Bối cảnh trường quay 'Tây du ký 1986' thay đổi thế nào sau hơn 30 năm?

Sau hơn 30 năm, những địa điểm từng được dùng làm bối cảnh phim Tây du ký bản 1986 hầu như không khác mấy so với ngày xưa.

“Tây du ký” bản 1986 là một trong những bộ phim truyền hình hiếm hoi vẫn giữ nguyên sức hút dù hơn ba thập kỷ trôi qua. Đến nay, phim và những con người gắn bó với phim vẫn nhận được tình cảm yêu mến của đông đảo khán giả.

Mới đây, trên mạng xã hội Weibo cá nhân, ông Vương Sùng Thu (76 tuổi), nhà quay phim “Tây du ký” và cũng là chồng của cố đạo diễn Dương Khiết, đã chia sẻ loạt hình ảnh “ngày ấy – bây giờ” tại những địa điểm được sử dụng làm bối cảnh cho tác phẩm kinh điển này.

Đáng nói, bộ ảnh do một người hâm mộ nữ thực hiện. Cũng như đoàn làm phim năm xưa, fan nữ này đã đến nhiều địa danh trên khắp đất nước, tìm kiếm và chụp lại chính xác hoặc gần nhất với những nơi xuất hiện trong phim.

Ông Vương Sùng Thu chia sẻ, khi ông hỏi lý do thực hiện bộ ảnh, fan nữ tiết lộ, muốn được đi qua những nơi bà Dương Khiết từng đi như một cách thể hiện sự kính trọng đối với nữ đạo diễn quá cố.

“Có thể thấy qua những bức ảnh, cảnh vật không thay đổi nhiều sau hơn 30 năm”, ông Vương Sùng Thu nhận xét.

Được biết, phim Tây du ký quay ngoại cảnh xuyên suốt Trung Quốc từ Bắc chí Nam: Bắc Kinh, Hồ Nam, Sơn Đông, Tam Hiệp, Tứ Xuyên, Dương Châu, Thổ Lỗ Phồn - Hỏa Diệm Sơn- Tân Cương, Nội Mông, Quảng Châu, Hàng Châu, Giang Tô, Phúc Kiến, Hà Bắc, Vân Nam... và còn sang tận Thái Lan ghi hình. Lúc bấy giờ, một bộ phim ra nước ngoài quay ngoại cảnh được xem là sự kiện đình đám trong giới làm phim.Ông Vương Sùng Thu và bà Dương Khiết kết hôn vào năm 1969. Cuộc hôn nhân từng gây nhiều bàn tán vì ông Vương thua vợ đến 14 tuổi. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng nhiều đến tình cảm của họ. Năm 2017, đạo diễn Dương Khiết qua đời, ông Vương tập trung vào việc viết sách, thỉnh thoảng nhận lời diễn giảng về nghề quay phim tại các trường nghệ thuật.

Ông cho biết, cảnh quay ở Bắc Kinh không nhiều, chủ yếu tập trung ở đền chùa, vườn bách thảo, Thất Vương Phần và một số nơi khác.

Theo ghi chú của ông Vương Sùng Thu, đây là bối cảnh trong tập phim "Đấu phép hạ tam quái". Đoàn làm phim quay tập phim này tại chùa Giới Đài (Bắc Kinh).

Một số vị trí khác của chùa Giới Đài xuất hiện trong phim.

Bối cảnh trong phân đoạn vua Đường tiễn Đường Huyền Trang lên đường đi thỉnh kinh.

Đoàn làm phim quay cảnh này tại Lăng Thanh Tây của tỉnh Hà Bắc.

Một cảnh trong phần hai của "Tây du ký". Kiến trúc ở trên núi là Chiêu Dương Các thuộc Phổ Đà Sơn, Chiết Giang.

Trong tập "Thỉnh kinh Nữ Nhi quốc", cảnh Tây Lương nữ vương tiễn biệt Đường Tăng được quay tại vườn bách thảo ở Hàng Châu.

Ông Vương cho biết, tập phim này được quay ở nhiều nơi ở Tô Châu, Hàng Châu và Thiệu Hưng.

Chùa Thiên Đồng (Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang) được sử dụng làm bối cảnh trong tập phim Tôn Ngộ Không bị giam cầm ở Ngũ Hành Sơn..

"30 năm đã trôi qua, và từ bức ảnh, không khí trang nghiêm và linh thiêng vẫn như năm nào", ông Vương bồi hồi nhớ lại.

Các cảnh quay khác tại chùa Giới Đài.

Nguồn: Theo Tú Oanh/Tiền phong

Nguồn Khỏe Plus: https://khoeplus24h.vn/van-hoa/boi-canh-truong-quay-tay-du-ky-1986-thay-doi-the-nao-sau-hon-30-nam-d396296.html