gốc.

Những vở diễn được khai thác từ vốn quý của văn học, lịch sử, dân gian luôn mang đến một vẻ đẹp rất riêng bởi chứa đựng tính thẩm mỹ - giáo dục cao, có hiệu ứng tốt trong đời sống xã hội. Vậy nên, các đơn vị nghệ thuật cần triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông, quảng bá nhằm thu hút khán giả.

Khi đó, sân khấu không chỉ giúp nuôi sống các đơn vị hoạt động nghệ thuật, mà sâu xa hơn còn góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, lan tỏa nét đẹp nhân văn, bồi đắp những giá trị mới cho đời sống đương đại.

Thiện Mỹ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/996020/boi-dap-nhung-gia-tri-moi