Boeing và 2 cuộc khủng hoảng cần giải quyết

Sau một tuần lễ đầy những biến động, hãng chế tạo máy bay hàng đầu thế giới Boeing hiện đang ở một vị trí bế tắc khi phải đường đầu với 2 cuộc khủng hoảng liên tiếp trong khi vẫn chưa đưa ra được đường lối cụ thể để thoát khỏi vị trí này trong thời gian tới.

Thảm kịch hàng không khiến 157 người thiệt mạng ở Ethiopia hôm Chủ nhật tuần trước đã làm dấy lên làn sóng cấm mẫu máy bay Boeing 737 MAX trên toàn thế giới. Đây được xem là mẫu máy bay có vai trò quan trọng bậc nhất đối với Boeing, mang lại lợi nhuận không hề nhỏ cho họ. Giờ đây Boeing phải tính toán làm sao để sửa chữa lỗi kỹ thuật của mẫu này và sửa chữa cả danh tiếng đã bị sứt mẻ của họ. “Đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, không chỉ là về nguồn doanh thu... mà nó là về danh tiếng và sự uy tín - Jim Corridore, Giám đốc mảng tài sản thuộc Hãng nghiên cứu CFRA, nhận định - “Họ cần phải sửa chữa ngay vấn đề này, muộn còn hơn là không”.

Mẫu máy bay 737 MAX hiện đang là sản phẩm quan trọng đối với Hãng Boeing. Tổng lượng đặt hàng mẫu máy bay này tính đến nay là khoảng 5.000 chiếc, mang về cho Boeing khoản lợi nhuận đủ để trang trải chi phí hoạt động cho nhiều năm nữa. Thế nhưng không chiếc nào trong số 371 chiếc đã được chuyển cho khách hàng hiện nay còn có thể vận hành nữa, bởi còn chờ các cơ quan hàng không nhiều nước quyết định xem chúng có an toàn hay không.

Trong suốt nhiều ngày qua, Boeing đã bỏ ra nhiều thời gian, nỗ lực để thuyết phục thế giới rằng máy bay của họ an toàn. Nhưng đến khoảng thời gian cuối tuần, họ bắt đầu thừa nhận rằng nên cấm mẫu máy bay này do “có nhiều cảnh báo được đưa ra, và với lý do đảm bảo an toàn bay của người dân”.

Tìm nguyên nhân rơi máy bay

Nguyên nhân khiến cho chuyến bay của hãng Hàng không Ethiopia Airlines gặp tai nạn thảm khốc hôm Chủ nhật tuần trước đến nay chưa được làm rõ. Nhưng vụ việc này được giới chuyên gia đánh giá là có nhiều điểm tương đồng với vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng cũng liên quan tới mẫu 737 MAX của hãng Lion Air hồi tháng 10 năm ngoái ở Indonesia, khiến toàn bộ người trên khoang thiệt mạng.

Một bản kết quả điều tra sơ bộ chỉ ra rằng, các phi công của Lion Air đã chật vật điều khiển máy bay trước khi gặp nạn. Theo đó, một hệ thống đo đạc an toàn tự động đã khiến cho phần mũi của máy bay chúc xuống đất, bởi hệ thống này hiểu nhầm rằng máy bay đang gặp nguy hiểm vì mất độ cao.

Cơ quan Hàng không Dân dụng liên bang Mỹ (FAA) hôm thứ Tư tuần này nói rằng, quyết định cấm mẫu Boeing 737 MAX của họ là điều dễ hiểu, bởi dữ liệu mới về chuyến bay của hãng Ethiopia Airlines gặp nạn mới đây cũng rất giống với chuyến bay gặp nạn của Lion Air.

Boeing và FAA đều khẳng định rằng, bằng việc cải thiện các khóa huấn luyện, các phi công lái mẫu máy bay trên có thể vượt qua được bất kỳ khó khăn nào với hệ thống an toàn lắp đặt trên đó, và các mẫu máy bay vẫn có thể vận hành ngay trong lúc mà một phần mềm đang được nâng cấp. Được biết, việc nâng cấp phần mềm này sẽ được hoàn tất trong tháng tới.

Nhưng trong bối cảnh hàng loạt cơ quan hàng không các nước trên thế giới lần lượt ra lệnh cấm mẫu 737 MAX, cả Boeing và FAA đều chịu sức ép phải hành động nhanh chóng.

Sửa lỗi thế nào?

Phần lớn các chuyên gia hàng không đều tin rằng nâng cấp phần mềm dù cần thiết nhưng cũng không thể xua tan nỗi quan ngại của cơ quan hàng không thuộc nhiều nước trên thế giới.

“Công nghệ luôn là vấn đề gây đau đầu, và dù có khắc phục được thì nó cũng không có mấy tác dụng. Tổn thất về mặt uy tín mới chính là vấn đề ở đây” - Richard Aboulafia, Giám đốc phân tích thuộc Hãng Teal Group, nhận định.

Một vấn đề không rõ ràng nữa là không biết cơ quan hàng không các nước sẽ cấm mẫu máy bay Boeing 737 MAX đến khi nào. “Nhưng theo chúng tôi dự đoán thì sẽ là nhiều tháng nữa” - Cai Von Rumohr, chuyên gia phân tích hàng không thuộc Hãng Cowen, nhận định.

Những cuộc khủng hoảng của Boeing

Ông Aboulafia nhận định rằng, hãng Boeing trước đây đã từng phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, chứ không phải đến nay mới gặp.

Được biết, sự sụt giảm nghiêm trọng lượng khách di chuyển bằng đường không do ảnh hưởng từ sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 được xem là mối đe dọa lớn nhất từ trước đến nay đối với hãng Boeing, bởi lúc đó không ai biết rõ đến khi nào tâm lý người dân mới ổn định trở lại. Vào thời điểm bấy giờ, mọi hãng hàng không của nước Mỹ đều cần tới khoản tiền hỗ trợ của Chính phủ mới có thể sống sót.

Ngoài ra, vào năm 2013, Boeing cũng đối diện với một thách thức lớn khi vấn đề pin lithium phát nổ trên máy bay đã khiến cho mẫu máy bay 787 Dreamliner của họ bị cấm trong vòng 3 tháng liền.

“Và ở thời điểm hiện tại, chúng ta đã chứng kiến 2 thảm kịch hàng không liên quan tới Boeing 737 MAX, với tổng số hơn 300 người chết” - ông Aboulafia nói - “Nhưng đối với Boeing, vụ bê bối của mẫu Dreamliner dường như đáng sợ hơn, bởi họ không biết làm thế nào để sửa chữa nó, và không rõ về những hậu quả của việc không sửa chữa”.

Phản ứng sợ hãi của khách hàng

Thông tin về thảm kịch hàng không mới nhất đã khiến cho một cộng đồng không nhỏ hành khách hoảng sợ và tránh việc phải bay trên một chiếc 737 MAX của Boeing. Kayak - một chuyên trang đặt vé đi du lịch - thậm chí còn bổ sung thêm một tiện ích giúp khách hàng của họ xem trước mẫu máy bay mà họ sẽ được lên. Hiện không rõ đến khi nào thì tâm lý sợ hãi của hành khách mới nguôi ngoai, ngay cả khi mẫu Boeing 737 MAX được phép hoạt động trở lại.

Ông Von Rumohr cho hay, một mẫu máy bay khác của Boeing là 727 cũng từng dính vào 4 vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng xảy ra chỉ trong vòng 7 tháng - trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1966, ngay sau khi nó chính thức đi vào hoạt động. Nhưng vấn đề lúc đó là việc huấn luyện phi công chứ không phải vấn đề kỹ thuật. Các phi công được cho là không quen điều khiển mẫu máy bay này.

“Lúc bấy giờ, ai cũng nghĩ rằng Boeing không thể nào ngóc dậy nổi sau sự việc dó. Các hãng du lịch thậm chí còn tuyên bố sẽ sử dụng bất kỳ loại máy bay nào, chỉ trừ Boeing 727. Thế nhưng, danh tiếng của Boeing 727 sau đó vẫn được phục hồi và trở thành một trong những mẫu máy bay thành công nhất của Boeing” - ông Von Rumohr nói.

Đủ tiền để “vượt cạn”

Hiện nay, Boeing cũng đang có sức khỏe tài chính mạnh nhất trong lịch sử hoạt động của mình, đủ để vượt qua được sóng gió lần này.

Trước mắt, Boeing dự kiến sẽ phải chi tiền đền bù cho các hãng hàng không có sở hữu mẫu máy bay 737 MAX của họ. Mới đây, Giám đốc điều hành hãng hàng không của Na Uy đã tuyên bố sẽ gửi hóa đơn đến đòi Boeing bồi thường vì khiến họ thất thoát doanh thu. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, khoản tiền mà Boeing sẽ phải chi cùng lắm sẽ chỉ lên tới vài trăm triệu USD, chứ không lên tới mức hàng tỷ USD.

Một tin đáng mừng hơn đối với Boeing trong bối cảnh hiện nay là, họ đang ở một vị thế mạnh mẽ trong một thị trường cũng mạnh mẽ. Hiện chỉ có 2 nhà sản xuất máy bay lớn - Boeing và Airbus - là có đủ khả năng cung cấp máy bay thương mại cỡ lớn cho các hãng hàng không trên thế giới. Và lượng cầu đối với du lịch bằng hàng không được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh, đặc biệt là ở Trung Quốc - thị trường sớm cán mốc 1 nghìn tỷ USD trong du lịch bằng đường không.

Các hãng hàng không vốn đã đặt hàng mẫu Boeing 737 MAX cũng khó có cơ hội hủy hợp đồng và thay thế nó bằng máy bay của Airbus. “Dù có sợ hãi thế nào về máy bay của hãng Boeing, thì chúng ta vẫn phải cố mà vượt qua thôi, bởi chúng ta luôn phải làm ăn với Boeing” - cố vấn hàng không Mike Boyd nhận định.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/boeing-va-2-cuoc-khung-hoang-can-giai-quyet-tintuc432160