Boeing 737 Max bị nhiều nước cấm bay sau tai nạn thảm khốc tại Ethiopia

Hàng loạt quốc gia trên thế giới tạm thời cấm bay Boeing 737 Max sau thảm họa hàng không tại Ethiopia khiến 157 người thiệt mạng.

Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu tạm cấm bay Boeing 737 Max tại châu Âu từ thứ Ba (12/3) cùng nhiều nước khác. Động thái được đưa ra sau khi xảy ra tai nạn hàng không thảm khốc tại Ethiopia chỉ 6 phút sau khi cất cánh, giết chết toàn bộ 157 người trên máy bay Boeing 737 Max 8. Chuyến bay được cho là đã gặp sự cố kỹ thuật và đề nghị quay lại trước khi rơi. Nguyên nhân của vụ tai nạn đang được điều tra.

Đây là lần thứ hai trong chưa đầy 6 tháng Boeing 737 Max 8 gặp vấn đề sau khi cất cánh. Tháng 10/2018, máy bay Boeing 737 Max 8 mới đưa vào sử dụng của Lion Air cũng bị rơi tại Indonesia, khiến 189 người thiệt mạng.

Một mảnh vỡ máy bay Boeing 737 Max 8 trong tai nạn hàng không xảy ra hôm 10/3 tại Ethiopia. Ảnh: Reuters

Một mảnh vỡ máy bay Boeing 737 Max 8 trong tai nạn hàng không xảy ra hôm 10/3 tại Ethiopia. Ảnh: Reuters

Boeing 737 Max 8 bị cấm bay tại nhiều nước

Trước khi EU có thông báo, các nước như Úc, Áo, Bỉ, Pháp, Đức, Iceland, Ireland, Ý, Malaysia, Hà Lan, Oman, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh đã ban hành lệnh cấm vào ngày 12/3. Anh, Oman, Singapore, Úc, Ireland, Pháp và Nauy cấm tất cả các dòng Boeing 737.

Ấn Độ, Dubai, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Iceland, Đức và hãng hàng không LOT Polish, TUI Airways, GOL Linhas Aereas, Aeromexico, Aerolíneas Argentinas, Cayman Airways, Comair Airways, Eastar Jet, Jet Airways, Mongolian Airlines, China Airlines, China Eastern, China Southern, Lion Air và Silkair cấm bay với Max 8. Thổ Nhĩ Kỳ cấm bay Max 8 và 9.

Max 9 chưa bao giờ gặp tai nạn nhưng cũng có mặt trong chỉ đạo khẩn cấp của FAA sau vụ rơi máy bay Lion Air. Các hãng hàng không vẫn cho phép 737 Max bay bao gồm: American, United và Southwest Airlines, Fiji Airways, Icelandair, Flydubai, Spicejet và WestJet.

Cơ quan hàng không dân dụng của Trung Quốc (CAAC) là cơ quan đầu tiên ban hành lệnh cấm vào ngày 11/3 đối với tất cả Boeing 737 Max 7 của các hãng nội địa. Theo truyền thông Trung Quốc, nước này là một trong các nước sở hữu nhiều máy bay Boeing 737 Max 8 nhất thế giới với 97 máy bay.

Trong khi một số chính phủ và cơ quan hàng không nước ngoài ra lệnh cấm với máy bay Boeing 737 Max 8, các hãng hàng không Mỹ và Cục Hàng không Liên bang (FAA), Boeing lại không. Ông Daniel K. Elwell, quyền quản lý FAA, cho biết cục đã xem xét tất cả dữ liệu sẵn có và không tìm ra sự cố hoạt động hệ thống nào để cấm bay. Boeing nói “hoàn toàn tự tin” về sự an toàn của 737 Max nhưng hiểu được các quyết định của khách hàng. Trên tài khoản Twitter chính thức, công ty nhấn mạnh an toàn là ưu tiên hàng đầu.

Lo ngại gia tăng đối với Boeing 737 Max

Chưa có bằng chứng về mối liên quan giữa tai nạn máy bay tại Ethiopia và Indonesia nhưng sự tương đồng đã khiến một số hãng hàng không thực hiện các biện pháp an toàn bổ sung trong khi cuộc điều tra đang diễn ra.

CAAC trong tuyên bố hôm 11/3 cho rằng xét cả hai vụ, máy bay đều là Boeing 737 Max 8 vừa được đưa vào sử dụng và đều xảy ra trong quá trình cất cánh, chúng có một số điểm tương đồng nhất định. Hôm 12/3, CEO Ethiopian Airlines Tewolde GebreMariam cho biết phi công trên chuyến bay 302 nói với đài kiểm soát không lưu rằng họ gặp “vấn đề kiểm soát chuyến bay” trước khi rơi.

Các chuyên gia và quản lý an toàn hàng không khắp thế giới có ý kiến trái chiều về sự an toàn của Boeing 737 Max 8. David Soucie, cựu điều tra viên an toàn FAA, trả lời CNN rằng: “Tôi chưa bao giờ nói một mẫu máy bay nào là không an toàn để bay nhưng trong trường hợp này, tôi sẽ nói như vậy”. Còn Peter Goelz, cựu Giám đốc Ban điều hành an toàn giao thông quốc gia, lại nói còn quá sớm để nhà chức trách Mỹ cấm bay đối với Boeing 737 Max.

Du Lam (Theo CNN)

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/cntt/boeing-737-max-bi-nhieu-nuoc-cam-bay-sau-tai-nan-tham-khoc-tai-ethiopia-180053.ict