Boeing khủng hoảng, hứng đòn đau vì các lỗi kỹ thuật

Lợi nhuận ròng của Boeing đã tụt hơn 50% so với cùng kỳ, ảnh hưởng nặng nề từ các sự cố kỹ thuật chết người.

Ngày 23/10, Tập đoàn Boeing thông báo lợi nhuận ròng của hãng trong quý III đã giảm 50,6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1,2 tỷ USD.

Giám đốc điều hành Boeing Dennis Muilenburg đã tham gia các phi công thử nghiệm của Boeing trên chuyến bay 737 MAX 7 để chứng kiến cập nhật phần mềm MCAS. Ảnh: Boeing

Giám đốc điều hành Boeing Dennis Muilenburg đã tham gia các phi công thử nghiệm của Boeing trên chuyến bay 737 MAX 7 để chứng kiến cập nhật phần mềm MCAS. Ảnh: Boeing

Mặc dù đối mặt với khủng hoảng sau 2 vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng liên quan đến dòng 737 MAX, Boeing vẫn kỳ vọng rằng nhà chức trách sẽ cho phép dòng máy bay này hoạt động trở lại kể từ quý IV năm nay.

Giám đốc điều hành (CEO) của Boeing Dennis Muilenburg nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu hiện nay của hãng là đảm bảo máy bay 737 MAX vận hành an toàn trở lại.

737 MAX là dòng máy bay bán chạy nhất và là nguồn thu chính của Boeing. Việc có thể đưa vào sử dụng trở lại sẽ khiến công ty này cải thiện con số doanh thu tồi tệ.

Được biết, việc trì hoãn đưa 737 MAX hoạt động trở lại đã khiến chi phí của hãng bị đội lên 900 triệu USD, nâng tổng chi phí kể từ khi dòng máy bay này bị cấm hoạt động lên tới 9,3 tỷ USD.

Doanh thu của Boeing đã giảm 20,5% xuống còn 20 tỷ USD. Dòng tiền của công ty đã bị âm ở mức 2,89 tỷ USD, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái khi công ty ghi nhận dòng tiền dương ở mức 4,1 tỷ USD.

Lãi cổ tức của Boeing cũng đã giảm mạnh từ 1,89 tỷ USD (tương đương 3,58 USD/cổ phiếu) xuống còn 895 triệu USD (tương đương với 1,45 USD/cổ phiếu).

Dòng máy bay đắt hàng nhất của Boeing là 737 MAX đã bị cấm bay trên toàn thế giới sau 2 vụ tai nạn thảm khốc của Lion Air (Indonesia) vào tháng 10/2018 và của Ethiopian Airlines vào tháng 3/2019 khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng. Kết quả điều tra sơ bộ về các vụ tai nạn trên đều cho thấy có trục trặc trong hệ thống MCAS vốn được thiết kế dành riêng cho máy bay Boeing 737 MAX.

Các vụ tai nạn thảm khốc đã khiến Boeing rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử hơn 100 năm của hãng.

Vào tháng 7, Boeing đã phải trả khoản phí sau thuế 4,9 tỷ USD để bồi thường cho các hãng hàng không và các khách hàng khác bị ảnh hưởng từ vụ tai nạn nói trên.

Khủng hoảng hiện tại đã khiến Boeing lần đầu tiên thay thế quan chức cấp cao. Ngày 22/10, ông Kevin McAllister, người đứng đầu Bộ phận quảng cáo tiếp thị sản phẩm (BCA) của Tập đoàn chế tạo và sản xuất máy bay Boeing Co (Mỹ) đã chính thức rời khỏi chức vụ này. Thay thế ông là người đứng đầu Bộ phận dịch vụ toàn cầu của Boeing, ông Stan Deal. Ông Stan Deal được xem là nhân tố thúc đẩy doanh số bán hàng cùng với Giám đốc kinh doanh Ihssane Mounir.

Không chỉ bị ảnh hưởng liên quan đến các vấn đề kỹ thuật của dòng 737 MAX, Boeing cũng bị ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại và quyết định giảm sản lượng máy bay 787 Dreamliner từ 14 chiếc/tháng xuống còn 12 chiếc/tháng từ cuối năm 2020. Trong khi đó, với dòng máy bay 777X đang gặp vấn đề động cơ, Boeing sẽ tập trung vào mục tiêu thực hiện chuyến bay đầu tiên vào đầu năm 2021.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/boeing-khung-hoang-hung-don-dau-vi-cac-loi-ky-thuat-3390049/