Boeing tiết lộ hợp đồng UAV 'khủng' với Việt Nam tại LIMA

Bên thềm Triển lãm Hàng không và Hàng hải quốc tế LIMA 2019, đại diện hãng Boeing của Mỹ tiết lộ đang thực hiện hợp đồng cung cấp máy bay trinh sát không người lái hiện đại cho Cảnh sát Biển Việt Nam.

Đại diện của hãng Boeing trả lời phỏng vấn của tạp chí quân sự Jane’s cho hay, hãng chế tạo máy bay lớn nhất của Mỹ này đang thực hiện hợp đồng cung cấp các máy bay trinh sát không người lái (UAV) Insitu ScanEagle cho Cảnh sát Biển Việt Nam. Hình ảnh Đoàn đại biểu Quân đội nhân dân Việt Nam tham quan triển lãm LIMA 2019. Nguồn ảnh: Báo Hải quân.

Phát biểu tại LIMA 2019 vào ngày 27/3, Yeong Tae Pak - Giám đốc Tiếp thị bán hàng Boeing ở Đông Nam Á cho biết, việc bán UAV ScanEagle được thực hiện thông qua Chương trình hỗ trợ Tài chính quân sự nước ngoài (FMF) của Mỹ. Đây cũng là hợp đồng quốc phòng đáng chú ý nhất giữa Việt Nam và Mỹ kể từ sau năm 2016. Nguồn ảnh: Rappler.

Nếu thông tin này được xác nhận ScanEagle sẽ là mẫu UAV tiếp theo của Cảnh sát Biển Việt Nam xuất hiện chỉ trong ba tháng đầu năm nay, khi trước đó vào đầu tháng 3 Cảnh sát Biển Việt Nam cũng bất ngờ công bố hình ảnh về một mẫu UAV trinh sát có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng mới được trang bị. Trong ảnh là mẫu UAV mới của Cảnh sát Biển được giới thiệu trong lễ ra quân huấn luyện năm 2019. Nguồn ảnh: Cảnh sát Biển Việt Nam.

Cũng theo Boeing, mẫu UAV ScanEagle đang khá thành công ở thị trường Đông Nam Á bởi trước Việt Nam, đã có Philippines và Malaysia đưa vào trang bị ScanEagle. Một quốc gia khác là Indonesia cũng đang tiến hành đàm phán mua 4 UAV ScanEagle cho lực lượng hải quân. Nguồn ảnh: Rappler.

Insitu ScanEagle là hệ thống UAV trinh sát tầm thấp được phát triển bởi công ty công nghệ Insitu - công ty con của Boeing chuyên lĩnh vực thiết kế, phát triển, sản xuất các phương tiện bay không người lái. Mỗi hệ thống ScanEagle có đơn giá khoảng 3,2 triệu USD (giá năm 2006) gồm 4 UAV và một hệ thống điều khiển. Nguồn ảnh: Boeing.

Với thiết kế giành cho nhiệm vụ trinh sát chiến thuật ScanEagle có kích thước khá nhỏ gọn, máy bay nặng tối đa chỉ 20kg; tải trọng 3,4kg; dài 1,4m, sải cánh 3,1m cho phép mang camera hồng ngoại hoặc khí tài trinh sát quang - điện tử. Nguồn ảnh: Wolf UAS

ScanEagle được trang bị động cơ cánh quạt chạy bằng pin năng lượng cho tốc độ tối đa 148km/h, tốc độ hành trình 111km/h, nhưng đặc biệt thời gian bay liên tục lên tới 24 tiếng, trần bay đạt đến 5.900m. Mẫu UAV này được triển khai thông qua hệ thống máy phóng có thể được đặt trên tàu hoặc mặt đất. Nguồn ảnh: DefPost

Hiện tại ScanEagle được quân đội khá nhiều nước trên thế giới sử dụng và được đánh giá là phù hợp với nhiệm tuần tra, trinh sát không chỉ trên bộ mà cả trên biển. Trong đó Hải quân Mỹ là lực lượng đầu tiên đưa mẫu UAV này vào trang bị từ năm 2005. Nguồn ảnh: Hải quân Australian.

Mặc dù có một số ý kiến về việc sử dụng ScanEagle trên các tàu hải quân hay cảnh sát biển, thế nhưng quá trình vận hành UAV này trên biển khá dễ dàng thông qua hệ thống phóng gọi là SuperWedge và thu hồi bằng hệ thống lưới Skyhook. Nguồn ảnh: Boeing.

Nếu Cảnh sát Biển Việt Nam được trang bị UAV ScanEagle, nhiều khả năng hệ thống UAV này sẽ triển khai nó trên các tàu tuần duyên cỡ lớn như CSB 8020, hoặc 4 tàu tuần duyên kiểu DN-2000 có sân đỗ trực thăng thuận tiện cho việc triển khai - thu hồi UAV. Nguồn ảnh: Cảnh sát biển.

Mô tả video

Ánh Dương

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/boeing-tiet-lo-hop-dong-uav-khung-voi-viet-nam-tai-lima-1204192.html