Bội chi ngân sách địa phương giảm 12.500 tỷ đồng

Chiều 21-10, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2019 ước bằng 3,4%GDP, nợ công bằng 56,1%GDP, nợ Chính phủ bằng 49,2%GDP và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 45,8%GDP, đều giảm so với dự toán. Bội chi ngân sách địa phương giảm 12.500 tỷ đồng so với dự toán Quốc hội quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020

Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày đánh giá: Trong thời kỳ ổn định ngân sách, 16 tỉnh, thành phố đã tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Ngân sách Trung ương đều có bước phát triển ổn định, một số địa phương khác cũng có số thu tăng cao, có thể phấn đấu cân đối được ngân sách trong thời kỳ ổn định tiếp theo.

Liên quan đến thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội cho rằng, từ nay đến cuối năm, Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu để tăng thu và đẩy mạnh việc truy thu trong lĩnh vực này.

“Theo đó Chính phủ cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế sau hoàn thuế, sau thông quan, xác định số hoàn thuế GTGT cho phù hợp; quyết liệt hơn trong việc đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế xuất nhập khẩu nhằm phấn đấu vượt thu cao hơn so với số dự ước” - Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội đề nghị

Đối với chi đầu tư phát triển (ĐTPT) vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: tình trạng chậm giao vốn, giao nhiều đợt và chậm điều chỉnh vốn ĐTPT, trong đó có vốn ODA vẫn chưa được khắc phục. Thủ tục giao vốn vẫn còn phức tạp, chưa xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, khiến nhiều dự án quan trọng tác động đến phát triển kinh tế - xã hội chậm được triển khai, bị dở dang, chuyển tiếp kéo dài; Vốn ĐTPT tiếp tục giải ngân rất chậm.

Tỷ lệ giải ngân đến nay mới chỉ đạt 49,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tình trạng chuyển nguồn vẫn còn lớn, đặc biệt là có một số vướng mắc về phạm vi chuyển nguồn đối với một số khoản chi sự nghiệp kinh tế có tính chất chi đầu tư theo Luật ngân sách Nhà nước về nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương…

Về dự kiến cho năm 2020, Chính phủ xây dựng tổng dự toán thu Ngân sách Nhà nước tăng 3,8% so với ước thực hiện năm 2019. Ủy ban Tài chính ngân sách cơ bản đồng ý với đề xuất của Chính phủ, tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi sát tình hình, đánh giá tác động các khoản tăng thu và giảm thu ngân sách Nhà nước trong năm 2020 để phấn đấu tăng thu ở mức cao hơn (khoảng 4-4,5%), tập trung các biện pháp để phấn đấu thu ngân sách Nhà nước cao hơn so với mục tiêu đề ra của cả giai đoạn.

Về dự toán thu nội địa 2020, Chính phủ lập dự toán tăng 12,5% so với ước thực hiện năm 2019, chiếm 83,6% tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước. Tỷ trọng thu nội địa không đạt chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra (khoảng 84 - 85% tổng thu ngân sách Nhà nước). Ngoài ra, tỷ lệ huy động GDP thông qua thuế, phí vào NSNN bốn năm qua cũng không đạt dự kiến khoảng 21%GDP. Song, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn về khả năng phấn đấu đạt các mục tiêu này.

NHÓM PHÓNG VIÊN, ẢNH: CHƯƠNG LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/41972302-boi-chi-ngan-sach-dia-phuong-giam-12-500-ty-dong.html