Bóc trần công nghệ chế biến sáp thơm khử mùi 'rẻ tiền' khiến người sử dùng bị mù, vô sinh

Sáp thơm có mặt trong mọi sinh hoạt của mỗi gia đình để thanh lọc không khí, tạo mùi hương dễ chịu, giảm stress, khử khuẩn,… Sức tiêu thụ mạnh mẽ khiến sản phẩm trở thành mặt hàng được nhiều gian thương 'phù phép' để thu lợi khủng.

Sử dụng các nguyên liệu dởm, rẻ tiền từ Trung Quốc, gian thương tẩm, ướp thêm các phụ gia tổng hợp từ chất hóa học để lưu giữ mùi hương lâu dài. Với mục tiêu đầu tư ít, lợi nhuận nhiều, các nhà sản xuất nhỏ lẻ, “chui” bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, chế biến ra các loại túi thơm, sáp thơm dỏm, chứa các hóa chất gây mù, ung thư, dị tật bẩm sinh, vô sinh,…

Các nguyên liệu để chế biến các loại sáp thơm giá rẻ được nhập về từ Trung Quốc

Công nghệ tạo sáp thơm giá rẻ

Sự thoải mái không thể phủ nhận từ sáp thơm, túi thơm khiến sản phẩm này trở thành mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh mẽ,… Các loại sáp thơm hiện diện khắp nơi trong nhà của người tiêu dùng như phòng khách, nhà bếp, phòng ngủ, nhà vệ sinh… Tại TP. HCM, vô số các loại sáp thơm, túi thơm, hạt tạo mùi,… được bày bán, quảng cáo rầm rộ từ các trang mạng, chợ trực tuyến đến các siêu thị, khu mua sắm cao cấp. Ghi nhận tại các cửa hàng, sáp thơm, túi thơm không chỉ xuất hiện tại các cửa hàng, siêu thị mà thậm chí còn tràn ra lề đường với các sản phẩm giá rẻ.

Việc có quá nhiều nhà sản xuất, kinh doanh khiến sáp thơm “loạn nhịp” về thương hiệu cũng như giá cả. Tại TP. HCM, ngoài các sản phẩm sáp thơm có thương hiệu, những sản phẩm giá rẻ ít tên tuổi hơn được bày bán nhan nhản. Chị Lê Xuân An (chuyên phân phối sáp thơm tại quận 3, TP. HCM) cho biết: “Đa số các loại sáp thơm ít tên tuổi, giá rẻ đều được sản xuất một cách nhỏ lẻ, chất lượng không đảm bảo. Những sản phẩm này đa phần sử dụng nguyên liệu kém chất lượng, hương liệu tổng hợp từ các chất hóa học. Thậm chí, trên thị trường đã xuất hiện các loại sáp thơm giả, nhái những thương hiệu nổi tiếng. Thường hàng dỏm được sản xuất một cách nhỏ lẻ sau đó được các cơ sở này đem bỏ cho các tiệm tạp hóa, cửa hàng kinh doanh thiết bị, sản phẩm vệ sinh nhà ở hoặc đăng bán trên mạng”.

Qua nhiều chủ cửa hàng tạp hóa, PV tiếp cận anh T.T.Đ., người chuyên cung cấp, bỏ mối những sản phẩm sáp thơm giá rẻ từ một lò sản xuất chui tại huyện Bình Chánh, TP. HCM. Nhiều lần tiếp xúc và tỏ ra tin tưởng nhưng người này vẫn không đồng ý tiết lộ công thức sản xuất loại sáp thơm giá rẻ mà chỉ điểm: “Tôi học được từ bà V.T.H.N., chủ quầy bán hóa chất H.N. ở chợ Kim Biên, quận 5, TP. HCM. Anh cứ ra đó hỏi, bảo là tôi giới thiệu, muốn học làm sáp thơm rồi đồng ý mua nguyên liệu với bà là bà ấy chỉ thôi. Bà này biết cả công thức chế bột giặt, nước xả, dầu gội luôn. Muốn hỏi cái gì thì hỏi nhưng nhớ là phải làm bà ta tin tưởng, chấp nhận mua nguyên liệu sản xuất tại chỗ này”.

Tại cửa hàng kinh doanh hóa chất H.N., sau mọi “thủ tục làm tin”, bà chủ tên N. chậm rãi cho biết: “So với mấy cái khác thì làm sáp thơm, túi thơm rẻ và dễ hơn nhiều. Thành phần chính cửa sáp muốn tốt thì mua sáp ong, rẻ hơn thì mua sáp Parafin, Banking soda, Axit Stearic,… hương liệu tổng hợp và chút chất tạo màu công nghiệp là xong. Ở đây cung cấp hết cả nhưng không bán vỏ, hộp, nhãn hiệu, bao bì. Mấy cái đó mấy người tự lo. Tôi chỉ công thức, cách làm, bán nguyên liệu thôi”. Sau khi chấp nhận đặt hàng dài hạn với cửa tiệm nếu sản xuất thành công, bà N. hướng dẫn thêm: “Sáp Parafin, Banking soda, Axit Stearic,… là thành phần chủ đạo. Nấu cái này lên cho nó chảy ra thành một hỗn hợp đồng nhất, trong suốt. Sau đó, trộn phẩm màu vào, không thì để nó trong suốt cũng được. Quan trọng là khâu bỏ mùi, bỏ không đúng thì hư bột hư đường hết”.

Theo bà N., để sản xuất được một hộp sáp thơm có kích thước nhất định phải có tỷ lệ sử dụng nguyên liệu, hương liệu, phẩm màu nhất định. Tỷ lệ này quyết định chi phí sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm có đạt độ “thật” hay không. Đặc biệt, khâu trộn hương liệu cũng được bà này hướng dẫn kỹ. “Khi bỏ hương liệu thì chỉ nên bỏ từng giọt, từng giọt, vừa bỏ vừa khuấy đều xem hương tỏa ra như thế nào. Bỏ khi nào mũi cảm thấy hương thơm tỏa ra nhẹ nhàng, dễ chịu là được. Bỏ nhiều quá mùi nồng, gắt mũi. Sau cùng, đổ hỗn hợp này vào khuôn, đợi đông lại là xong”, bà N. “bật mí” thêm.

Nguy cơ mù lòa, dị tật bẩm sinh, ung thư

Liên hệ nhiều cửa hàng kinh doanh hóa chất, PV được biết các nguyên liệu Parafin, Banking soda, Axit Stearic,… đa số được nhập từ Trung Quốc hoặc không rõ xuất xứ. Đáng nói hơn, theo ông Đ. cho biết, mặc dù công thức của bà N. rất chi tiết, đầy đủ nhưng để sản phẩm chế xuất từ những nguyên liệu giá rẻ cũng phải có những bí quyết riêng, được tích lũy qua kinh nghiệm. Một trong những kinh nghiệm này là sử dụng phụ gia tổng hợp từ chất hóa học, các chất lưu hương. Nếu không có những loại chất, phụ gia trên, sản phẩm dỏm sẽ nhanh mất mùi, không lưu giữ được mùi thơm đặc trưng. Tuy nhiên, các chuyên gia hóa học, y học cho rằng những hóa chất trên là vô cùng độc hại đối với người sử dụng.

Nhân viên cửa hàng hóa chất H.N. chiết hương liệu tổng hợp ra chai nhỏ cho PV

Tiến sỹ Đặng Chí Hiền (Viện Công nghệ Hóa học) cho biết: “Hương liệu có 2 dạng là hương liệu tự nhiên và hương liệu nhân tạo. Tuy nhiên, hương liệu có nguồn gốc tự nhiên có giá thành rất đắt đỏ nên nhiều nhà sản xuất thay thế chúng bằng hương liệu nhân tạo để giảm chi phí. Hương liệu nhân tạo được sản xuất hàng loạt với số lượng lớn bằng cách pha trộn các hóa chất với nhau nên giá thành rất rẻ. Để rẻ người ta thường chọn các hóa chất công nghiệp tạo hương như aldehyde, cetol… Các chất này có hàm lượng tạp chất cao. Các tạp chất này rất nguy hiểm đối với sức khỏe người tiêu dùng”.

Cũng theo các chuyên gia hóa học, trong các loại hương liệu tổng hợp, giá rẻ thường xuất hiện hợp chất naphthalene. “Đây là hợp chất rất có hại đối với người tiếp xúc. Chúng có thể là nguyên nhân gây ung thư cho cả người và động vật nếu tiếp xúc quá nhiều. Người tiếp xúc với chất này lâu sẽ ảnh hưởng đến thị lực, gây đục nhân mắt ở phụ nữ”, tiến sỹ Hiền cho biết thêm.

Ngoài ra, tiến sỹ Hiền cũng cho biết hiện nay, các loại hương thơm sử dụng trong công nghệ chế biến nước hoa, sáp thơm, túi thơm, nước xả, tinh dầu,… đa số đều có nguồn gốc từ dầu mỏ chứ không phải là hương liệu thiên nhiên như trước đây. Về nguyên lý hóa học, những mùi thơm trên được tạo thành bởi những vòng benzene, vòng thơm này khi phát tán có thể có khả năng bẻ gãy cấu trúc tế bào.

Cùng quan điểm trên, bác sỹ Nguyễn Ngọc Hùng (công tác tại Sở Y tế tỉnh Bình Dương) cho biết: “Các loại hương liệu, phụ gia bằng hóa chất tổng hợp rất nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Đã có nhiều khuyến cáo về tầm nguy hại của những sản phẩm sáp thơm không rõ nguồn gốc. Tiếp xúc quá lâu với các loại sáp thơm sử dụng nguyên liệu, hóa chất, hương thơm tổng hợp, người dùng có thể mắc bệnh ung thư, dị ứng da, dị ứng đường hô hấp, khó thở, hen suyễn… Ngoài ra, khi đốt cháy, những chất hóa học có thể theo đường hô hấp vào cơ thể gây khó thở, viêm đường hô hấp. Còn với những loại sáp thơm, nước xịt phòng thì có thể mùi thơm đó gây kích thích cơn hen, dị ứng mùi”.

Nên tự làm sáp thơm, túi thơm từ thảo dược

Tiến sỹ Đặng Chí Hiền (Viện Công nghệ Hóa học) khuyến cáo: “Để tránh mua phải những sản phẩm sáp thơm, túi thơm,… chất lượng kém, chúng ta có thể tự tạo ra mùi hương phòng khách, nhà bếp, nhà vệ sinh, phòng ngủ,… bằng các loại thảo dược. Để có hương thơm tự nhiên trong nhà chỉ cần đun nước vỏ cam, bưởi, hạt mùi già, cả sả,… Khéo léo hơn, chúng ta có thể tạo các loại túi thơm, gối thơm từ thảo dược như lá đinh lăng, lá ngải cứu xao khô, vỏ đậu, lavender… vừa có tác dụng làm thơm phòng, vừa có dược tính tốt, an toàn cho sức khỏe”.

Hải Minh

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/phong-su/boc-tran-cong-nghe-che-bien-sap-thom-khu-mui-re-tien-khien-nguoi-su-dung-bi-mu-vo-sinh-17251.html