Boeing sửa lỗi máy bay 737 MAX8, Trung Quốc có còn chê?

Chủ tịch Boeing thông báo hãng đã hoàn tất việc sửa lỗi và bay thử nghiệm với dòng 737 MAX8 bị lỗi trước đó.

Chủ tịch Dennis Muilenburg ngày 16/5 thông báo hãng đã hoàn tất việc cập nhật phần mềm để sửa lỗi dẫn đến hai vụ tai nạn thảm khốc ở Indonesia và Ethiopia.

Ngoài ra, các chuyến bay thử nghiệm cũng đã được kết thúc và cho các kết quả khả quan, khẳng định các lỗi đã được xử lý và chiếc Boeing dòng 737 MAX8 đã hoàn toàn an toàn.

"Chúng tôi đã rà soát toàn bộ máy bay. Phần lỗi liên quan đến tai nạn được xác định ở hệ thống kiểm soát lỗi máy bay trong khi bay. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến tai nạn thảm khốc trước đây. Đến bây giờ, Boeing 737 MAX8 an toàn" - ông Muilenburg cho biết.

Chủ tịch Muilenburg nói thêm, Boeing đã chuyển toàn bộ thông tin chi tiết quá trình sửa chữa và thử nghiệm cho Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) nhằm thực hiện kiểm soát lại một lần nữa, trước khi chứng nhận độ tin cậy để có thể vận hành trở lại dòng máy bay dân dụng này.

Các máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Southwest bó cánh nhiều tháng nay

Các máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Southwest bó cánh nhiều tháng nay

FAA sẽ tổ chức cuộc họp với các tổ chức quản lý hàng không dân dụng quốc tế vào ngày 23/5 tại bang Texas nhằm thảo luận về quá trình cho phép 737 MAX hoạt động trở lại.

Sau 2 vụ rơi máy bay trong vòng 6 tháng tại Indonesia và Ethiopia làm hơn 340 người thiệt mạng, Boeing đã chi trả khoảng 1 tỉ USD cho việc sửa chữa lỗi hệ thống trên toàn bộ các sản phẩm máy bay của họ.

Đáng chú ý, con số này chỉ là điểm khởi đầu, chưa bao gồm các chi phí đào tạo phi công bổ sung, thanh toán cho các hãng hàng không bị thiệt hại vì hủy chuyến và bồi thường cho các gia đình nạn nhân.

Đương nhiên, số tiền đã chi ra có thể không phản ánh hết toàn bộ thiệt hại. Trong tháng tư vừa qua, Boeing đã không bán được một chiếc máy bay nào, không riêng với dòng 737 Max mà cả những dòng 787 Dreamliner hay 777.

Nhà phân tích Philip Baggaley lĩnh vực vận tải tại Standard & Poor's cho rằng, hai sự cố liên tiếp của 737 Max khiến các hãng bay e ngại đặt hàng với Boeing. Baggaley cũng nhận định, các hãng hàng không đang chờ xem liệu Boeing có giảm giá không sau các sự cố liên tiếp.

"Nếu Boeing muốn đền bù cho khách hàng vì 737 Max bị cấm bay, họ có thể sẽ không bồi thường bằng tiền mặt. Boeing sẽ hạ giá các đơn đặt hàng tương lai hoặc có một số thay đổi trong các đơn hàng này", Bagggaley nói.

Tuy nhiên, khi Boeing 737 MAX8 nếu có thể được quay trở lại cũng sẽ gặp nhiều vấn đề liên quan đến không chỉ yếu tố uy tín hay tính an toàn. Trong một diễn biến khác, rất có thể hãng máy bay này đang trở thành nạn nhân của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngay từ thời điểm năm 2016, Boeing đã đưa ra chiến lược hợp tác với các hãng sản xuất của Trung Quốc để tìm cách chiếm lĩnh thị trường khổng lồ này.

Theo số liệu của Boeing, Trung Quốc sẽ là thị trường máy bay thương mại trị giá 1.000 tỉ USD đầu tiên trên thế giới. Năm 2037, Boeing ước tính Trung Quốc cần tới 7.690 máy bay thương mại để đáp ứng nhu cầu đi lại.

Boeing đang đứng trước nguy cơ trở thành con tin của Bắc Kinh trong thương chiến với Washington

Boeing cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với Airbus và Comac- một hãng sản xuất máy bay thương mại nội địa của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi xảy ra thảm họa hàng không tại Ethiopia, Trung Quốc là nước đầu tiên cấm bay dòng 737 MAX8. Đáng chú ý, Bắc Kinh đang gây sức ép để hủy bỏ các hợp đồng đã ký kết bất chấp việc mẫu máy bay này được sửa chữa và đủ an toàn để cất cánh trở lại.

Trong một diễn biến mới nhất, Mỹ đã chính thức ra mặt nhằm triệt tiêu tầm ảnh hưởng của Huawei ở thị trường Mỹ và châu Âu như một sức ép đến các chính sách đàm phán của Trung Quốc. Cho đến hiện tại, Mỹ áp đặt thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc để làm sức ép cho các hoạt động đàm phán tiếp theo. Vì thế, Bắc Kinh hoàn toàn có thể sử dụng Boeing như một quân bài để gây áp lực ngược lại với Washington.

Nếu Bắc Kinh từ chối tiếp tục các hợp đồng, Boeing sẽ đối diện tình thế rất khó khăn. Riêng các hợp đồng với Trung Quốc đang chiếm khoảng 14% tổng doanh thu của tập đoàn này hàng năm. Trung Quốc cũng là quốc gia mua nhiều máy bay Boeing nhất.

Chưa dừng ở đó, chỉ cần một cái gật đầu từ Bắc Kinh, ngay lập tức đối thủ cạnh tranh khốc liệt nhất là Airbus của Pháp (châu Âu) sẽ nhảy vào chiếm lĩnh thị trường. Không riêng 737 MAX8, Boeing đứng trước nguy cơ mất trắng cả mảng thị trường 1.000 tỷ USD này.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/boeing-sua-loi-may-bay-737-max8-trung-quoc-co-con-che-3380234/