Boeing 'sảy chân', các hãng sản xuất máy bay chớp thời cơ

Việc máy bay Boeing 737 Max bị cấm bay trên toàn cầu sau 2 vụ tai nạn trong vòng 5 tháng của Lion Air và Ethiopian Airlines đã mang đến cơ hội lớn cho các đối thủ Nga và Trung Quốc. Tập đoàn sản xuất máy bay COMAC (Trung Quốc) và Irkut (Nga) đã nhanh chóng lên kế hoạch sớm ra mắt dòng máy bay thân hẹp để cạnh tranh với ông lớn trong ngành hàng không này.

Ngày hôm qua (22-3, Hãng Hàng không Garuda của Indonesia đã chính thức thông báo hủy đơn đặt mua 49 máy bay Boeing 737 Max 8. Đây là hãng bay đầu tiên trên thế giới chính thức hủy đơn hàng mua dòng máy bay Boeing 737 Max sau 2 vụ tai nạn xảy ra đối với dòng máy bay này.

Vào năm 2014, Garuda Airlines đã đặt mua tổng cộng 50 máy bay 737 Max 8 của Boeing với giá trị 4,9 tỷ USD. Hãng hàng không ở đất nước vạn đảo mới chỉ được bàn giao 1 chiếc và giờ không có ý định nhận thêm chiếc 737 Max nào nữa nhưng “có thể xem xét chuyển sang đặt hàng những dòng máy bay khác của Boeing”.

Thông tin trên tờ Nikkei cho biết, đang ngày một nhiều hãng hàng không xem xét lại việc sử dụng 737 Max, đặc biệt các hãng tại Đông Nam Á.

Tuy nhiên, sau hãng Garuda, hiện chưa có thêm hãng hàng không nào chính thức hủy đơn đặt hàng với dòng máy bay bán chạy nhất trong lịch sử Boeing.

“Đối thủ” chính của Boeing 737 Max chính là A320 của Airbus khi hai hãng sản xuất máy bay lớn nhất nhì thế giới này cạnh tranh nhau khốc liệt trong dòng máy bay thân hẹp. Trong năm 2018, Airbus bán được 626 chiếc A320 trong khi Boeing là 580 chiếc Boeing 737.

Sau cú “xảy chân” của Boeing, hoạt động sản xuất máy bay A320 của Airbus hiện đang ở mức công suất tối đa, với khoảng 50 chiếc máy bay được sản xuất ra mỗi tháng, song đơn đặt hàng đã lên đến 6.000 chiếc. Chính vì vậy, sẽ rất khó để Airbus có thể tăng thêm số lượng máy bay bán ra.

Các công ty sản xuất máy bay của Trung Quốc và Nga cũng ngay lập tức chớp thời cơ với dòng máy bay động cơ kép C919 của COMAC (Trung Quốc) và dòng máy bay thân hẹp MC-21 của Irkut (Nga).

Wu Guanghui - Phó Chủ tịch của COMAC và là nhà thiết kế chính của dòng máy bay đã bay thử thành công trong năm 2017 C919, cho biết công ty đã nộp chứng nhận chất lượng tại châu Âu và sẽ có được nó trong vòng từ 3 đến 4 năm tới.

Cho đến nay, máy bay thân hẹp C919 do Trung Quốc sản xuất đã nhận được 800 đơn đặt hàng, trong đó có nhiều hãng hàng không mới bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên việc giành được chứng nhận châu Âu sẽ mang đến phép thử cho việc liệu dòng máy bay này có thể được bán rộng rãi ra bên ngoài hay không.

Trong khi đó, dòng phi cơ chở khách MC-21 của Irkut cũng đã bay thử thành công vào năm 2017 và đang đặt mục tiêu giành được chứng nhận châu Âu vào đầu năm 2020.

Irkut cũng vừa thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm lần 3 của dòng máy bay MC-21 trong tuần trước. Dòng phi cơ này sẽ được bán qua các nước thuộc liên bang Xô viết cũ và Nga với doanh số bán ước tính đạt 1.000 chiếc vào năm 2030.

V.Cường (theo Nikkei, SimpleFlying)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/danh-gia-so-sanh-pt/boeing-xay-chan-cac-hang-san-xuat-may-bay-chop-thoi-co-537852/